"Đòn bẩy" xoá đói giảm nghèo
(QBĐT) - Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình đã chuyển tải kịp thời các nguồn vốn của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp họ có nguồn vốn phát triển kinh tế góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, khôi phục kinh tế-xã hội sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Tiếp sức” cho người dân làm kinh tế
Với mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập 100 triệu đồng/năm, ít ai biết được rằng trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) từng là hộ cận nghèo của xã.
Chị Thanh cho biết: "Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì gia đình tôi cũng khó có được thành quả của ngày hôm nay. Trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi tương đối khó khăn, vất vả. Không có vốn làm ăn nên chỉ biết bám víu vào mấy sào ruộng. May mắn được Hội Nông dân xã hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn của NHCSXH, gia đình tôi đã bắt tay đầu tư phát triển kinh tế. Nhận thấy lợi thế có đất vườn rộng, có thể phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, chúng tôi đã cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại. Từ số vốn vay ban đầu, chúng tôi mua giống để chăn nuôi gà, vịt rồi dần dần tái đàn với số lượng lớn và đầu tư chăn nuôi thêm lợn, cá”.
Hiện nay, mỗi năm gia đình chị cung cấp ra thị trường trên 1.000kg các loại cá, trên 500 con gà, vịt các loại, trên 1.200kg lợn thịt, từ 3-5 con bê. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập bình quân ổn định trên 100 triệu đồng. Từ chỗ thu nhập chỉ ở mức trung bình, tạm đủ chi tiêu sinh hoạt, sau nhiều năm phấn đấu, gia đình chị Thanh đã thoát hộ cận nghèo và trở thành hộ thu nhập ổn định, khá giả.
Sau khi hoàn thành chương trình học cao đẳng, Hoàng Huy Thành, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) trở về quê khởi nghiệp. Mong muốn phát triển kinh tế từ đặc sản địa phương, Thành đã chọn sản phẩm khoai deo để đầu tư. Ngày đầu khởi nghiệp, vốn đầu tư mua máy móc hạn hẹp, Hoàng Huy Thành được Thành đoàn Đồng Hới tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn tạo việc làm của NHCSXH. Có vốn, Thành đầu tư mua máy móc để chế biến sản phẩm khoai deo với thương hiệu khoai deo Hoàng Minh.
Thành cho biết, nguồn vốn vay NHCSXH đã giúp tôi khởi nghiệp và tạo ra thương hiệu khoai deo cho mình. Khoai deo Hoàng Minh hiện đã tạo được uy tín với nhiều người tiêu dùng trong tỉnh và được nhiều người lựa chọn để làm quà biếu bởi mẫu mã, bao bì bảo đảm, bắt mắt. Hiện tại, ngoài sản phẩm khoai deo Hoàng Minh, tùy vào từng mùa, em đang nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm khác như bí đao sấy, chuối sấy, tóp mỡ...
Nhiều chương trình vay được triển khai
Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Hiện nay, chi nhánh quản lý 24 chương trình tín dụng. Các chương trình này đã được điều hành linh hoạt theo quy định và tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chính sách, chế độ và đối tượng thụ hưởng. Trong số các chương trình tín dụng đang dư nợ, có 10 chương trình có dư nợ tăng trong năm 2022, trong đó tập trung tăng mạnh: Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 293 tỷ đồng; hộ nghèo 78,6 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 104,4 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 211,9 tỷ đồng; hộ cận nghèo 33,8 tỷ đồng.
Để các chương trình vay được triển khai đúng đến các đối tượng thụ hưởng, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình và các phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tích cực chủ động phối hợp với 4 tổ chức chính trị-xã hội làm ủy thác duy trì có chất lượng công tác cho vay, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã lồng ghép được các chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách thức làm ăn. Các hộ nghèo và đối tượng chính sách được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hoạt động cho vay vốn của NHCSXH đã củng cố hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.
Những chương trình vay của NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Trong năm 2022, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân cho trên 30.460 lượt hộ vay vốn, trong đó có 2.639 lượt hộ nghèo, 2.869 lượt hộ cận nghèo, 2.806 lượt hộ mới thoát nghèo, 11.219 lượt hộ vay công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 6.985 lao động vay vốn giải quyết việc làm, 1.006 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh, 29 đơn vị vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...
Tổng doanh số cho vay năm 2022 của NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đạt 1.700,5 tỷ đồng với 30.125 lượt khách hàng vay vốn (tăng so với năm 2021 số tiền 530,2 tỷ đồng); bình quân cho vay 56,4 triệu đồng/khách hàng (tăng 13,3 triệu đồng). Nguồn vốn vay tín dụng đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
|
Đ.N
Từ nguồn vốn vay tín dụng CSXH, nhiều mô hình kinh tế của người dân phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao.
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.