Kỳ vọng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

  • 06:44 | Thứ Hai, 06/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng.
 
Để bảo vệ rừng (BVR) hiệu quả hơn, ngày 28/12/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Với nghị định này, đến năm 2025, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của Quảng Bình sẽ được chi trả DVMTR, qua đó tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
 
Hiệu quả ban đầu
 
Rừng có vai trò điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, tạo ra môi trường cảnh quan… Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân có tác động đến rừng, như: Khai thác thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nước phục vụ sản xuất công nghiệp, các nhà máy phát thải khí CO2... phải trả phí DVMTR. Nguồn thu này dùng để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng... góp phần ổn định đời sống người làm nghề rừng.
 
Hiện nay, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn Quảng Bình đã được triển khai trên diện tích khoảng 7.000ha do các đơn vị khai thác du lịch, thủy điện, nước sạch… từ rừng chi trả cho các đơn vị, gồm: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB), BQL rừng phòng hộ Minh Hóa, BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa, BQL rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, UBND xã Trọng Hóa (Minh Hóa) với số tiền mỗi năm khoảng 7,5 tỷ đồng; trong đó riêng BQL VQG PN-KB nhận được số tiền DVMTR mỗi năm khoảng 6,7 tỷ đồng từ các đơn vị khai thác du lịch, dịch vụ trong khu vực vườn. 
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tăng thêm thu nhập cho lực lượng BVR, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. Với nguồn kinh phí từ chi trả DVMTR, nhiều chủ rừng đã đầu tư tái tạo rừng, xây dựng được quỹ chung, sử dụng vào hoạt động hỗ trợ tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng...
 
Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho biết: “Từ nguồn thu của DVMTR, chúng tôi đã xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cũng như công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên toàn lâm phận. Đơn vị trích một phần kinh phí để tái đầu tư rừng, hỗ trợ thêm chế độ cho lực lượng tham gia BVR, xây dựng các mô hình sinh kế cho bà con gần rừng...”
Và những kỳ vọng
 
Quảng Bình hiện có 588.387ha rừng, trong đó có 469.421ha rừng tự nhiên và 118.966ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ hai cả nước (68,59%), trữ lượng và chất lượng rừng khá cao, công tác quản lý, BVR được thực hiện tốt. Rừng ở Quảng Bình có hệ sinh thái ổn định so với nhiều địa phương khác, lại đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, tỉnh đã quy hoạch và hiện có 144.311ha rừng đặc dụng. Khu vực này còn là môi trường sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm, địa chất có giá trị bảo tồn cao ở tầm quốc tế.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR, ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA). Thực hiện nghị định, Quảng Bình đã đề xuất tham gia BQL Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng các bon rừng).
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Nhận thức được tiềm năng mà REDD+ mang lại nên Quảng Bình đã đề xuất tham gia vào các hoạt động REDD+ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như tiếp xúc với các nhà tài trợ tiềm năng để tìm kiếm sự hỗ trợ sáng kiến REDD+ tại tỉnh. Nhờ đó, Quảng Bình đã trở thành một trong 3 tỉnh được lựa chọn thí điểm Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác các bon trong lâm nghiệp (FCPF)/Ngân hàng Thế giới tài trợ trong thời gian từ 2013-2015 và được lựa chọn là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ tham gia “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” giai đoạn 2 và chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2025”.
 
Chương trình giảm phát thải Bắc Trung bộ do Chính phủ Việt Nam xây dựng kỳ vọng sẽ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon, quản lý rừng bền vững, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư phụ thuộc vào rừng. Mục tiêu của chương trình là giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2018-2024 xuống 20% so với mức tham chiếu.
 
Tham gia vào chương trình, Quảng Bình dự kiến sẽ giảm gần 1,7 triệu tấn CO2 thông qua việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và tăng trữ lượng các bon rừng, quản lý rừng bền vững. Chương trình còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVR, ngăn chặn phá rừng, kiểm soát chuyển đổi rừng, quản lý rừng bền vững, đa dạng nguồn sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân gần rừng.
 
“Dự kiến từ năm 2023-2025, Quảng Bình sẽ nhận được 12,1 triệu USD chương trình giảm phát thải Bắc Trung bộ. Thực hiện chương trình, khung pháp lý về kiểm soát mất rừng, suy thoái rừng và quản trị rừng sẽ được cải thiện để giảm phát thải khí CO2. Chương trình trực tiếp đóng góp vào việc tạo nguồn tài chính từ bán tín chỉ giảm phát thải và tăng cường hấp thụ các bon, phục vụ quản lý rừng bền vững. Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon quy định tại Luật Lâm nghiệp…”, ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm

(QBĐT) - Chiều nay, 31/1, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Giá xăng tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết

Từ 19h ngày 30/1/2023, Liên bộ Công thương - Tài chính điều hành giá xăng, dầu sớm hơn so với kế hoạch là ngày 1/2/2023.

"Đòn bẩy" xoá đói giảm nghèo

(QBĐT) - Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình đã chuyển tải kịp thời các nguồn vốn của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp họ có nguồn vốn phát triển kinh tế góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, khôi phục kinh tế-xã hội sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.