Quảng Trạch: Người dân tin dùng hàng Việt
(QBĐT) - Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, Ban Chỉ đạo CVĐ huyện Quảng Trạch đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đưa CVĐ đi vào thực tiễn, giúp người dân và cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa Việt, từ đó tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm tin dùng hàng Việt.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ, Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch đã tăng cường phối hợp với các đoàn thể, tổ chức thành viên, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa CVĐ, gắn nội dung CVĐ với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị để tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan trên địa bàn thực hiện mua sắm trang thiết bị có nguồn gốc sản xuất trong nước, hạn chế tối đa các mặt hàng sản xuất nước ngoài và nếu cần thiết mua hàng sản xuất ở nước ngoài phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các hoạt động hỗ trợ sản xuất, định hướng tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường… cũng được các thành viên triển khai đồng bộ hiệu quả. Trong đó, luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hợp tác xã (HTX) phát triển; phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể, góp phần giới thiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, nhiều sản phẩm trên địa bàn Quảng Trạch đang được người tiêu dùng đánh giá cao, như: Dầu lạc nguyên chất của HTX Nông sản Trường Thủy, xã Liên Trường; bánh mè xát của HTX làng nghề bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh; mây xiên gia dụng của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương; nước mắm cốt cá cơm Hiền Dục, xã Cảnh Dương; bột ăn dặm MUMUM Organic, xã Quảng Xuân; gà xông khói của HTX Chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng, xã Quảng Thạch…
Các DN, công ty trên địa bàn huyện đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng; qua đó ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, cam kết quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Thông qua các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, nhiều tổ chức DN đã chủ động, tích cực đưa hàng về nông thôn, đặc biệt là các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng trongnhân dân. Trong năm 2022, huyện phối hợp với các DN tổ chức được 5 đợt hội chợ đưa hàng về nông thôn, quảng bá thương hiệu, thu hút hơn 2.365 lượt người tham gia.
Đặc biệt, để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, hàng năm, UBND huyện Quảng Trạch đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành về chất lượng, giá sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong năm 2022, đoàn đã tổ chức kiểm tra 6 đợt với hơn 451 điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ và bán hàng đúng giá niêm yết; kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng và giá trị.
Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn nhằm ngăn chặn các trường hợp vi phạm, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Năm 2022, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra 166 trường hợp, phát hiện và xử lý 122 vụ vi phạm với số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 320 triệu đồng.
Theo báo cáo khảo sát của Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Quảng Trạch, hiện tại các chợ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn huyện có khoảng 85% hàng Việt được bày bán; 98% người tiêu dùng đã nhận thức được ý nghĩa của việc ưu tiên và sử dụng hàng Việt Nam. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Phạm Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch, trong quá trình triển khai, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Tại một số nơi, CVĐ còn mang tính hình thức, riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương. Trong hoạt động đưa hàng về nông thôn, một số DN còn lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng… làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó, làm giảm ý nghĩa thiết thực của CVĐ.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông bất hợp pháp trên thị trường vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng xa đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao…
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt CVĐ trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, DN và các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các ngành chức năng, các DN trong và ngoài huyện tổ chức các hội chợ và các chương trình tôn vinh các DN, HTX, các thương nhân, điển hình kinh tế sản xuất, phân phối sản phẩm hàng hóa trong huyện được người tiêu dùng ưa chuộng và đạt doanh số cao, sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường công tác quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường…
Thanh Hoa
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.