Những "chiến sĩ áo cam" tận tâm

  • 07:32 | Thứ Bảy, 11/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để vận hành lưới điện lên với xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh) những “chiến sĩ áo cam” Tổ quản lý Nguyệt Áng (Điện lực Quảng Ninh) đã không ngại khó khăn, gian khổ trong việc quản lý, vận hành lưới điện. Sự tận tâm đó đã giúp cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn được sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
 
Xã Trường Xuân (Quảng Ninh) được sử dụng điện lưới quốc gia từ năm 1998. Ngày đó, lưới điện lên đây có hệ thống dây trần, cột rất thô sơ chạy dọc tuyến đường độc đạo lên xã. Có những vị trí dây và cột điện băng qua rừng tự nhiên, rừng trồng của bà con nên thường xảy ra sự cố. Mỗi lần như thế, những “chiến sĩ áo cam” của Tổ quản lý Nguyệt Áng đều có mặt để khắc phục kịp thời. Hơn 25 năm, người dân Trường Xuân đã dần quen với ánh điện cũng là chừng ấy thời gian những “người lính áo cam” gắn bó với mảnh đất miền núi đầy gian khó này.
 
Anh Nguyễn Đại Tam, Tổ trưởng Tổ quản lý Nguyệt Áng, người đã có 25 năm gắn bó với mảnh đất Trường Xuân nhớ lại: “Thời đó, lưới điện lên xã chủ yếu là dây trần kéo qua rừng núi nên thường xảy ra sự cố do chim, chuột, rắn… phá hoại. Cây rừng nơi đây cũng mọc lên rất nhanh rồi gãy, đổ làm ảnh hưởng đến lưới điện. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều phải vượt quãng đường gần 20km từ đơn vị lên để khắc phục sự cố, cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng”.
 
Đồng hành vượt qua gian khó với anh Tam còn có rất nhiều cán bộ, công nhân Điện lực Quảng Ninh. Anh Lê Tiến Hải, công nhân quản lý vận hành từng gắn bó với tổ 7 năm tâm sự: “Công tác quản lý vận hành lưới điện lên xã Trường Xuân của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nơi đây, một số người dân ý thức chưa cao nên xây dựng nhà, công trình cố định vi phạm hành lang lưới điện. Có những hộ tự ý chặt cây không có sự giám sát của ngành Điện dẫn đến sự cố chạm, chập điện”.
Công nhân Tổ quản lý Nguyệt Áng tuyên truyền cho người dân xã Trường Xuân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Công nhân Tổ quản lý Nguyệt Áng tuyên truyền cho người dân xã Trường Xuân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Để hạn chế các sự cố về điện tại xã Trường Xuân, tổ cũng thường xuyên phát quang, tuyên truyền cho người dân cùng chung sức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, như: Chặt tỉa cây cối, không xây dựng nhà cửa, công trình trái phép trong hành lang lưới điện, hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đến mùa bão lũ, anh em trong tổ phải lên xã túc trực, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và các sự cố...
 
Ngoài công tác quản lý vận hành lưới điện, những “chiến sĩ áo cam” Tổ quản lý Nguyệt Áng còn về các bản làng giúp bà con kiểm tra hệ thống điện trong nhà, thay thế thiết bị điện hư hỏng. Anh Nguyễn Văn Hóa, công nhân quản lý vận hành của tổ tâm sự: “Khi đi làm, chúng tôi gặp những hộ gia đình khó khăn có bóng đèn cháy, ổ cắm, phích cắm, cầu dao… hư hỏng nhưng không thể thay thế dẫn đến mất điện nhiều ngày. Thấy vậy, anh em chúng tôi thường bỏ tiền túi ra để mua thiết bị mới về thay thế giúp bà con”.
 
Chị Hồ Thị Ngọt, một người dân ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân nói: “Có hôm, gia đình tôi bị mất điện không rõ nguyên nhân nên gọi báo cho tổng đài. Khoảng 30 phút sau, đã có hai thợ điện lên kiểm tra và phát hiện cầu dao điện trong nhà bị hư hỏng. Việc thay thế cầu dao trong nhà là chúng tôi phải tự làm nhưng các thợ điện đã cầm sẵn thiết bị và thay thế giúp mà không hề lấy tiền công, tiền thiết bị. Không chỉ có nhà tôi được hỗ trợ tận tình mà nhiều hộ trong bản khi gặp sự cố điện đều được các anh đến kiểm tra, sửa chữa nhanh chóng”.
 
Tổ quản lý Nguyệt Áng có 10 cán bộ, công nhân hiện đang quản lý lưới điện các xã: Trường Xuân, Xuân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh. Riêng lưới điện lên xã Trường Xuân có đường dây dài và địa bàn khó khăn nhất. Cả tuyến có 10km đường dây trung thế, 20km đường dây hạ thế, 17 TBA chuyên dùng, 11 TBA công cộng với 626 khách hàng. Tiền điện bình quân mỗi tháng thu được trên xã Trường Xuân khoảng 140 triệu đồng.
Để nâng cao chất lượng lưới điện trên địa bàn xã Trường Xuân, Công ty Điện lực Quảng Bình cũng như Điện lực Quảng Ninh đã đầu tư thay thế dây trần bằng dây bọc đạt 90% đối với dây trung thế, 100% dây hạ thế và 80% dây cáp vặn xoắn đối với lưới điện 0,4kV và hệ thống cầu dao có công suất chịu tải lớn hơn.
 
Giám đốc Điện lực Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Hiền cho biết: “Bình quân mỗi năm, ngành Điện đầu tư nâng cấp, thay thế lưới điện tại địa bàn xã Trường Xuân từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế, các trạm biến áp (TBA) trên địa bàn cũng thường xuyên được nâng cấp. Hàng quý, đơn vị đều tổ chức vệ sinh hotline lưới điện phục vụ cho người dân và các doanh nghiệp, khách hàng lớn”.
 
“Xã Trường Xuân có 5 thôn, 4 bản, gần 800 hộ dân với 3.000 nhân khẩu. Đến nay, bà con trên địa bàn đã được sử dụng điện quốc gia đạt 99%. Những năm qua, ngành Điện đã đầu tư, cải tạo lưới điện cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết của những người thợ điện đã giúp cho lưới điện trên địa bàn luôn vận hành ổn định, các sự cố về điện đã giảm nhiều so với trước”, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết thêm.
 
Việt Hà

tin liên quan

Nguồn cung xăng dầu bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng

(QBĐT) - Gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cây xăng dầu ngừng hoạt động, dấy lên thông tin thị trường xăng dầu tiếp tục thiếu nguồn cung, gây hoang mang đến người tiêu dùng.

Mở tour khám phá rừng lim tại xã Tân Hóa

(QBĐT) - Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure cho biết: Nhằm đa dạng hóa các dịch vụ du lịch tại xã Tân Hóa (Minh Hóa), đầu năm 2023 Oxalis đã thiết kế chương trình tour "khám phá ngôi nhà của Kong bằng mô hình địa hình 4 bánh".

Để nông thôn mới thêm đổi mới

(QBĐT) - Xác định vai trò quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương đã xây dựng lộ trình, triển khai hoạt động nhằm hoàn thiện các tiêu chí NTM. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi thì nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.