Để nguồn thu ngân sách bền vững

  • 07:21 | Thứ Ba, 07/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022, huyện Tuyên Hóa thu ngân sách (NS) đạt trên 200 tỷ đồng (vượt 234,3% kế hoạch), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Đây cũng là năm đầu tiên, huyện đạt mốc 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù thu NS đạt cao, nhưng nguồn thu chưa thật sự vững chắc, một số khoản thu còn thấp.
 
70% nguồn thu từ… đất
 
Trụ cột cho nguồn thu NS huyện Tuyên Hóa năm 2022 chủ yếu đến từ việc đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ). Theo báo cáo, nguồn thu từ đấu giá, cấp QSDĐ trong năm trên địa bàn huyện lên đến 140 tỷ đồng, chiếm gần 70% số thu. Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Tuyên Hóa Nguyễn Thành Trung cho biết, nguồn thu NS tăng đột biến là do năm qua, trên địa bàn có 4 dự án quy hoạch, phát triển quỹ đất được đưa ra tổ chức đấu giá QSDĐ. Còn các khoản thu khác có tăng, nhưng không đáng kể.
 
“Do vậy, để nguồn thu NS huyện duy trì và tăng một cách bền vững là rất khó. Dự kiến, năm 2023, nguồn thu của huyện chủ yếu cũng chỉ trông chờ vào việc đấu giá QSDĐ của dự án phát triển quỹ đất thôn Tây Trúc, xã Tiến Hóa, với hơn 300 thửa đất. Hy vọng thời gian tới, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Cụm Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Tiến Hóa được triển khai, sẽ góp phần thay đổi cơ cấu nguồn thu cho NS huyện”, ông Nguyễn Thành Trung cho biết thêm.
 
Đáng chú ý, hiện tại, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp khai thác, kinh doanh tài nguyên đang ngừng hoạt động và nợ đọng thuế với số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn thu NS của nhiều địa phương. Trong số 6 địa phương thu NS không đạt dự toán được giao, xã Châu Hóa và Thuận Hóa là 2 địa phương bị “hụt” thu lớn nhất. Cụ thể: Xã Châu Hóa hụt thu hơn 1,6 tỷ đồng, xã Thuận Hóa hơn 1,1 tỷ đồng.
Nguồn thu ngân sách của huyện Tuyên Hóa năm 2022, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất.
Nguồn thu ngân sách của huyện Tuyên Hóa năm 2022, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất.
Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Phan Huy Hoàng lý giải: “Năm 2022, xã được huyện giao nộp NS 600 triệu đồng từ nguồn đấu giá QSDĐ. Xã đã tổ chức đấu giá được 14 thửa đất, thu trên 4,8 tỷ đồng và nộp NS vượt nhiều lần chỉ tiêu được giao. Các khoản thu nộp còn lại của địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Về khoản thu bị hụt là các khoản nợ thuế, phí của các đơn vị khai thác khoáng sản đang hoạt động trên địa bàn, được cấp trên giao dự toán cho xã thu để tự cân đối. Hiện tại, để bù vào nguồn thu bị hụt, huyện đã cấp bù 1 tỷ đồng để địa phương có NS chi thường xuyên”.
 
Thúc đẩy công nghiệp, TTCN phát triển
 
Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết, năm 2022, huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong năm, toàn huyện có 17/17 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt gần 11%, tăng 1,07% so với năm 2021 và cao hơn mức bình quân chung của cả giai đoạn 2015-2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất công nghiệp-TTCN-xây dựng có nhiều khởi sắc.
 
Tuy nhiên, kết quả thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội chưa có chuyển biến rõ nét; nguồn thu NS chưa thực sự vững chắc, một số khoản thu đạt thấp, nợ đọng thuế còn lớn. Hiện, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có hơn 1.100 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và sức cạnh tranh thấp. Các ngành nghề nông thôn còn ít, năng suất lao động và sức cạnh tranh hàng hóa thấp, nhiều ngành nghề khó duy trì. Sản phẩm làm ra còn manh mún, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.
 
Năm 2023, huyện Tuyên Hóa đặt ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản, như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 11,1%; thu NS trên địa bàn 105,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 51 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2%.
“Thời gian tới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đặt ra, từng bước tạo đà nâng cao nguồn thu NS một cách bền vững, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện các đột phá, đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhằm triển khai các chương trình, đề án đã đặt ra. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp phát triển toàn diện theo chiều sâu; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh phát triển và tăng dần tỷ trọng công nghiệp, TTCN, thương mại-dịch vụ, ngành nghề nông thôn, nhằm tạo động lực cho kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện phát triển bền vững.
 
Để phát triển công nghiệp, TTCN, huyện Tuyên Hóa đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư và các thủ tục hành chính, để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất, triển khai dự án, xây dựng các cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, việc Cụm TTCN Tiến Hóa giai đoạn 2 (2021-2023) đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên diện tích hơn 9ha (tổng diện tích 17ha), kỳ vọng sẽ “mở đường” cho việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. Hiện tại, huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư vào cụm TTCN này các lĩnh vực, ngành nghề thu hút nhiều lao động, như: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản, chế biến gỗ rừng trồng, thức ăn gia súc...”, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết thêm.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 - hoạt động truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
 

Tổng Bí thư: Phát huy thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh luôn luôn ghi nhớ công lao, ra sức học tập noi gương, kế tục, phát huy những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước.
 

Ngành Nội vụ có 21 vị trí việc làm

Theo Thông tư số 11/2022/TT-BNV được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành, vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Nội vụ có 21 vị trí thuộc 7 lĩnh vực gồm: tổ chức bộ máy; quản lý nguồn nhân lực; địa giới hành chính; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; quản lý tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý văn thư, lưu trữ.