Khởi nghiệp từ góc nhìn người trẻ

Bài 1: Bồi đắp hệ sinh thái khởi nghiệp

  • 07:18 | Thứ Sáu, 21/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã 5 năm trôi qua kể từ khi chương trình “Thanh niên khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2022” của Tỉnh đoàn được triển khai thực hiện. Đó cũng là khoảng thời gian để nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được ra đời và tiếp tục phát triển. Người trẻ Quảng Bình đã có những bước tiến vững chắc hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, từ góc nhìn của họ, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở để khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được bồi đắp trở thành một hệ sinh thái vững mạnh, một cộng đồng vững chắc, là điểm đến, chỗ dựa cho những ai muốn “về quê làm giàu”.
 
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 7 câu lạc bộ (CLB) thanh niên khởi nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố và 5 CLB chuyên môn thuộc Cộng đồng khởi nghiệp tỉnh. Đó là diễn đàn sinh hoạt “mở”, kênh thông tin tương tác, hỗ trợ cho những người trẻ có đam mê khởi nghiệp. Nhưng trên thực tế, không phải CLB khởi nghiệp nào cũng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, thực sự là cầu nối giữa các “start-up” và chính quyền địa phương, sở, ban, ngành... Một số CLB khởi nghiệp còn nặng về hình thức, chưa phát huy hết vai trò, chưa bắt kịp xu hướng…
 
Anh Bùi Xuân Thoan (SN 1989, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) đang có công việc ổn định tại một tổ chức phi chính phủ, tuy vậy, niềm đam mê với du lịch luôn thôi thúc anh dấn thân. Trước đó, anh đã “bắt tay” xây dựng một công ty chuyên về du lịch và cơ sở lưu trú Lavender Hotel.
 
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhận thấy TP. Đồng Hới rất thiếu những điểm nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí vào ban đêm, anh quyết định đầu tư Fisherman Beach Bar ở bãi biển Bảo Ninh. Anh Thoan chia sẻ, khai trương vào đúng mùa cao điểm du lịch, điểm hẹn mới Fisherman Beach Bar rất được du khách quan tâm nhờ không gian mở, phong cảnh đẹp và menu đồ uống đa dạng.
 
Tay ngang khởi nghiệp du lịch nhưng anh Thoan tự tin đối mặt thách thức với nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo. Anh cũng mạnh dạn phát triển các trang web về du lịch Quảng Bình và sở hữu nhiều trang web, fanpage có lượt truy cập tốt. Đặc biệt, thông qua trang www.dacsanquangbinh.vn, anh bán các đặc sản Quảng Bình với doanh thu ổn định, góp phần quảng bá, giới thiệu những món ăn, quà tặng hấp dẫn của địa phương.

Là người trẻ khởi nghiệp du lịch, tuy vậy, hiện tại, anh Thoan không sinh hoạt trong một mô hình CLB hay cộng đồng khởi nghiệp nào, mà chỉ tham gia các nhóm khởi nghiệp trên mạng xã hội hoặc bạn bè cùng đam mê, sở thích.

Mô hình khởi nghiệp Fisherman Beach Bar của anh Bùi Xuân Thoan hút khách du lịch những tháng hè cao điểm.
Mô hình khởi nghiệp Fisherman Beach Bar của anh Bùi Xuân Thoan hút khách du lịch những tháng hè cao điểm.

Lý giải cho việc chưa mặn mà tham gia các CLB, cộng đồng khởi nghiệp, anh Bùi Xuân Thoan tâm sự, với kinh nghiệm tích lũy, anh rất mong muốn tham gia các CLB, cộng đồng khởi nghiệp để chia sẻ với các bạn trẻ cùng chung chí hướng và có cơ hội được giao lưu hợp tác, trao đổi thêm về khởi nghiệp du lịch.

Nhưng, theo anh được biết, CLB Thanh niên khởi nghiệp của thành phố hiện chưa nhiều hoạt động về chuyên ngành du lịch. Anh cũng chủ động tìm đến các nhóm nhỏ, những người bạn của mình để trao đổi, học hỏi. Anh cho hay, nhiều bạn trẻ xung quanh anh rất kỳ vọng tham gia các cộng đồng, CLB khởi nghiệp để có thể được hỗ trợ, giúp sức về những vấn đề mình còn băn khoăn, chưa có định hướng, như: Pháp lý, thủ tục hành chính…

Theo anh Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Do đó, hiện tại, không nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên tạo dấu ấn rõ nét. CLB Thanh niên khởi nghiệp của thành phố đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là trong việc kết nối các bạn trẻ.
 
Anh Đặng Ngọc Viễn, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp TP. Đồng Hới chia sẻ, hiện CLB có gần 20 thành viên, nhưng chủ yếu chỉ có khoảng 10 thành viên hoạt động năng nổ. Trên thực tế, các mô hình khởi nghiệp của CLB đa dạng với nhiều lĩnh vực, không tập trung như một số địa phương, nên sự kết nối gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, các bạn trẻ đang khởi nghiệp nên dành nhiều tâm sức, thời gian, việc tập trung sinh hoạt CLB cũng không hề đơn giản.
 
Hoàng Thị Thủy (SN 1989, xã Văn Thủy, Lệ Thủy) khởi nghiệp thành công với ống hút tre và nông trại An Mã Farm. Mặc dù tham gia CLB khởi nghiệp tại địa phương, nhưng Thủy lại không mặn mà với các hoạt động của CLB. Khởi nghiệp từ năm 2017 với ống hút tre, Thủy rất thành công khi nắm bắt xu hướng sống xanh và lan tỏa sản phẩm không chỉ đến thị trường trong nước mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Tiếp đó, Thủy và cộng sự mạnh dạn mở thêm An Mã Farm-điểm du lịch sinh thái hút khách du lịch ở vùng đồi núi Lệ Thủy. Thủy cũng mạnh dạn cho ra mắt các sản phẩm “make in An Mã Farm” như mật ong, rượu sim, sim khô… Kinh nghiệm khởi nghiệp của Thủy khá phong phú, nhất là ở mảng thương mại điện tử và marketing trực tuyến. Thủy cho biết, mong muốn tham gia cộng đồng khởi nghiệp địa phương để trao đổi, học hỏi, tích lũy và chia sẻ các kinh nghiệm, bài học khởi nghiệp. Tuy nhiên, một phần do lý do khách quan về gia đình, một phần nhận thấy nhiều hoạt động cũng như tiêu chí của CLB khởi nghiệp địa phương chưa phù hợp, Thủy cũng hiếm khi tham gia.
 
Theo chia sẻ của Hoàng Thị Thủy, cộng đồng khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là tập hợp những bạn trẻ cùng chung đam mê khởi nghiệp, mà đó còn là diễn đàn chia sẻ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Nhiều bạn trẻ rất muốn khởi nghiệp, giàu nhiệt huyết, nhưng họ rất cần những định hướng đúng đắn, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
 
Còn anh Bùi Xuân Thoan thì khẳng định, vai trò của người đứng đầu các CLB và cộng đồng khởi nghiệp là rất quan trọng. Họ không chỉ tiên phong trong các hoạt động, là điển hình khởi nghiệp, mà còn là “cầu nối” giữa các thành viên với nhau, giữa các thành viên với chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể.
 
Chính vì vậy, người đứng đầu phải hội đủ các tiêu chí, là động lực thúc đẩy hoạt động của cả cộng đồng khởi nghiệp, thậm chí là yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Ngoài ra, trong tổ chức hoạt động, các CLB, cộng đồng khởi nghiệp cần có sự phân cấp, quản lý phù hợp với đặc thù của từng mô hình, tránh sự chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, không phát huy hiệu quả.
 
Anh Trần Khánh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết, những năm qua, mạng lưới khởi nghiệp Quảng Bình đã từng bước kết nối, quy tụ, truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lực lượng thanh niên. Tham gia cộng đồng khởi nghiệp, thông qua các hoạt động tài trợ, sinh hoạt, các hội viên được nâng cao về mặt thương hiệu, hình ảnh cá nhân trong kinh doanh. Nhiều hội viên có mô hình tiêu biểu được giới thiệu tham gia các hoạt động cấp quốc gia và đạt các giải thưởng cấp quốc gia; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường.
 
Toàn tỉnh hiện có 624 thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, sinh hoạt tại 12 đơn vị cấp cơ sở thuộc 7 CLB thanh niên khởi nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố và 5 CLB chuyên môn thuộc Cộng đồng khởi nghiệp tỉnh và 7 CLB doanh nhân trẻ của các huyện, thị xã, thành phố.
Các CLB, cộng đồng khởi nghiệp có nhiệm vụ liên kết, xây dựng mạng lưới kết nối giữa các thanh niên đang khởi nghiệp, xây dựng các chương trình tập huấn, trang bị kiến thức cho những người mới khởi nghiệp, doanh nghiệp ứng dụng vào mô hình lao động sản xuất, làm giàu bằng chính nguồn nguyên liệu địa phương và tạo việc làm cho người lao động trên chính quê hương. Bên cạnh đó, việc trang bị kiến thức kỹ năng nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp hiện đại, khoa học để tăng giá trị sản phẩm và vị thế của doanh nghiệp tại thương trường đóng vai trò quan trọng.
 
Chính vì vậy, thời gian tới, việc bồi đắp hệ sinh thái khởi nghiệp cần bắt nguồn từ chính việc xây dựng, phát triển mạnh mẽ các CLB và cộng đồng khởi nghiệp. Thay vì hoạt động theo phong trào, hình thức, rất cần đổi mới các mô hình CLB, hướng về chiều sâu, mạnh về thực tiễn, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu CLB.
 
Bên cạnh đó, việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút các bạn trẻ tham gia cũng đóng vai trò quan trọng. Các CLB, cộng đồng khởi nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ tích cực từ các cơ sở đoàn, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội để có thể phát huy hiệu quả cao nhất, thực sự là “cầu nối” vững chắc như kỳ vọng của các “start-up”. Anh Trần Khánh Cường cho biết thêm, Hội LHTN tỉnh luôn tích cực ủng hộ các hoạt động của Cộng đồng khởi nghiệp tỉnh, đặc biệt là các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
 
Mai Nhân
 
Bài 2: Khởi nghiệp bắt kịp xu hướng chuyển đổi số

tin liên quan

Quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản

(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất đối với nghề nuôi tôm, năm 2021, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đã thực hiện mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đây là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Gỡ "nút thắt" phát triển chăn nuôi tập trung

(QBĐT) - Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang gấp rút tiến hành quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung (CNTT) theo "Đề án phát triển CNTT, giai đoạn 2021-2025" của huyện (gọi tắt là Đề án). Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, một số địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.

Trăn trở "bài toán" đất nông nghiệp bị bỏ hoang

(QBĐT) - Lời giải nào cho "bài toán" ngăn chặn đất nông nghiệp bị bỏ hoang một cách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn... đang là nỗi trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương.