Giảm nghèo nhờ bò lai
(QBĐT) - Nhằm khai thác tốt lợi thế vùng miền núi có đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, những năm gần đây, huyện Minh Hóa đã chủ động ban hành các chương trình hành động về thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó trọng tâm là "nâng chất" đàn bò bằng việc phát triển mạnh giống bò lai. Chính nhờ định hướng phù hợp nói trên, từ chỗ chỉ có 1.550 bò lai Sind (năm 2016), đến nay, toàn huyện đã có 4.922 bò lai Sind/tổng đàn bò 14.061 con.
Bám sát định hướng các chương trình hành động về thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi nhằm phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, nhiều xã, thị trấn ở huyện Minh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển từ việc nuôi bò cóc sang bò lai Sind nhằm tạo đột phá trong công tác giảm nghèo.
Là một trong số những hộ chăn nuôi tiên phong chuyển từ giống bò cóc sang bò lai Sind, ông Đinh Xuân Sòng, thôn Cây Da, xã Xuân Hóa cho hay: "Trước đây, gia đình tôi từng nuôi bò cóc với quy mô trên chục con mỗi lứa, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Việc nuôi bò cóc gặp rất nhiều khó khăn do phải phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ đồng cỏ tự nhiên, nhất là vào thời điểm thời tiết khô hạn, giá rét. Khoảng chục năm trở lại đây, gia đình đã chuyển sang nuôi bò lai Sind với quy mô 10 con/lứa, nhờ đó, hiệu quả kinh tế đã thực sự tăng lên rõ rệt. Trọng lượng tối đa của một con bò cóc khi trưởng thành đạt khoảng 2 tạ/con, trong khi đó, bò lai Sind khi trưởng thành cho trọng lượng từ 4-5 tạ/con. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, việc nuôi bò lai Sind thường cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với nuôi bò cóc…".
Cũng theo ông Sòng, ưu điểm của việc nuôi bò lai Sind là giống vật nuôi này có tầm vóc cao to hơn rất nhiều so với giống bò cóc ở địa phương, dễ nuôi, dễ chăm sóc, có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Mặc khác, nếu biết tận dụng đất vườn để trồng cỏ chăn nuôi, chuối, bắp… kết hợp với thu gom rơm rạ để dự trữ thì việc chăm sóc bò lai Sind dễ hơn bò cóc rất nhiều.
Ông Đinh Lâm Sòng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa chia sẻ: Nhận thấy hiệu quả thực tế từ việc nuôi bò lai Sind cao hơn hẳn giống bò cóc, thời gian qua, hầu hết các hộ chăn nuôi ở xã Xuân Hóa chuyển sang nuôi bò lai Sind. Toàn xã đã chuyển đổi được 32ha đất nông nghiệp kém hiệu quả, vùng lèn núi sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi ở xã đã vay vốn, mạnh dạn đầu tư vào phát triển đàn bò lai Sind để có thu nhập cao.
Đến nay, xã Xuân Hóa đang dẫn đầu toàn huyện Minh Hóa với tỷ lệ 701 bò lai Sind/tổng đàn bò 792 con. Nổi bật như các hộ Đinh Thị Thương, Đinh Dương Luận (thôn Cầu Lợi) thường xuyên duy trì khoảng 10 bò lai Sind/1hộ, mỗi năm thu về lãi ròng trên 150 triệu đồng từ việc bán bò.
Trước đây, cứ sau mỗi mùa vụ là người dân đốt, phơi rơm rạ tràn ra cả đường đi, gây mất an toàn giao thông. Kể từ khi đẩy mạnh phát triển nuôi giống bò lai Sind, toàn bộ rơm rạ, thân cây ngô, lạc đều được các hộ chăn nuôi trong xã thu gom hết nhằm tích trữ làm thức ăn cho bò lai Sind vào thời điểm giá rét, lúc cần thiết...
Bà Cao Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Minh Hóa cho biết: Tương tự xã Xuân Hóa, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ bò lai Sind tăng mạnh, như: Hóa Hợp với 570 bò lai Sind/tổng đàn bò 1.123 con, Hồng Hóa với 654 bò lai Sind/1.306 con, Trung Hóa với 567 bò lai Sind/1.636 con, Tân Hóa với 360 bò lai Sind/746 con, Yên Hóa với 478 bò lai Sind/955 con…
So với mặt bằng chung toàn tỉnh, việc cải tạo chất lượng đàn bò ở huyện Minh Hóa vẫn đang ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu đàn bò lai Sind tăng dần theo hàng năm ở huyện thì đây chính là một "tín hiệu" rất khả quan, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng đàn bò, những năm gần đây, huyện đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án như 30a, 135 nhằm thực hiện nhiều dự án chăn nuôi bò lai Sind hiệu quả. Phòng NN-PTNT huyện cũng tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn, khuyến khích hộ chăn nuôi quan tâm nâng cao chất lượng đàn bò; chú trọng mở nhiều lớp tập huấn thụ tinh nhân tạo bò để phục vụ phát triển chăn nuôi…
Năm 2021, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ 129 con bò giống lai cho 129 hộ gia đình thuộc hộ nghèo trên địa bàn để phát triển chăn nuôi, với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025", huyện Minh Hóa đã cấp giống bò cái lai Sind sinh sản cho 490 hộ gia đình trên địa bàn, với trị giá khoảng 5 tỷ đồng, xây dựng 4 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò lai Sind tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (bình quân mỗi tổ có từ 10-12 con)... |
Văn Minh
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.