(QBĐT) - Tròn 65 năm trước, khi về thăm Quảng Bình, Bác Hồ đã căn dặn: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có… ; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình, thì Quảng Bình sẽ giàu có...”. Để xứng đáng với tâm nguyện của Người, Quảng Bình đặc biệt quan tâm phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, khai thác nguồn lợi thủy sản.
Nguồn lợi thủy sản dồi dào
Quảng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản (NTTS). Là địa phương có bờ biển dài hơn 116km cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1.650 loài), trong đó có những loại quý hiếm. Bên cạnh đó, với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng NTTS khá lớn, tổng diện tích 15.000ha.
Để khai thác nguồn lợi thủy sản, phong trào đánh bắt, khai thác vùng khơi, vùng lộng đã được ngư dân Quảng Bình hưởng ứng tích cực. Nhiều hợp tác xã trong lĩnh vực ngư nghiệp được thành lập. Nhiều phong trào thi đua đánh bắt hải sản ra đời ngay trong chiến tranh chống Mỹ và được duy trì trong thời gian dài ở các xã biển: Cảnh Dương (Quảng Trạch), Đức Trạch (Bố Trạch) Quang Phú, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)...
Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, là "bệ đỡ" để ngư dân nâng cao năng suất, sản lượng khai thác, đồng thời vươn khơi giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 6.792 tàu cá, trong đó 1.207 chiếc đánh bắt vùng khơi, 725 chiếc vùng lộng và 4.860 chiếc ven bờ. Cơ sở hạ tầng, hậu cần nghề cá cũng được đầu tư đáp ứng cho nhu cầu khai thác, chế biến thủy hải sản. Đội tàu cá hùng hậu này đã mang về cho tỉnh sản lượng đánh bắt thủy hải sản hàng năm lên đến gần 73.000 tấn.
Hải sản Quảng Bình ngon nức tiếng gần xa, tỷ lệ xuất khẩu cao, trong đó nhiều loài là sản vật đủ sức níu chân thực khách khi đến với vùng đất "gió Lào cát trắng". Về nuôi trồng, hàng năm toàn tỉnh đạt sản lượng trên 17.000 tấn, chủ yếu là cá, tôm. NTTS từng bước phát triển theo hướng chuyển đổi mạnh từ nuôi quảng canh sang thâm canh, công nghệ cao.
Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND tỉnh ban hành. Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 122.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 108.000 tấn, sản lượng NTTS 14.000 tấn.
Bố Trạch là địa phương có số lượng tàu cá lớn với 1.120 tàu đánh bắt thủy hải sản; trong đó có 308 tàu dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ và 812 tàu dài dưới 15m khai thác vùng lộng, vùng bờ. Ngư dân Võ Minh Thông, chủ tàu cá QB92651TS ở xã Đức Trạch tâm sự: "Nhà tôi 3 đời bám biển mưu sinh, riêng tôi cũng đã đi biển hơn 30 năm. Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 được kiểm soát, tôi đã ra khơi 5 chuyến. Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao nên có chuyến chỉ đủ chi phí, nhưng chúng tôi vẫn bám biển, chưa bao giờ có ý nghĩ xa nghề biển".
Hai năm qua, tuy gặp ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 và gần đây là giá xăng dầu liên tục tăng, nhưng ngư dân Quảng Bình vẫn vươn khơi bám biển; diện tích nuôi trồng bảo đảm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản toàn tỉnh thực hiện đạt 43.697 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác hơn 39.415 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 4.282 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi trồng trên 3.762ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Mai Văn Minh cho biết: Sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt, giá các mặt hàng hải sản ổn định, nhu cầu tiêu thụ tăng nên bà con ngư dân nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, bám ngư trường, duy trì sản xuất. NTTS được đa dạng hóa về sản phẩm.
Bạt ngàn rừng xanh
Quảng Bình có 651.157ha diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm gần 77% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, rừng đặc dụng 144.311ha, rừng phòng hộ 151.964ha, rừng sản xuất 318.882ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2021 là 68,59%, xếp thứ 2 toàn quốc. Hàng năm, từ nhiều nguồn vốn, chương tình khác nhau, toàn tỉnh trồng được trên 7.900ha rừng, trong đó rừng gỗ lớn 650ha, tỷ lệ giống được kiểm soát đưa vào trồng rừng đạt 80%.
Những năm qua, rừng trồng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh khai thác trên 8.000ha, sản lượng đạt 0,5 triệu m3, năng suất rừng trồng đạt 16,5m3/ha/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh khai thác 212.369 m3 gỗ rừng trồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ sở cây giống lâm nghiệp bảo đảm cung cấp đến 30 triệu cây giống, vừa chủ động cung ứng cho phong trào trồng rừng của địa phương, vừa bán ra các địa bàn lân cận.
Nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng, Quảng Bình đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn và xây dựng hồ sơ kỹ thuật quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Hội đồng Quản lý rừng thế giới (GFA). Đến nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn của tỉnh đạt gần 4.000ha, diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC trên 4.300ha.
Theo Quyết định số 4246/QĐ-UBND, ngày 30/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025 thì đến năm 2025 phát triển ổn định vùng rừng trồng nguyên liệu với diện tích gần 100.932ha. Trong đó, rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ là hơn 84.722ha; rừng trồng gỗ lớn 16.210ha và diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC khoảng 7.000ha. Sau khi rừng được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm từ gỗ rừng trồng sẽ đủ điều kiện xuất khẩu sang nước ngoài và chắc chắn sẽ mang lại giá trị cao hơn cho người trồng rừng.
Với tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp, lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ…, Quảng Bình xác định, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng là khâu đột phá. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn, khai thác gắn với chế biến, thương mại và tiêu thụ sản phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp.
Huyện Tuyên Hóa hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 93.000ha, trong đó rừng tự nhiên là 79.000ha, còn lại là rừng trồng, khoảng 14.000ha. Ông Nguyễn Văn Huệ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa cho biết: Đứng trên góc độ quản lý rừng bền vững và nâng cao hiệu quả của rừng trồng kinh tế thì việc trồng rừng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ FSC là quá lý tưởng. Đối với rừng gỗ lớn, tuy thời gian kéo dài nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng rừng thông thường. Đối với rừng cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm sẽ xuất khẩu được đến các nước, giá bán cũng cao hơn từ 10-12% so với rừng thông thường.
Tiềm năng, thế mạnh nguồn lợi thủy sản và lâm nghiệp được khai thác hợp lý, bền vững sẽ tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hôm nay và mai sau, để Quảng Bình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Và cũng để Quảng Bình xứng đáng là quê hương "Hai giỏi" mà Bác kính yêu luôn dành sự quan tâm sâu sắc.
(QBĐT) - Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) khu vực phía Tây của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc đi lại của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và bà con nhân dân các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) cũng như công tác tuần tra biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại với nước bạn Lào, tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng (đường tỉnh 562 đoạn Km17+200-Km41+200).
(QBĐT) - Ngày 10/6, thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi hoá đơn giấy sang hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
(QBĐT) - Ngày 10/6, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Netin cho biết, công ty vừa phối hợp với Tổ chức HELVETAS Việt Nam tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng của vùng đệm Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy).