Người chăn nuôi trước nguy cơ thua lỗ

  • 06:04 | Thứ Năm, 21/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng cao trong khi giá sản phẩm gia súc, gia cầm bán ra còn “bấp bênh” khiến người chăn nuôi phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
 
Người chăn nuôi “thiệt đơn thiệt kép”
 
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, giá nguyên liệu TĂCN liên tục tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá TĂCN thành phẩm tăng trung bình từ 18-22%. Theo khảo sát tại một số đại lý TĂCN trên địa bàn tỉnh: Thức ăn đậm đặc cho lợn có giá từ 22.000-25.000đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có giá từ 13.000-20.000 đồng/kg (tùy theo loại và hãng sản xuất); thức ăn đậm đặc cho gà có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có giá từ 12.400-15.500 đồng/kg (tùy theo loại và hãng sản xuất).
 
Giá TĂCN tăng là do giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất TĂCN liên tục tăng cao. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy sản xuất TĂCN, nguồn thức ăn chủ yếu phải nhập từ các tỉnh khác về trong khi giá xăng xầu tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, kéo theo giá TĂCN tăng cao. Việc giá TĂCN liên tục “leo thang” khiến nhiều gia trại, trang trại phải hoạt động cầm chừng, giảm lượng vật nuôi, thậm chí, nhiều hộ ngừng nuôi chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.
Nhiều gia trại, trang trại chưa yên tâm tái đàn lợn.
Nhiều gia trại, trang trại chưa yên tâm tái đàn lợn.
Sản phẩm gà sạch của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy (Lệ Thủy) đã tạo được chỗ đứng trên thị trường khi mỗi năm HTX xuất bán hơn 2.000-3.000 con gà, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hoạt động chăn nuôi của HTX gặp nhiều khó khăn do giá TĂCN liên tục tăng cao.
 
Chị Nguyễn Thị Bích, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy cho biết, trước đây, mỗi năm, HTX duy trì nuôi hơn 10.000 con gà kiến và lai trọi nhưng thời điểm hiện tại chỉ duy trì nuôi gần 6.000 con vì giá thức ăn quá cao. Hiện, thức ăn cho gà có giá trung bình từ 280.000-320.000đồng/bao/25kg. “Giá thức ăn cứ liên tục tăng thế này thì HTX chỉ có thể duy trì “lấy công làm lãi”, nếu thời gian tới, giá bán thịt gà không tăng thì người dân chỉ có lỗ”, chị Bích cho hay.
 
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Vì vậy, khi giá các loại TĂCN tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, nhất là người chăn nuôi lợn, gia cầm, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, trong khi đó, lợn hơi và gia cầm thịt đang có giá bán không cao. Hiện tại, nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phải hoạt động cầm chừng, chưa giám tái đàn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
 
Theo bà Đào Thị Thắm, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới), chăn nuôi lợn đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình bà. Mỗi năm, gia đình bà nuôi và xuất bán hàng trăm con lợn. Nhưng từ đầu năm nay, bà Thắm chưa dám tái đàn do giá thức ăn tăng cao, hiện bà chỉ nuôi cầm chừng 30 con lợn nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. “Tôi chưa có ý định tăng tái đàn vì giá thức ăn quá cao, càng nuôi càng lỗ”, bà Thắm chia sẻ.
 
Không chỉ các hộ nuôi gia súc, gia cầm mà các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì giá thức ăn liên tục “leo thang”. Ông Trần Văn Song, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) cho hay: “Hầu như năm nào bắt đầu vào vụ nuôi tôm, giá thức ăn cũng tăng, nhưng năm nay giá ăn đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Gia đình tôi có một ao nuôi tôm khoảng 3.000m3 đang thả nuôi 30 vạn tôm thẻ chân trắng. Hiện tại, thời tiết thuận lợi, tôm phát triển tốt. Tuy nhiên, với chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay, nếu giá tôm thương phẩm bán ra không cao thì người nuôi sẽ bị lỗ”.
 
Giá TĂCN tăng không chỉ gây khó khăn cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng lớn đến các đại lý kinh doanh mặt hàng này. Ông Nguyễn Hữu Thạnh, đại lý TĂCN trên địa bàn xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Giá thức ăn tăng không chỉ khiến người chăn nuôi gặp khó khăn mà những đại lý như chúng tôi cũng gặp khó vì sức mua giảm nhiều hơn trước. Thậm chí, các đại lý còn phải bán nợ cho người dân trong thời gian dài, nhiều người đến cuối vụ bán được vật nuôi mới thanh toán tiền. Bên cạnh đó, giá TĂCN tăng, đại lý như chúng tôi cũng cần nhiều vốn để dự trữ mới giữ được khách hàng”.
 
Chủ động tiết giảm chi phí
 
Giá các loại TĂCN liên tục tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người chăn nuôi. Để chủ động khắc phục khó khăn, ngành Nông nghiệp và hộ chăn nuôi đã triển khai nhiều giải pháp giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Giá thức ăn tăng cao, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
Giá thức ăn tăng cao, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
Theo chị Nguyễn Thị Bích, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy, để giảm chi phí, các thành viên trong HTX phải cắt giảm lượng thức ăn công nghiệp xuống còn một nửa (từ 60 bao thức ăn/tháng xuống còn 30 bao/tháng) và chỉ ưu tiên cho gà con ăn để duy trì dinh dưỡng. Đối với gà to và gà chuẩn bị xuất bán, HTX chủ yếu cho ăn lúa và phụ phẩm nông nghiệp.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, TĂCN tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trước tình trạng giá TĂCN còn nhiều biến động như hiện nay, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần chủ động con giống tại chỗ hoặc mua con giống tại các cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị.
 
Để tiết giảm chi phí, người dân cần chủ động nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, áp dụng các công thức phối trộn TĂCN từ nguyên liệu trong nước. Người dân nên duy trì, phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, như: Trâu, bò, dê… là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.
 
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thực hiện triệt để, đầy đủ tiêu chuẩn bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường.
 
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tỉnh Quảng Bình hiện có tổng đàn lợn hơn 244.000 con, đàn trâu 32.470 con, đàn bò 106.936 con và tổng đàn gia cầm hơn 4.680.000 con. Số lượng đàn vật nuôi phát triển tương đối ổn định nhưng giá TĂCN tăng cao và dự báo còn tăng nên người chăn nuôi đứng trước nhiều rủi ro. Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần theo dõi diễn biến thị trường để có kế hoạch tăng đàn, tái đàn phù hợp.
 
Lan Chi

tin liên quan

Đôn đốc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, tránh lãng phí đầu tư

(QBĐT) - Chiều nay, 20/4, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, các dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Bàn giao đưa vào sử dụng công trình hồ chứa nước Đồng Vạt

(QBĐT) - Ngày 20/4, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và PTNT (Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh) đã tiến hành bàn giao hồ chứa nước Đồng Vạt, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch cho địa phương. 

Quảng Ninh: Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn

(QBĐT) - Xác định hạ tầng giao thông (HTGT) phải đi trước một bước, huyện Quảng Ninh đã huy động các nguồn lực sửa chữa, đầu tư nâng cấp một số tuyến đường, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn.