Trang trại trù phú trên vùng đất nhiễm mặn

  • 09:15 | Thứ Tư, 15/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều người cho rằng vùng đất ven sông Kiến Giang ở thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) là vùng “đất chết”, bởi đất bị nhiễm mặn và hàng năm phải đối mặt với lũ lụt. Thế nhưng, hơn 2ha đất nơi đây đã được vợ chồng chị Vũ Minh Hường mạnh dạn khai khẩn và đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Sau nhiều năm gây dựng, mô hình của gia đình chị Hường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
 
Chị Vũ Minh Hường chia sẻ: Cách đây khoảng 20 năm, vùng đất cồn còn hoang hóa, rậm rạp bởi lau lách, cỏ dại và rừng bần ngập mặn. Năm 1992, vợ chồng chị đã mạnh dạn đăng ký thuê đất 50 năm để tìm hướng đầu tư phát triển kinh tế cho gia đình. Những năm đầu khởi nghiệp, vì nguồn vốn ít ỏi, nên gặp không ít khó khăn, nhiều lúc gia đình chị muốn buông xuôi. Đến năm 2000, vợ chồng chị mới thực sự vào cuộc gây dựng được trang trại tổng hợp biến vùng đất cằn trở nên trù phú.
 
Vợ chồng anh chị đã quyết định vay vốn thiết lập cơ sở hạ tầng, cải tạo đất nhiễm mặn, đắp kè ngăn mặn, dẫn nước ngọt vào rửa mặn và tìm các giống cây trồng phù hợp để trồng... Thời gian đầu, trang trại của gia đình chị chủ yếu chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, thử nghiệm các giống cây ăn quả như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, xoài, ổi... Khi trang trại đã hình thành, vợ chồng chị lại tiếp tục đầu tư đào hồ nuôi trồng thủy sản.
Hồ nuôi tôm, cá của gia đình chị Vũ Minh Hường được sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm chất lượng và sản lượng sản phẩm nuôi trồng.
Hồ nuôi tôm, cá của gia đình chị Vũ Minh Hường được sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm chất lượng và sản lượng sản phẩm nuôi trồng.
"Trước đây, trang trại có vườn cây ăn quả khá phong phú với gần 300 cây ổi, gần 300 gốc dừa xiêm, chanh không hạt và bưởi da xanh cũng đã cho thu hoạch nhiều vụ với sản lượng cao. Tuy nhiên, ở vùng đất chiêm trũng này hầu như năm nào cũng chịu ngập lụt trong mùa mưa bão, thế nên các loại cây ăn quả không phát triển được lâu dài.
 
Để việc sản xuất, chăn nuôi được bảo đảm, gia đình tôi đã vay vốn ưu đãi từ tổ chức tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 170 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn này, trang trại tổng hợp của gia đình được “gia cố” cao hơn, kỹ hơn và an toàn hơn", chị Hường chia sẻ thêm.
 
Hiện nay, quy mô trang trại tổng hợp của gia đình chị Hường có 6 hồ nuôi cá và nuôi tôm thẻ chân trắng, 3 hồ nước lắng để giữ nước lợ, tránh tình trạng bị động nguồn nước trong quá trình thả nuôi thủy sản. Gia đình chị Hường còn nuôi thêm gần 100 con vịt, ngan, ngỗng và khoảng 150 con gà thịt...
 
Tính đến thời điểm hiện tại, trang trại gia đình chị Hường đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Theo chị Hường, với kinh nghiệm lâu năm, vợ chồng chị biết cách điều tiết nguồn nước hợp lý thông qua các hồ chứa nên sản lượng và chất lượng thủy sản hàng năm đạt cao.
 
Với nỗ lực vượt khó biến vùng đất hoang hóa thành vùng đất kinh tế trù phú, gia đình chị Hường đã dần thoát nghèo, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.
 
Mô hình trang trại tổng hợp mang lại lợi nhuận kinh tế cho gia đình chị Vũ Minh Hường từ 400-500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động. Sự nỗ lực của vợ chồng chị đã góp phần mở ra cách nhìn mới về phát triển kinh tế cho người dân địa phương và là tấm gương điển hình cho nhiều nông dân học hỏi.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Thu hồi chứng nhận OCOP?

(QBĐT) - Kết quả công nhận phân hạng sản phẩm OCOP có giá trị 36 tháng kể từ ngày công bố. Đây chính là "thời gian vàng" để các chủ thể tận dụng tối đa lợi thế để phát triển sản phẩm trên thị trường, tạo uy tín và nâng tầm vị thế. 

Các bộ trưởng G7 cam kết về đại dịch và chuỗi cung ứng toàn cầu

Các bộ trưởng G7 cam kết đề phòng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
 

Chủ động tái đàn, sẵn sàng thị trường Tết

(QBĐT) - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhưng người chăn nuôi trong toàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất, tập trung tái đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.