Chuyện quản lý:

Thu hồi chứng nhận OCOP?

  • 07:26 | Thứ Tư, 15/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định thu hồi chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của 5 sản phẩm do vi phạm các quy định về quy chế quản lý sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
 
Theo đó, nguyên nhân thu hồi là vì không thực hiện đúng quy trình sản xuất đã công bố, sản phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất cho vùng nguyên liệu; không sản xuất theo đúng chất lượng, mẫu mã đã được chứng nhận OCOP; không có quy trình sản xuất; cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất không thường xuyên… Ngay cả sản phẩm không dán tem OCOP, có bao bì nhãn mác không có bộ nhận diện theo quy định của chương trình OCOP cũng bị thu hồi chứng nhận.
 
Không chỉ tỉnh Hà Tĩnh, nhiều địa phương trên cả nước cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và kịp thời có sự nhắc nhở, điều chỉnh hoặc có những giải pháp mạnh tay nếu sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chí của chương trình. Nhờ đó, các cơ sở, doanh nghiệp sẽ nâng cao tinh thần tự giác, chủ động, có trách nhiệm chấp hành các quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu cho chính các sản phẩm OCOP địa phương.
 
2. Theo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2021-2025, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch chính là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP thường niên. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc áp dụng chính sách, quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm ở các địa phương, duy trì điều kiện sản xuất của các chủ thể và chất lượng sản phẩm OCOP sau khi đã được công nhận.
 
Từ năm 2019 đến nay, Quảng Bình đã công nhận 57 sản phẩm OCOP và thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm này cũng được triển khai thường xuyên, chặt chẽ. Trên thực tế, tại địa bàn tỉnh, đã có một số sản phẩm mặc dù được xếp hạng sao nhưng vẫn chưa phát triển theo đúng các quy định tiêu chuẩn của chương trình OCOP, thậm chí, có sản phẩm đã bị đưa ra khỏi hệ thống siêu thị do chất lượng kém so với cam kết. Do đó, các cơ quan chức năng, địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi, đánh giá và giám sát chặt chẽ các sản phẩm OCOP.
 
3. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã không còn giữ vững “phong độ” như trước. Họ tự hài lòng với kết quả đạt được và không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường, từ đó, chất lượng và giá trị sản phẩm sụt giảm, mất lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, việc siết chặt khâu theo dõi, kiểm tra, giám sát sau khi sản phẩm được công nhận OCOP đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành công của chính chương trình trên địa bàn tỉnh.
 
Kết quả công nhận phân hạng sản phẩm OCOP có giá trị 36 tháng kể từ ngày công bố. Đây chính là “thời gian vàng” để các chủ thể tận dụng tối đa lợi thế để phát triển sản phẩm trên thị trường, tạo uy tín và nâng tầm vị thế. Về phía các cấp chính quyền, ngành chức năng, cần tăng cường chủ động hỗ trợ, hướng dẫn để các chủ thể nâng cao tinh thần tự giác, đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện theo đúng các quy định. Và nhất là cần xử lý mạnh tay những chủ thể không đáp ứng được các tiêu chuẩn, vi phạm quy định chương trình OCOP và có biểu dương, nhân rộng những chủ thể phát huy lợi thế, tạo thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm OCOP.
 
Quảng Hạ

tin liên quan

Bố Trạch: Phấn đấu trồng thêm 2,12 triệu cây xanh

(QBĐT) - Nhằm duy trì, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã tích cực thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.

Bố Trạch: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

(QBĐT) - Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã chú trọng công tác khuyến nông, hỗ trợ kinh phí, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. 

Chủ động tái đàn, sẵn sàng thị trường Tết

(QBĐT) - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhưng người chăn nuôi trong toàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất, tập trung tái đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.