Chủ động tái đàn, sẵn sàng thị trường Tết

  • 06:50 | Thứ Tư, 15/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhưng người chăn nuôi trong toàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất, tập trung tái đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
 
Tăng đàn gia súc, gia cầm
 
Bước vào tháng cao điểm tăng, tái đàn phục vụ thị trường Tết, gia đình ông Hoàng Văn Tâm, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) đang tích cực vệ sinh chuồng trại để nuôi thêm lứa lợn mới. Theo ông Tâm, hiện giá bán thịt lợn có tăng nên người chăn nuôi yên tâm tái đàn. Tuy nhiên, so với những năm trước, ông chỉ tăng đàn với số lượng ít vì dự tính nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp Tết năm nay sẽ không cao. Hiện, trang trại của ông Tâm đang duy trì hơn 300 con lợn thịt và 20 con lợn nái. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng, ông Tâm dự tính sẽ xuất bán 1 lứa lợn với số lượng từ 20-30 con. Dự kiến, tháng Tết, ông sẽ xuất bán từ 4-5 tấn thịt lợn.
 
Trang trại của ông Võ Văn Dương, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng là một trong những trang trại quy mô lớn ở huyện Quảng Trạch. Chăn nuôi lợn không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Dương. Trang trại của gia đình ông xuất bán gần 300 con lợn thịt/năm, đem lại thu nhập gần 400 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của ông Dương gặp nhiều khó khăn vì giá thịt lợn giảm mạnh, giá thức ăn lại tăng. Theo ông Dương, đợt giá thịt lợn giảm, gia đình ông xuất bán 10 tấn lợn hơi, lỗ gần 100 triệu đồng.
 
Hiện, ông Dương tu sửa chuồng trại, xây thêm hệ thống nuôi khép kín để tái đàn nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. “Trang trại tôi đang duy trì 30 con heo nái và 50 con lợn thịt. Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tôi đang tích cực chăm sóc đàn lợn nái bằng cách tăng cường lượng thức ăn, bổ sung dinh dưỡng. Mong rằng, từ giờ đến Tết, giá thịt lợn tiếp tục tăng để người chăn nuôi có thu nhập bù cho những tháng thua lỗ vừa qua”, ông Dương cho hay.
 
Ngoài bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà, anh Nguyễn Văn Dũng, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) còn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.
Ngoài bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà, anh Nguyễn Văn Dũng, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) còn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.
Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gia cầm cũng tất bật bước vào vụ chính. Anh Nguyễn Văn Dũng, tổ dân phố 10, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) cho biết, những tháng cuối năm, nhu cầu thu mua gia cầm tăng cao nên gia đình anh đã tranh thủ mua thêm con giống về nuôi từ cách đây vài tháng. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 6.000-8.000 con gà mía, gà lai trọi cho thương lái. Gia đình anh Dũng hiện đang duy trì nuôi hơn 1.000 con gà và dự kiến sẽ mua thêm giống để nuôi phục vụ thị trường trước và sau Tết Nguyên đán. “Ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho gà, tôi cũng chú trọng theo dõi dịch bệnh cho đàn gà để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Đến nay, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, cuối tháng là có thể xuất bán”, anh Dũng chia sẻ.
 
Bảo đảm an toàn dịch bệnh
 
Bên cạnh tập trung tăng, tái đàn đón vụ Tết, người chăn nuôi cũng quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Ông Võ Văn Dương, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) cho biết: "Dịch tả lợn châu Phi tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ luôn hiện hữu. Nhằm hạn chế tối đa việc xâm nhập, phát tán mầm bệnh, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quản lý chặt chẽ người ra vào khu vực nuôi. Mô hình chăn nuôi của tôi là nuôi heo nái đẻ lấy con giống, rồi dùng con giống đó nuôi heo thịt để bán nên giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào".
 
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, bệnh cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tập trung tái đàn ở những vùng không có dịch, vùng có nguy cơ thấp. Tại vùng có dịch, chỉ tái đàn khi đã qua 21 ngày mà không phát dịch trở lại, cần bảo đảm đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực tăng, tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực tăng, tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo tái đàn tại các trang trại, nông hộ an toàn dịch bệnh, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống và thức ăn. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên, chú trọng những vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi VietGAP trong nông hộ để phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi mang tính bền vững...
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc tái đàn phải có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi thì mới đem lại hiệu quả. Do đó, các địa phương và người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, phải duy trì vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền vi-rút từ môi trường vào đàn vật nuôi. Ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân cần thận trọng và có kế hoạch cụ thể khi tổ chức sản xuất, chỉ nên tái đàn khi bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học để phòng dịch bệnh, nhất là đối với lợn.
 
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 244.000 con, đàn trâu 32.470 con, đàn bò 106.936 con và tổng đàn gia cầm hơn 4.680.000 con. Để bảo đảm cho việc tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân những tháng cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trang trại, hộ chăn nuôi phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp phối trộn làm thức ăn để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
 
Lan Chi

tin liên quan

Các bộ trưởng G7 cam kết về đại dịch và chuỗi cung ứng toàn cầu

Các bộ trưởng G7 cam kết đề phòng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
 

Đà phục hồi thương mại của ASEAN có thể bị tác động bởi Omicron

ASEAN đối mặt với những nguy cơ suy giảm phục hồi kinh tế, trong đó có sự đứt gãy các chuỗi cung ứng; sự trì trệ, ùn tắc tại các cảng kéo dài; chi phí vận chuyển cao hơn; thiếu hụt vật liệu bán dẫn.
 

Hàng loạt mã tăng giá, VN-Index 'hứng khởi' tăng hơn 10 điểm

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 13-12 mở ra với trạng thái tăng trên diện rộng của hàng loạt cổ phiếu, trong đó nhóm ngành ngân hàng dẫn dắt thị trường. HNX-Index tuy không tăng mạnh nhưng cũng đang giao dịch trên mốc tham chiếu.