Chủ động sản xuất vụ đông-xuân

  • 08:01 | Thứ Năm, 04/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 29.340ha lúa, 4.000ha ngô, 4.300ha lạc… Căn cứ lịch thời vụ, hiện tại, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất vụ đông-xuân với mục tiêu giành thắng lợi toàn diện.
 
Năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và diễn biến bất thường của thời tiết. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân, sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan. Cây trồng vụ hè-thu được mùa, năng suất cao hơn những năm trước. Cụ thể: Năng suất lúa đạt 54,1 tạ/ha; ngô 35,2 tạ/ha; lạc 16,2 tạ/ha; khoai lang 56,7 tạ/ha; rau các loại 93 tạ/ha, dưa hấu 161 tạ/ha…
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 6.500ha sắn, năng suất ước đạt 188 tạ/ha.
Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 6.500ha sắn, năng suất ước đạt 188 tạ/ha.
Hiện nay, cùng với việc thu hoạch cây trồng vụ hè-thu, nông dân ở các địa phương trong toàn tỉnh đang tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất vụ đông-xuân với nhiều kỳ vọng.
 
Lệ Thủy là một trong những vựa lúa chính của tỉnh. Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng hơn 18.430ha cây trồng các loại trong đó lúa nước là chủ lực với 10.180ha. Các địa phương trong huyện chú trọng áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến SRI, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng.
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Để đạt mục tiêu tăng năng suất lúa lên 70 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 72.200 tấn, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung kiểm tra hệ thống kênh mương, chuẩn bị phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… sẵn sàng vào vụ sản xuất đông-xuân. Những giống lúa được ưu tiên đưa vào gieo trồng là giống trung, ngắn ngày chất lượng cao, như: VNR20, Hà Phát 3, P6, Xuân Mai, lai Nhị Ưu 838…
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, huyện Minh Hóa xây dựng kế hoạch gieo trồng 3.531ha cây trồng các loại, sản lượng ước đạt hơn 2.455 tấn. Xác định đông-xuân là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm, UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện hướng dẫn người dân bảo đảm khung thời vụ; quan tâm cải tạo, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất. Cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, huyện chú trọng triển khai giải pháp chuyển dịch cơ cấu giống; chú trọng đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
 
Theo bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa, để chủ động trong sản xuất, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân thực hiện đúng theo lịch thời vụ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất cây trồng do điều kiện thời tiết bất lợi gây ra. Với những chân ruộng cao không đủ nước tưới thì sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác; hạn chế lạm dụng phân hóa học, tăng cường đầu tư phân bón hữu cơ, thực hiện công thức xen canh, luân canh đúng quy trình. Các địa phương tập trung vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước ngâm dầm 10-15 ngày để hoai mục chất hữu cơ, diệt sạch cỏ dại, các mầm móng sâu bệnh; xây dựng phương án tưới, tiêu hợp lý và phòng trừ sâu, bệnh hại ngay từ đầu vụ…
 
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho hay, để bảo đảm vụ đông-xuân thắng lợi, sở đã hướng dẫn các địa phương linh hoạt chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, diện tích đất không chủ động nước sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, cây có khả năng chịu hạn; tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư thâm canh và quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình; tích, điều tiết nước phục vụ sản xuất; đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả; tăng cường các hoạt động dịch vụ cơ giới hóa, tập trung vào các khâu: Làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đối với cây lúa, tập trung phát triển mạnh hình thức cơ giới hóa đồng bộ, phát triển các hệ thống sấy, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
 
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được người dân đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được người dân đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
Cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, ngành Nông nghiệp đã đề ra các giải pháp cơ cấu giống phù hợp để các địa phương bám sát thực hiện. Trong đó, tập trung sử dụng các giống lúa trung, ngắn ngày có năng suất, chất lượng, thích nghi với điều kiện sinh thái, phù hợp với thị trường, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận. Mỗi địa phương chỉ nên cơ cấu từ 2-3 giống lúa chủ lực; khuyến khích sử dụng các giống trung và ngắn ngày trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng chiếm khoảng 65-70% diện tích. Những giống đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, như: X21, Xi23, DV108… cần hạn chế sử dụng và loại bỏ dần ra khỏi cơ cấu, tiếp tục cơ cấu các giống có năng suất và chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn, như: P6, PC6, ST24, ST25… và giống mới có triển vọng, như: LTh31, QC03, QS447, Phong Nha 99, ADI28… vào sản xuất thay dần các giống thoái hóa trong thời gian tới.
 
Trên cơ sở hướng dẫn lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp-PTNT, các địa phương chủ động bố trí cơ cấu giống và xây dựng lịch thời vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng. Đối với cây lúa, bố trí gieo trồng từ ngày 15 đến 25-12-2021, trổ trong khung an toàn từ ngày 10 đến 20-4-2022, bảo đảm thu hoạch trước 20-5-2022 để kịp thời triển khai sản xuất vụ hè-thu. Đối với các cây trồng khác: Cây ngô gieo từ ngày 10-12-2021 đến 20-1-2022; cây lạc từ ngày 15-12-2021 đến 30-1-2022; cây sắn từ ngày 5-11-2021 đến 28-2-2022…
 
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT : “Bên cạnh việc chủ động về nguồn giống, vật tư phân bón và nguồn nước cho sản xuất vụ đông-xuân, ngành Nông nghiệp cũng chủ động điều tra dự tính dự báo, phát hiện, cảnh báo sớm dịch hại và đề ra các phương án phòng, chống dịch hại; áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn… với kỳ vọng sẽ có một vụ mùa thắng lợi”.
 
Lan Chi

tin liên quan

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa VN và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.
 

"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, "vực dậy" nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.