Làng hoa và thách thức từ biến đổi khí hậu

  • 07:25 | Thứ Hai, 08/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Như mọi năm, hiện là thời điểm để các làng hoa trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Lý Trạch (Bố Trạch) bắt đầu rộn ràng vụ hoa Tết. Nhưng năm nay không khí như khác hẳn... Anh Nguyễn Quang Huyên, người sở hữu diện tích trồng hoa lớn nhất, nhì xã Lý Trạch trầm ngâm chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết bất thường thời gian gần đây khiến gia đình anh không dám “bung sức”, chỉ xuống giống các loại hoa cúc là chủ yếu, diện tích trồng hoa cũng ngày càng thu hẹp hơn: “Trồng hoa thì vẫn tiếp tục, nhưng nỗi lo còn bộn bề lắm!”.
 
Anh Nguyễn Quang Huyên (thôn 6, xã Lý Trạch) vừa nhanh tay nhổ những luống cỏ dại trong vườn hoa cúc đang lên xanh, vừa chia sẻ, vụ hoa Tết năm nay, gia đình anh chỉ xuống giống hơn 4 sào, chủ yếu là giống hoa cúc đủ loại, phụ thêm là một số loại hoa cắm Tết khác, còn hoa ly, lay ơn thì vắng bóng. Nguyên nhân chính là do gia đình anh lo lắng thời tiết thất thường, hoa khó thu hoạch đúng lịch thời vụ và nhất là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 chắc chắn sẽ khiến nhu cầu về hoa Tết của người dân giảm hẳn. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt từ các loài hoa của Đà Lạt và các tỉnh, thành lân cận.
 
Hai năm trở lại đây, diện tích trồng hoa của gia đình anh Huyên cứ thu hẹp dần, từ 5ha nay giảm chỉ còn hơn 2ha/năm. Biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, còn nông dân Lý Trạch vẫn quen với kiểu canh tác truyền thống, dựa chủ yếu vào thời tiết để cây ra hoa đúng thời vụ.
 
Anh Huyên chia sẻ thêm, anh cũng đã có nhiều đổi mới trong canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mùa hè, anh trồng hoa tại những mảnh đất xung quanh nhà, ẩm và phù hợp tiện lợi chăm sóc, đến mùa mưa, anh chuyển lên vùng gò cao hơn, tuy hơi vất vả cho người trồng, nhưng cây hoa thuận lợi sinh trưởng tốt. Nhiều kỹ thuật trồng mới cũng được anh học hỏi, chọn lọc và áp dụng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh cũng đã tính đến giải pháp xây dựng nhà màng công nghệ cao để trồng hoa. Nhưng, trên thực tế, quy mô sản xuất hoa của gia đình anh còn hạn chế, hoa chủ yếu là phục vụ nhu cầu thắp hương, ít các loại hoa dịch vụ nên lợi nhuận chưa cao, trong khi để xây dựng nhà màng lại cần nguồn vốn lớn.
 
Biến đổi khí hậu chưa vơi nỗi lo thì dịch Covid-19 ập đến, cả mấy dịp rằm, gia đình anh Huyên phải vứt bỏ một số lượng lớn hoa vì không có mối tiêu thụ. Gia đình anh cũng đã chủ động đưa sản phẩm bán trực tuyến trên mạng xã hội, nhưng kết quả cũng không khả quan, lượng người mua vẫn rất ít.
 
Vụ hoa Tết 2020, gia đình anh Nguyễn Quang Huyên (Lý Trạch, Bố Trạch) chỉ trồng hơn 4 sào hoa cúc các loại và một số loại hoa khác, giảm mạnh so với mọi năm.
Vụ hoa Tết 2020, gia đình anh Nguyễn Quang Huyên (Lý Trạch, Bố Trạch) chỉ trồng hơn 4 sào hoa cúc các loại và một số loại hoa khác, giảm mạnh so với mọi năm.
Anh Nguyễn Văn Cảnh (thôn 10, xã Lý Trạch) trồng hoa đào vào mỗi dịp Tết từ 6, 7 năm trở lại đây. Trung bình mỗi năm anh trồng hơn 2.500 gốc hoa đào, nhưng năm nay giảm chỉ còn xấp xỉ 2.000 gốc. Mỗi năm, vườn hoa đào của gia đình anh là điểm đến của du khách vãn cảnh, du xuân, góp phần tạo điểm nhấn cho cảnh sắc mùa xuân của làng hoa Lý Trạch.
 
Tuy vậy, năm nay, thời tiết biến đổi thất thường khiến loài hoa phương Bắc vốn đã khó thích nghi với thời tiết khắc nghiệt miền Trung lại càng “gây khó” cho người trồng, chăm sóc. Chị Dương Thị Tuyết, vợ anh Cảnh chia sẻ thêm, để cây đơm hoa đúng lịch thời vụ anh chị càng phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, “canh” từng tiết trời, ấy vậy, nỗi lo về vụ hoa đào Tết vẫn chưa hẳn đã vơi đi!
 
Đó cũng là nỗi lo lắng chung của nhiều người trồng hoa ở xã Lý Trạch hiện nay. Ông Lê Đình San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch cho biết, hiện tại, toàn xã duy trì thường xuyên diện tích 50ha trồng hoa, với 100 hộ dân trồng thường xuyên và hơn 700 hộ dân trồng thời vụ, chủ yếu trong vườn nhà. Vụ hoa Tết năm nay, diện tích trồng hoa của xã thu hẹp chỉ còn khoảng hơn 15ha, giảm từ 3-5ha so với mọi năm. Trên thực tế, bà con cũng đã duy trì một số địa điểm trồng hoa tập trung, đầu ra là các mối thương lái có sẵn, nên việc quy hoạch chuyển sản xuất hoa đến vùng tập trung cánh đồng mẫu lớn (từ 2-3ha) khá khó khăn.
 
Ngoài ra, xã đã từng có dự định phát triển 1 hợp tác xã (HTX) chuyên về trồng hoa để hỗ trợ bà con trong khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ và nhất là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hoa Lý Trạch. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người trồng hoa vẫn chưa thực sự mặn mà. Tâm lý chung của bà con là còn e ngại vì cho rằng có vào HTX thì giá thành của hoa cũng chưa hẳn đã cao hơn và chưa kể đến nhiều vấn đề liên quan khác.
 
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, thách thức từ biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 đặt ra nhiều khó khăn cho bà con nông dân xã Lý Trạch trong duy trì nghề trồng hoa truyền thống. Đã có một số đề xuất, kiến nghị về hỗ trợ cho bà con sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, như: Kỹ thuật, công nghệ… Tuy nhiên, do chưa có vùng sản xuất hoa tập trung, nên nhiều dự định đành tạm gác. Thêm vào đó, với lối sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu “thuê đất” để trồng hoa như hiện nay, việc phát triển 1 thương hiệu làng hoa Lý Trạch không hề đơn giản, trong khi trên địa bàn đã có nhãn hiệu “Ổi Tâm An” uy tín gần xa. Nếu phát triển hai thương hiệu này trong thúc đẩy du lịch sinh thái sẽ rất nhiều tiềm năng.
 
Với diện tích trồng hoa 50ha mỗi năm như chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch, vậy mà nhiều năm qua địa phương vẫn chưa thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hoa hay xây dựng một chuỗi liên kết ổn định, tránh tình trạng phụ thuộc tư thương, được mùa mất giá. Do vậy, thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động nặng nề, rất cần những “cú hích” để làng hoa Lý Trạch thực sự khởi sắc, để người nông dân vơi bớt âu lo mỗi khi “trái gió trở trời”. Hiện xã Lý Trạch đã cán đích nông thôn mới từ năm 2020.
 
Mai Nhân

tin liên quan

Nâng cao chất lượng rừng trồng sau khai thác

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã quan tâm, khuyến khích người dân chú trọng phát triển lại rừng trồng sau khi khai thác. Công việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng mà còn góp phần tái tạo, phát triển rừng, cân bằng hệ sinh thái…

Minh Hóa: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Một ổ dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa. 

15 năm gia nhập WTO - Việt Nam khẳng định vị thế trên đại lộ hội nhập

Nhìn lại chặng đường 15 năm được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay (7-11-2006 - 7-11-2011), Việt Nam đã có một bước tiến dài trên đại lộ hội nhập.