Tiểu thương chợ truyền thống "khó chồng khó"
(QBĐT) - Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, sự cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị… và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều tiểu thương chợ truyền thống đang lâm cảnh "khó chồng khó".
Khách hàng đến chợ ngày càng giảm
Dù dịch Covid-19 ở Quảng Bình đã được kiểm soát, chợ truyền thống tại các địa phương đã mở cửa trở lại, tuy nhiên, khách hàng mua sắm vẫn còn rất hạn chế, nhiều ki-ốt chưa mở cửa, tình trạng treo bảng cho thuê, sang nhượng ngày càng nhiều.
Khảo sát tại chợ Đồng Hới (phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới), tình hình buôn bán khá ảm đạm, khu vực buôn bán hàng thực phẩm thiết yếu thì còn có khách hàng, còn tại khu vực bán áo quần, giày dép, mũ nón, hàng thời trang…, các chủ sạp hầu như "ngồi không", cả ngày chỉ có vài ba khách ghé qua xem hàng.
Bà Phạm Thị Hồng, tiểu thương bán áo quần chợ Đồng Hới cho biết: "Hơn 20 năm buôn bán ở chợ Đồng Hới, tôi chưa từng thấy cảnh chợ vắng vẻ như bây giờ. Đầu tháng 7, cửa hàng đầu tư hơn 200 triệu đồng để lấy áo quần thời trang hè nhưng khi hàng về thì Quảng Bình xuất hiện ca dương tính đầu tiên nên khách hàng đến chợ ngày càng ít lại, hàng bán chưa được bao nhiêu thì phải tạm nghỉ để phòng dịch bệnh nên số hàng này sẽ trở thành hàng tồn, hàng lỗi mốt trong năm tới".
Không chỉ áo quần mùa hè, từ đầu tháng 8, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống đã đầu tư để lấy hàng hóa phục vụ học sinh trong năm học mới, tuy nhiên, dịch bùng phát, học sinh chưa trở lại trường nên hàng hóa bán được rất ít. Theo các tiểu thương, việc thu hồi vốn đã khó chứ chưa nói đến lợi nhuận.
Chợ Quán Hàu (thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh) cũng lâm vào tình trạng tương tự, sau thời gian đóng cửa để phòng, chống dịch, chợ đã hoạt động trở lại nhưng sức mua yếu. Các tiểu thương chia sẻ, không chỉ hàng hóa ế ẩm mà trong thời gian tạm nghỉ, do mưa nhiều, nên hàng hóa tại chợ còn bị ẩm mốc và hư hỏng, không bán được. Chị Hồ Thị Hiền, tiểu thương chợ Quán Hàu cho hay: "Tôi vừa mới nhập lô nón lá, nón dừa, chổi đót… về bán thì đúng lúc chợ tạm đóng cửa nên bị ẩm mốc, bán giảm giá cũng không có người đến hỏi mua".
Theo ông Đặng Vĩnh Liệu, Đội trưởng Đội quản lý chợ Đồng Hới, do kinh doanh ế ẩm nên tại chợ Đồng Hới, từ năm 2020 đến nay, đã có 33 trường hợp sang nhượng lại quầy hàng.
Cần linh hoạt phương thức kinh doanh
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc kinh doanh ở chợ truyền thống sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.Không thể ngồi chờ dịch bệnh đi qua, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống đã năng động chuyển đổi phương thức kinh doanh, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến nhằm bắt kịp với xu thế chung của thị trường.
Kinh doanh chăn, ga, gối, đệm tại chợ Nam Lý (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) hơn chục năm nay, chị Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: "Với tình hình hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào lượt khách đến tận nơi để xem và mua hàng thì chắc chắn rằng hàng hóa sẽ ùn ứ, tồn đọng, lỗi mốt…Vì vậy, tôi phải thay đổi và làm quen với phương thức bán hàng qua mạng xã hội. Ban đầu sẽ rất ít đơn hàng nhưng nếu vẫn kiên trì, đăng bán liên tục thì đơn hàng sẽ ngày càng nhiều, đặc biệt là khi có hàng mới về và hàng giảm giá".
Quen với việc bán hàng truyền thống nhưng khi thấy dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, chị Nguyễn Thị Nga, buôn bán hải sản ở chợ Bắc Lý (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) cũng đã học cách phát trực tiếp, chụp ảnh, quay video…để đăng bán các mặt hàng lên mạng xã hội. Chị Nga chia sẻ: "Chợ truyền thống đã hoạt động trở lại nhưng tôi vẫn duy trì hình thức bán online. Vừa bán ở chợ, vừa bán online không những tăng đơn hàng mà hôm nào chợ ế, tôi có thể kêu gọi người quen tiêu thụ giúp, không ép giá".
Tuy đã “bắt sóng” với việc kinh doanh qua thương mại điện tử nhưng các tiểu thương chợ truyền thống vẫn chậm thay đổi. Phần lớn tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.Đồng Hới đều biết đến thương mại điện tử nhưng chỉ một số ít mạnh dạn triển khai, chủ yếu là những người trẻ, sử dụng thành thạo công nghệ mới.
Theo ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương, từ thực tế khảo sát có thể thấy sức mua tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, tiểu thương gặp nhiều khó khăn một phần cũng do dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, tiểu thương cần linh hoạt tích hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống để thu hút khách hàng, kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp đầu mối lớn để có các khuyến mại, bán giảm giá, hấp dẫn người mua. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại.
"Hiện Sở Công thương đang phối hợp các UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND, ngày 26-11-2020 quy định về về phát triển, quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang lập danh sách mạng lưới chợ trên địa bàn để phân hạng chợ, thực hiện đúng quy định phân cấp quản lý Nhà nước về chợ; lập phương án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ và kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; có kế hoạch xử lý dứt điểm việc di dời, giải tỏa, xóa bỏ các chợ không nằm trong quy hoạch, chợ tự phát… Khi chợ chuyển đổi, sẽ bắt kịp với xu thế hiện đại, thu hút khách hàng, giải quyết những khó khăn còn tồn đọng", ông Phan Hoài Nam cho biết thêm. |
Thanh Hoa