Lệ Thủy: Chăn nuôi "bí" đầu ra

  • 14:03 | Thứ Năm, 21/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá sản phẩm đầu ra giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên nhiều nông dân huyện Lệ Thủy chịu thua lỗ. Trước tình hình đó, huyện Lệ Thủy đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, gỡ khó giúp người chăn nuôi.
 
Hiện nay, toàn huyện Lệ Thủy có 39 trang trại chăn nuôi, hàng nghìn trang trại tổng hợp, gia trại, hộ gia đình có chăn nuôi. Số lượng đàn vật nuôi của bà con có chiều hướng tăng so với năm trước. Riêng đàn lợn có khoảng 35.900 con, đàn gia cầm trên 1,4 triệu con, đàn trâu bò đạt 15.900 con, trên 2.300ha nuôi trồng thủy sản...
 
Sau các trận lũ lụt lịch sử năm 2020, ngành chăn nuôi huyện Lệ Thủy từng bước phục hồi và đang phát triển thuận lợi, tuy nhiên, lại gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo đó, vào thời điểm đầu năm 2021, địa bàn xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đến cuối tháng 6, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện rồi tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
 
Do dịch bệnh khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi nhiều sản phẩm từ chăn nuôi không thể lưu thông, giá bán lại xuống rất thấp nên người chăn nuôi chịu lỗ. Theo nhiều người dân, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-35% trong khi giá bán gà, vịt, lợn hơi... giảm từ 15-20%.
Hơn 1,4 vạn con gia cầm trong trang trại ông Tạ Công Ngọc đã 4 tháng tuổi nhưng vẫn chưa thể xuất chuồng.
Hơn 1,4 vạn con gia cầm trong trang trại ông Tạ Công Ngọc đã 4 tháng tuổi nhưng vẫn chưa thể xuất chuồng.
Trang trại chăn nuôi gia cầm của ông Tạ Công Ngọc, ở thôn 2 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) có tổng diện tích 9ha, được xây dựng từ năm 2004. Trung bình mỗi năm, ông Ngọc nuôi 30 vạn con gà, ngan, vịt. Năm 2021, lứa nuôi đầu tiên của trang trại mang lại lãi ròng trên 150 triệu đồng. Lứa nuôi thứ 2 bắt đầu thu hoạch thì gặp phải dịch Covid-19 bùng phát khiến ông gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cũng như tái đàn lứa thứ 3 để đón Tết Nguyên đán.
 
Ông Tạ Công Ngọc cho hay: “Trước đây, gia cầm trong trang trại nuôi khoảng 3 tháng thì xuất chuồng. Mỗi khi thu hoạch, thương lái đến tận trang trại mua trong vòng 10 ngày thì hết. Nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, đàn gia cầm đã nuôi hơn 4 tháng rồi nhưng vẫn chưa bán xong. Sản phẩm không tiêu thụ được, trong khi giá thức ăn lại tăng cao nên tôi phải chịu lỗ trên 150 triệu đồng”.
 
Các thương lái đến từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và các địa phương trên địa bàn tỉnh thường đến thu mua gia cầm tại trang trại. Nhưng từ khi dịch bùng phát, ông Ngọc chỉ bán lẻ cho người dân trên địa bàn nhưng lượng tiêu thụ cũng chẳng được bao nhiêu. Hiện trang trại của ông vẫn còn tồn đọng 1,4 vạn con gia cầm.
 
Trang trại của ông Võ Huy Hiệu, ở thôn Tương Trợ, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) cũng chịu cảnh lao đao do giá thức ăn tăng, giá các loại vật nuôi giảm như hàng nghìn hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện. Trong trang trại của mình, ông Hiệu nuôi mỗi năm khoảng 7.000 con gà, 1.000 con ngan và vịt, hàng trăm con lợn… Trước đây, nếu không chịu tác động của dịch Covid-19, trang trại của ông mỗi năm đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, lãi trên 300 triệu đồng. Nhưng 2 năm nay, do tác động của dịch bệnh khiến giá các loại thức ăn tăng nhanh, trong khi các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đóng cửa khiến nhiều sản phẩm chăn nuôi của trang trại không tiêu thụ được hoặc giá bán rất thấp..
 
Theo ông Hiệu, từ giữa năm 2021, giá lợn hơi bắt đầu giảm giá từ 65.000-70.000 đồng/kg xuống còn 45.000-50.000 nghìn đồng/kg, giá gà giảm từ 65.000-70.000 đồng/kg xuống còn 40.000-45.000 đồng/kg. Trong khi đó, các đại lý cám liên tục tăng giá, hiện đã tăng thêm 60.000-70.000 đồng/bao cám. Ông Võ Huy Hiệu chia sẻ: “Do giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán nông sản giảm nên năm nay gia đình tôi bị lỗ trên 100 triệu đồng. Hiện số lượng đàn vật nuôi của trang trại vẫn còn nhiều nên gia đình buộc phải bán lẻ cho thương lái và các chợ đầu mối, nhưng lượng tiêu thụ và giá bán cũng rất thấp”.
 
Theo các chuyên gia, do dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu để chế biến thức ăn phục vụ cho chăn nuôi khó lưu thông khiến giá thức ăn tăng mạnh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân nghỉ việc nên việc tiêu thụ các sản phẩm từ thịt giảm nhiều. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước cũng xả sản phẩm trong dịp này khiến giá lợn, gà, vịt giảm đáng kể.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Hiện người chăn nuôi trên địa bàn huyện đang phải gánh chịu khó khăn “kép” khi giá thành phẩm giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục nên nhiều hộ chăn nuôi bị lỗ và đứng trước nguy cơ bỏ chuồng trại. Để tái đàn, người chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi; có thể giảm sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi vì đang có giá cao, chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn tại địa phương, như: Sắn, gạo, cám… với giá mua thấp hơn”.
"Huyện Lệ Thủy cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như các mặt hàng nông sản khác cho người dân. Đồng thời, huyện lập danh sách những mặt hàng cần tiêu thụ gửi đến các cơ sở tiêu thụ nông sản; mở lại các chợ, lò mổ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con mua bán nông sản. Riêng các mặt hàng muốn tiêu thụ ngoài tỉnh, huyện cũng tạo điều kiện, như: Cấp mã QR Code cho các phương tiện giao thông, test nhanh để người ra vào địa bàn đủ điều kiện đi lại, mua bán… ", ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết.
 
Xuân Vương
 
 

tin liên quan

Tín dụng chính sách: "Điểm tựa" của người nghèo

(QBĐT) - 19 năm qua, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có gần 20.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được "tiếp sức". Thông qua nguồn vốn ưu đãi này, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy: Huy động vốn gần 74 tỷ đồng

(QBĐT) - Tính đến hết tháng 9-2021, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Lệ Thủy đã huy động được gần 74 tỷ đồng, tăng hơn 11,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 102% kế hoạch.

Tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa từ ngày hôm nay

Bộ Giao thông Vận tải quyết định tăng tần suất chuyến bay trên nhiều đường bay nội địa đồng thời nêu rõ các điều kiện với khách đi máy bay.