icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyển biến tích cực hoạt động khoa học và công nghệ

  • 06:49 | Thứ Năm, 12/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Các nhiệm vụ, dự án phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đời sống. Từ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, hoạt động KH-CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng cho biết: Trong năm 2022, toàn tỉnh thực hiện 2 nhiệm vụ cấp quốc gia và 6 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi được phê duyệt do Bộ KH-CN quản lý; 44 nhiệm vụ, dự án nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh; 38 nhiệm vụ KH-CN liên kết, nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN do Sở KH-CN quản lý. Các nhiệm vụ, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
 
Điển hình như các dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Quảng Bình”, “Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình trồng thâm canh giống cam mật Hiền Ninh và giống cam V2 theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Quảng Bình”, “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng và sơ chế dược liệu kim tiền thảo và sâm báo”, “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường công tác phòng chống, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lụt bão của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình”…;
 
Hay các mô hình: “Trồng thử nghiệm giống lạc đen CNC1 phù hợp với điều kiện sinh thái huyện Bố Trạch”, “Trồng thử nghiệm giống lúa nếp cẩm tại TP. Đồng Hới”, “Chăn nuôi chồn hương giống và chồn hương thương phẩm tại xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa”...
 
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân đã có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý các hoạt động chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2022, Sở KH-CN đã tổ chức thẩm định, có ý kiến về công nghệ 19 dự án đầu tư, nhằm lựa chọn các công nghệ tiến tiến, hiện đại... góp phần nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết được các vấn đề trên nhiều lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp…
Kết quả nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết được các vấn đề trên nhiều lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp…
Để góp phần lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, Sở KH-CN đã tham mưu tổ chức thành công cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình lần thứ II, năm 2022. Các dự án, ý tưởng được đánh giá đạt giải đã ứng dụng vào thực tiễn đời sống mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Dự án “Phát triển sản phẩm mật ong tỏi lên men từ tỏi tía TX. Ba Đồn, Quảng Bình” do HTX Sản xuất kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng (HTX Xuân Hưng) (xã Mỹ Trạch, Bố Trạch) thực hiện đoạt giải nhất…
 
Chia sẻ về sản phẩm mật ong tỏi lên men, bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc HTX Xuân Hưng, người trực tiếp điều hành sản xuất, cho hay: HTX hiện đã liên kết với các HTX trồng tỏi ở TX. Ba Đồn và một số HTX, hộ gia đình nuôi ong trên địa bàn tỉnh để cung cấp nguyên liệu sạch tại các địa phương, như: Tỏi tía Quảng Minh (TX. Ba Đồn), mật ong xã Trường Xuân (Quảng Ninh) và huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa…
 
Với nguồn nguyên liệu sẵn có và là tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương, HTX Xuân Hưng đã mở rộng chuỗi sản xuất, tạo đầu ra cho các loại nông sản trên địa bàn, hướng tới hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy cách đóng chai nhỏ gọn, tiện lợi nên sẽ phù hợp phục vụ cho khách du lịch khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm mang theo để sử dụng hoặc làm quà biếu…
 
Qua đó, tiêu thụ một lượng lớn các nông sản cho bà con nông dân, góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động phổ thông, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.
 
Nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở KH-CN còn thường xuyên tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh về công tác quản lý liên quan lĩnh vực KH-CN. Năm 2022, đã tổ chức 26 cuộc thanh tra đối với 26 cơ sở và 2 cuộc kiểm tra đối với 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường và đã tham mưu ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 173 triệu đồng.
 
Năm 2022, Sở KH-CN cũng đã chuyển giao quyền sử dụng 32 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh. Các kết quả đều có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết được các vấn đề trên nhiều lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, du lịch; đồng thời đã tăng cường sản xuất và phân phối ra thị trường các sản phẩm như nước ion đóng chai và nước đóng bình Qbiwater, trà túi lọc khổ qua rừng STEC-TEA…
 
“Được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, khi thành phẩm, nước uống Qbiwater đạt chất lượng cao nhất và có bổ sung ion kiềm. Nước ion kiềm điện giải với 4 đặc tính quý không thể tìm thấy ở bất kỳ loại nước nào, như: Giàu tính kiềm như rau xanh, cấu trúc cụm phân tử nước siêu nhỏ, giàu vi khoáng tự nhiên và đặc biệt là giàu hydro chống oxy hóa mạnh. Nước ion kiềm giàu hydro cũng là loại nước duy nhất hiện nay được Bộ Y tế Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới khuyên toàn dân nên sử dụng”, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN Trần Ngọc Dũng, trực tiếp phụ trách sản xuất cho biết.
 
Hoạt động thông tin và thống kê KH-CN tập trung vào việc thực hiện các chuyên mục định kỳ trên Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh và Bản tin Thông tin KH-CN, Trang thông tin điện tử Sở KH-CN nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách về hoạt động KH-CN của Đảng và Nhà nước, các hoạt động KH-CN của tỉnh, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, nhân rộng kết quả KH-CN phục vụ sản xuất và đời sống.
 
“Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN vào sản xuất, đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm hàng hóa được xây dựng thương hiệu và phát triển thành hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân, một số sản phẩm đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất. Với những quyết sách quan trọng, đột phá, cùng sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ KH-CN, thời gian tới, sở quyết tâm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH-CN trên địa bàn, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao”, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng trao đổi thêm.
 
Hương Trà

tin liên quan

Điện lực Quảng Ninh: Thí điểm số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt

(QBĐT) - Nhằm thực hiện số hóa trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, giảm thủ tục hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, Điện lực Quảng Ninh đã triển khai thí điểm số hoá hợp đồng mua bán điện sinh hoạt sang hợp đồng điện tử tại thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh (Quảng Ninh).
 

Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo toàn cầu

Ngày 28/12, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 cho thấy Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN.

Xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2023

(QBĐT) - Ngày 29/12, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh năm 2023 đã tiến hành họp xác định danh mục các nhiệm vụ KH-CN đưa vào thực hiện năm 2023.