icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nobel Y sinh tôn vinh phát hiện về quá trình tiến hóa của loài người

  • 07:29 | Thứ Ba, 04/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Giải Nobel Y Sinh 2022 đã thuộc về nhà nghiên cứu di truyền học Svante Pääbo, tôn vinh những phát hiện của ông liên quan chuỗi ADN của loài vượn người và quá trình tiến hóa của loài người.
Chân dung nhà khoa học Thụy Điển đoạt giải Nobel Y sinh 2022 Svante Paabo tại Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 3/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chân dung nhà khoa học Thụy Điển đoạt giải Nobel Y sinh 2022 Svante Paabo tại Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 3/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo kết quả được Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) công bố chiều 3/10, Giải Nobel Y Sinh 2022 đã thuộc về nhà nghiên cứu di truyền học Svante Pääbo, người Thụy Điển, tôn vinh những phát hiện của ông liên quan chuỗi ADN của loài vượn người và quá trình tiến hóa của loài người.
 
Ông được biết đến nhờ công trình mang tính bước ngoặt, được đánh giá là góp phần làm thay đổi lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc loài người sau khi phát triển các cách tiếp cận mới cho phép kiểm tra chuỗi ADN từ những mẫu vật khảo cổ.
 
Dựa trên những phát hiện của mình, nhà di truyền học Svante Pääbo đã thiết lập một bộ môn khoa học hoàn toàn mới có tên gọi là Paleogenomics- tái tạo và phân tích thông tin bộ gene của các loài đã tuyệt chủng.
 
Bằng cách chỉ ra những điểm khác nhau về di truyền học để phân biệt giữa loài người hiện nay và những loài vượn người đã tuyệt chủng, những phát hiện của ông đã cung cấp nền tảng cơ bản để khám phá những yếu tố giúp loài người trở nên khác biệt như ngày nay.
 
Thông qua nghiên cứu tiên phong của mình, nhà khoa học Svante Pääbo cũng đã thực hiện được một số điều "dường như không thể" như giải trình tự ADN của người Neanderthal- một phân loài của người cổ xưa sinh sống tại đại lục Á-Âu cho tới tầm 40.000 năm trước.
 
Ông cũng đã mang đến phát hiện quan trọng về loài vượn người Denisova đã tuyệt chủng, cũng dựa trên những dữ liệu giải trình tự gene từ mẫu vật một mẩu xương tay được tìm thấy của loài này.
 
Nhà khoa học Svante Pääbo sinh năm 1955 tại Stockholm, từng học tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Zürich (Thụy Sĩ) và sau đó là Đại học California (Mỹ). Ông trở thành Giáo sư ở Đại học Munich (Đức) năm 1990. Sau đó, năm 1999, ông sáng lập Viện nghiên cứu Nhân chủng học tiến hóa ở Leipzig, Đức và làm việc tại đây cho tới nay.
 
Giải thưởng Y Sinh là giải khai màn tuần lễ Nobel 2022. Đây là giải Nobel Y sinh thứ 113 được công bố từ năm 1901 đến nay. Giải có giá trị 10 triệu crown Thụy Điển (900.357 USD).
 
Năm 2021, giải Nobel Y Sinh được trao cho 2 nhà khoa học người Mỹ là David Julius và Ardem Patapoutian, với những khám phá về các thụ thể của con người đối với nhiệt độ và xúc giác.
 
Các giải thưởng tiếp theo được công bố gồm Giải Nobel Vật lý (ngày 4/10), Giải Nobel Hóa học (ngày 5/10) và Giải Nobel Văn học (ngày 6/10). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 7/10.
 
Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2022 vào ngày 10/10.
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Các nhà du hành vũ trụ Nga trên trạm ISS trở về Trái Đất

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga cho biết trong 195 ngày trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), 3 nhà du hành đã hoàn tất nhiều cuộc thí nghiệm và thực hiện 5 cuộc đi bộ ngoài không gian.

Việt Nam xếp thứ 7 khu vực châu Á-Thái Bình Dương về xã hội số

Theo Báo cáo về Chỉ số xã hội số của GSMA, Việt Nam xếp thứ 5 điểm số về trụ cột thương mại số (Digital Commerce) và xếp thứ 7 điểm số về phong cách sống số (Digital Lifestyle).

NASA thừa nhận khó triển khai sứ mệnh Artemis 1 trước tháng 11 tới

Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 28/9 thừa nhận sẽ rất khó để NASA có thể thực hiện vụ phóng tên lửa đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng vào tháng 10 và phương án triển khai sứ mệnh mang tên Artemis 1 này vào tháng 11 dường như khả thi hơn.