Con chữ… đời người
(QBĐT) - Cận ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi cùng đồng nghiệp, nhà báo Đặng Minh Quý công tác tại Báo Quảng Bình về thăm Nhà giáo ưu tú Dương Viết Tuynh. Thì ra… Đặng Minh Quý chính là “thế hệ vàng”, học sinh lớp chọn đầu tiên của Trường THPT Đào Duy Từ những ngày đầu mới tái lập tỉnh Quảng Bình năm 1989. Và thầy giáo Dương Viết Tuynh chính là Hiệu trưởng nhà trường vào thời điểm ấy.
Một đời cùng con chữ
Thầy hỏi tôi: “Trước em có phải học sinh của trường?”. Tôi lễ phép thưa: “Dạ, em vốn người Quảng Trị!”. Thầy quay sang nhà báo Đặng Minh Quý, bàn tay thầy nắm chặt bàn tay học trò cũ “Thời đó khổ lắm mà tình cảm thầy trò thân thương, em hè? Biết tìm mô lại được”. Và câu chuyện của người thầy giáo già chảy tràn theo ký ức…
Thầy sinh năm 1943, quê quán làng Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Nói đến làng Quảng Xá là nhắc đến vùng đất học của Quảng Bình, nơi hội tụ nhiều thế hệ nhà giáo, nhân sỹ, trí thức vang danh cả nước. Ông nội và bố thầy đều là liệt sỹ thời chống Pháp, mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lên 4 tuổi thầy mồ côi cha. Nhà nghèo, học đến lớp 7 thì thầy thoát ly gia đình.
17 tuổi, thầy theo học một khóa nghiệp vụ sư phạm cấp tốc do tỉnh tổ chức rồi từ đó bén duyên với nghiệp trồng người cho đến khi về hưu, năm 2003.
Qua câu chuyện giữa thầy giáo Dương Viết Tuynh và nhà báo Đặng Minh Quý, tôi sơ lược được quá trình “đưa đò” của thầy: Năm 1962, dạy Trường cấp II xã Đại Trạch (Bố Trạch). Năm 1966, khi đang là tổ trưởng tổ tự nhiên, Trường cấp II Đại Trạch thì được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp II Bảo Ninh, lúc tròn 23 tuổi, 3 tháng sau thầy được kết nạp vào Đảng.
Sau 2 năm theo học tại khoa Toán, Đại học sư phạm Vinh, giai đoạn 1972-1978, thầy về làm Hiệu trưởng Trường cấp II Lý Ninh; Hiệu phó Trường cấp III Quảng Ninh giai đoạn 1978-1981; lần lượt giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Lệ Ninh, Trường THPT số 1 Lệ Ninh từ năm 1981 đến năm 1989. Khi Quảng Bình trở về địa giới cũ, Trường THPT Đào Duy Từ thành lập trên cơ sở phân hiệu hai của Trường cấp III Quảng Bình vào ngày 26-8-1989, thầy trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của trường trong vòng 14 năm, đến năm 2003. Nếu không tính thêm 2 năm (2011-2013) làm Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Chu Văn An thì thầy có 41 năm gắn bó với hệ thống giáo dục công lập Quảng Bình.
“Quá nửa đời người đưa đò trên dòng sông tri thức, kỷ niệm thì nhiều lắm, không thể nào kể hết được. Nhưng khó phai mờ nhất vẫn là thời kỳ công tác tại xã Bảo Ninh trong chiến tranh chống Mỹ và quãng thời gian Trường THPT Đào Duy Từ mới trọn vẹn hình hài”.
Một buổi sáng năm 1966, cầm quyết định về làm Hiệu trưởng Trường cấp II Bảo Ninh, thầy nhờ học trò chở bằng xe đạp đến bến đò mẹ Suốt xin nhờ qua sông Nhật Lệ. Thị xã Đồng Hới thời kỳ này hoàn toàn đổ nát vì bom đạn Mỹ. Đến bến đò khoảng 10 giờ sáng, đúng giờ giới nghiêm, mẹ Nguyễn Thị Suốt kiên quyết không cho thầy sang sông. Đang băn khoăn, thấy mẹ miệng vừa nhai trầu vừa hỏi: “Bây có thuộc bài hát “Tiếng hát đò đưa” của Hoàng Sông Hương viết về tau không. Thuộc… tau cho sang”. Thầy như bắt được vàng: “Dạ, con thuộc… nhưng mạ cho con lên đò, con mới hát. Chơ bài hát ni con nằm lòng: “Đây rặng dừa soi bóng dòng sông/Bên cây đa giếng nước rừng dương/Nhật Lệ hiền hòa chiếc đò mẹ Suốt lại qua… hơ hớ hơ… Mẹ nối nhịp cầu, chở người cán bộ, chở quân sang/Là hò đưa lên đưa lên rồi xuống đò/Con thuyền qua lại như thoi đưa ngày đêm/Hò hò hớ…..hớ hơ… hớ hơ hờ… Thầy lên đò, cất tiếng hát, mẹ Suốt cười tươi, mái chèo khua vang mặt nước.
“Mẹ Suốt có 4 người con, may mắn khi thầy dạy học tại Bảo Ninh vẫn có 2 người con của mẹ đang theo học ở trường thầy. Ngày 21-8-1968, mẹ Nguyễn Thị Suốt hy sinh trên sông Nhật Lệ… Vậy đó! Hai năm qua về đều trên con đò mẹ chở… chở nặng ân tình mẹ, nặng ân tình người Bảo Ninh”, tiếng người thầy giáo già rưng rưng.
Trường THPT Đào Duy Từ thành lập theo mô hình Trường Quốc học Huế, năm học đầu tiên 1989-1990, trường có 18 lớp, 908 học sinh. Từ năm học 1990-1991, trường có hai hệ gồm hệ chuyên và hệ phổ thông. Lớp chuyên Toán đầu tiên gồm 16 học sinh, khóa học đó cả 16 em đều đỗ đại học. Đây có thể xem là một “kỳ tích” của thầy và trò nhà trường trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề thời kỳ đầu tái lập tỉnh. “Đặng Minh Quý là một trong những học sinh lớp chọn thời kỳ đầu tiên đó, nên em Quý rất hiểu và trân quý tình thầy, tình trò!”, thầy Dương Viết Tuynh chia sẻ thêm.
Vẹn nguyên lời thầy
“Đời thầy có ba lần được gặp gỡ, gần gũi người thầy-Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc Đại tướng về thăm quê hương trên cương vị hiệu trưởng nhà trường. Lần thứ nhất tại Trường THPT số 1 Lệ Ninh năm 1985. Năm đó, Lệ Thủy lụt to, trường tranh tre nứa lá ngập sâu trong nước. Đại tướng đến thăm và dặn dò: Quảng Bình, Lệ Thủy là đất hiếu học, trọng nhân tài. Trong điều kiện còn nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề vì thiên tai, thầy và trò nhà trường cố gắng khắc phục, dạy tốt, học tốt. Đặc biệt, giữ gìn làm sao không có bất cứ học sinh nào bị tai nạn sông nước”.
“Khi Trường THPT Đào Duy Từ bắt đầu ổn định, phát triển, đạt nhiều thành tích cao, trở thành lá cờ đầu toàn ngành giáo dục tỉnh nhà, vinh dự hai lần Đại tướng về thăm vào năm 1992 và năm 1999. Năm này có em Trần Đức Long đoạt Huy chương đồng môn Sinh học quốc tế đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.
“Thầy vẫn canh cánh bên lòng một kỷ niệm cũng là bài học quý trong sự nghiệp trồng người của mình. Khi Đại tướng gặp các em học sinh, Người hỏi một bạn gần kế bên: “Cháu có biết phá Hạc Hải ở mô không?”. Rất tiếc em đó không trả lời được vì nhà mới từ huyện Quảng Trạch chuyển vào. Rồi Đại tướng kể về phá Hạc Hải của vùng đất “hai huyện” Quảng Ninh, Lệ Thủy. Nhân câu chuyện, Đại tướng nhắn nhủ: “Các thầy, các cô phải quan tâm dạy dỗ học sinh về lịch sử nước nhà, về quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”. Người Quảng Bình phải rành về địa lý, lịch sử Quảng Bình. Nhớ lời người thầy-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau này, bộ môn Lịch sử trở thành một môn học rất được chú trọng tại Trường THPT Đào Duy Từ”.
Nghỉ hưu tại phường Đồng Hải, nhà sát ngay Trường THPT Đào Duy Từ, ngày ngày thấy các em học sinh đến trường, thầy giáo Dương Viết Tuynh luôn cảm giác ấm lòng. Vợ thầy, cô Nguyễn Thị Giữa (SN 1945) cũng là một nhà giáo, người cùng làng Quảng Xá. “Cô thầy kết hôn năm 1966 và có với nhau bốn người con, ba gái một trai. Gia đình rất tự hào vì ba con gái tiếp nối được truyền thống gia đình trong sự nghiệp trồng người”, thầy giáo Dương Viết Tuynh tự hào. |
Hồ An