Vận dụng "cách dạy lịch sử" của thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • 07:59 | Thứ Hai, 08/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù thời gian dạy học không dài nhưng thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp rất lớn cho chuyên ngành phương pháp luận sử học. Những biện pháp nâng cao hiệu quả bài học và nhiều phương pháp dạy học khác của thầy vẫn còn nguyên giá trị.
 
Theo thầy giáo Võ Nguyên Giáp, hiệu quả của bài giảng là học trò hiểu lịch sử thật sâu sắc, thấu đáo. Quả thật, những học sinh của Trường tư thục Thăng Long đều không thể nào quên những giờ học lịch sử của thầy. Không những học sinh ở Trường tư thục Thăng Long mà học sinh các trường khác cũng tìm đến thầy để dự thính.
 
Phẩm chất đạo đức nhà giáo cùng phương pháp sư phạm của thầy giáo Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để cán bộ-giáo viên (CB-GV) đang đứng trên bục giảng noi theo. CB-GV đang giảng dạy Lịch sử cần phải tiếp thu, vận dụng và phát huy những biện pháp nâng cao hiệu quả bài học mà thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại.
 
Trước hết, thầy Giáp chọn nội dung trọng tâm vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với sức học của học sinh. Nhiều học sinh nhớ lại: “Thầy Giáp dạy về lịch sử nước Pháp từ năm 1789 đến giữa thế kỷ 19. Ông trình bày vấn đề theo cách riêng của mình. Bắt đầu buổi học, ông đứng trước lớp nhìn thẳng học sinh và nói: Có rất nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp thời kỳ này, nếu muốn tìm hiểu các em có thể tham khảo. Tôi chỉ sẽ nói với các em về hai chủ đề: Cách mạng Pháp và Napoleon”. Xác định nội dung trọng tâm bài học giúp học sinh lĩnh hội kiến thức, tiếp nhận nhiệm vụ công việc trong tiết học.
 
Cùng với xác định trọng tâm của bài học, thầy Giáp sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để phát triển các hoạt động nhận thức độc lập của học sinh. Chúng ta dễ thấy cách dạy học nêu vấn đề của thầy Giáp đã mang lại hiệu quả rất cao. Trình bày nêu vấn đề, tình huống có vấn đề, bài tập nêu vấn đề được thầy kết hợp rất nhuần nhuyễn. Thầy đã để lại kinh nghiệm dạy một bài học lịch sử theo hướng đổi mới.
 
Như vậy, đổi mới bắt đầu từ mục tiêu của bài học. Thầy Giáp đóng vai trò là người tổ chức, chuẩn bị thông tin kiến thức rất đầy đủ, chi tiết và hướng dẫn cho học sinh tập trung vào sự kiện, từ sự kiện rút ra bản chất và bài học lịch sử. Các hoạt động phát huy nhận thức độc lập của học sinh đã khơi dậy xúc động, kích thích hứng thú học tập và góp phần giáo dục đạo đức, trí tuệ cho học sinh, đó là mong cầu lớn nhất của thầy khi chọn dạy học Lịch sử.
 
Ngoài ra, thầy Giáp đã kết hợp một cách đa dạng, nhuần nhuyễn và hợp lý các phương pháp dạy học. Đó là sử dụng thơ văn, đồ dùng trực quan, tranh ảnh, bảng đen: “Thầy Giáp có thể vẻ trên bảng đen những chi tiết cụ thể nhất về từng trận đánh của Napoleon”; “Thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã đọc thơ và bình giảng thơ cho học sinh của mình nghe” .  
 
Hay là: “Những bài học lịch sử về phong trào Cần Vương, những tấm gương khí phách như Nguyễn Tri Phương hay Hoàng Diệu được thầy Giáp truyền tải cho học trò. Bài giảng có bản đồ, sơ đồ, minh họa trực quan qua các tranh ảnh hoặc giảng nơi xảy ra sự kiện”. Thời gian hoạt động cách mạng, thầy tham gia dạy chữ cho anh em người dân tộc Tày, Nùng... do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biệt danh là anh Hưng. “Anh Hưng dạy dễ nhớ, dễ hiểu. Khi giảng giải anh vừa nói tiếng Kinh vừa nói tiếng của học trò”. 
 
Hiệu quả bài học lịch sử còn phụ thuộc vào khả năng trình bày, trong đó trình bày miệng hết sức quan trọng. Ngôn ngữ rõ ràng, giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn có ảnh hưởng rất lớn đến người học. Để trình bày có hình ảnh, giáo viên phải nắm vững kiến thức khoa học, sử dụng phong phú, đa dạng tài liệu. 
                             
Mai Thị Diệu 
(Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp)

tin liên quan

Sinh viên Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi toàn cầu về du lịch

Đây là cuộc thi dành cho sinh viên ngành du lịch do Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO) tổ chức với sự tham gia của 750 dự án đến từ 100 quốc gia trên thế giới.

Bảo đảm an toàn để học sinh đến trường

(QBĐT) - Đến nay, học sinh trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã trở lại trường học. Thực hiện các quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện Quảng Trạch đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch, qua đó bảo đảm quá trình dạy và học diễn ra an toàn.

Hỗ trợ học sinh vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19

Số trẻ em F0 và F1 tại Việt Nam đến ngày 10/9 là hơn 40.000; trong đó số trẻ là F0 đang điều trị tại TP.HCM là lớn nhất, đến gần 3.000 trẻ. Nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ tử vong vì COVID-19.