Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: Xử lý nghiêm việc dạy thêm trực tuyến
Theo Bộ trường Giáo dục và Đào tạo, dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã bị nghiêm cấm. Trong bối cảnh học trực tuyến rất căng thẳng, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung cần được lên án.
Trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải đáp nhiều câu hỏi của các Đại biểu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ.
Không dạy thêm trực tuyến
Về chuyện học thêm online, ông Sơn nêu rõ việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã bị nghiêm cấm. Trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến rất căng thẳng, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung cần được lên án.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương căn cứ các văn bản hướng dẫn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Theo Bộ trưởng, gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, ngành giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi.
Gần 20 triệu học sinh sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
“Việc học tập trực tuyến trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn thiếu thốn gây ra nhiều hệ lụy, học sinh căng thẳng mệt mỏi, thầy cô cực nhọc áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo lãnh đạo Bộ trưởng, các thầy các cô đã rất sáng tạo và nỗ lực, đó là sự tận tâm của đội ngũ nhà giáo. Tuy vậy, qua dịch bệnh bộc lộ nhiều điều cần điều chỉnh về chế độ, chính sách.
“Trong việc ban hành chính sách, giữa yếu tố chung cả nước cần chú ý nhiều hơn đến tính đa dạng vùng miền, các văn bản hướng dẫn cần phù hợp với thực tế,” Bộ trưởng thông tin thêm.
Sẽ đánh giá chất lượng học trực tuyến
Trước một số câu hỏi của Đại biểu và ý kiến của dư luận về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Hội đồng chuyên môn làm sách giáo khoa đã tiến hành thảo luận với tác giả và điều chỉnh trước khi sách được in và đến tay học sinh. Cùng với đó, các đơn vị tập trung điều chỉnh để quy trình làm sách giáo khoa hoàn thiện hơn.
Liên quan đến vấn đề nhiều môn học thiếu giáo viên, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đạo cho biết hiện tại các trường sắp xếp 3 giáo viên dạy một môn, song đơn vị nào sắp xếp hợp lý thì mọi việc thuận lợi, không sắp xếp phù hợp thì sẽ gặp nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ đơn vị này đã tổ chức tập huấn cho các trường, đặt vai trò quan trọng vào tay những người quản lý của các trường trong nhiệm vụ phân bổ giáo viên.
Với trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc sinh viên ra trường không có việc làm, ông Sơn cho rằng nhu cầu nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo và các yếu tố thị trường tác động tới vấn đề này. Do vậy, việc đánh giá việc dự báo nhu cầu thị trường lao động là việc quan trọng các trường đại học cần thực hiện.
Trong khi đó, đối với học sinh lớp 1 và 2, ông khẳng định các em sẽ chủ yếu học trên truyền hình. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Đài truyền hình thực hiện nhiều chương trình dạy học trên sóng, sản xuất 166 bài giảng cho lớp 1 và 2. Theo thống kê, mỗi một môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học.
“Khó có giải pháp nào hoàn hảo, nên chúng ta chọn một giải pháp phù hợp nhất. Dư luận cũng ủng hộ dạy học sinh lớp 1-2 trên truyền hình,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói đồng thời khẳng định việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong tình hình tiếp tục học trực tuyến hay đến lớp cũng đã có lộ trình./.
Ngăn chặn 'thầy đọc, chò chép' môn Ngữ Văn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tầm quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người và tâm hồn cho học sinh thông qua việc giảng dạy môn Ngữ Văn.
Do đó, việc giáo viên đọc văn mẫu cho học sinh chép là rất tai hại. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này.
|
Theo Vietnam+