Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hẹn với Kiến Giang…

  • 07:30 | Chủ Nhật, 14/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, huyện Lệ Thủy lại náo nức tổ chức lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống mừng Tết Ðộc lập, dòng Kiến Giang hiền hòa lại âm vang tiếng mõ, tiếng hò reo, tiếng mái dầm cuộn sóng. Với người dân quê lúa Lệ Thủy, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã thực sự đi vào tiềm thức, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời, sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây.
 
Sẵn sàng "dậy sóng" đò bơi…
 
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là lễ hội văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được tổ chức thường niên vào dịp Quốc khánh 2/9. Năm 2020 và 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lễ hội phải tạm dừng.
 
Năm nay, được Ban Thường vụ Huyện uỷ Lệ Thủy đồng ý chủ trương tổ chức lễ hội, các địa phương trên địa bàn huyện đang tất bật, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực để tham gia lễ hội và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội dịp 2/9.
lễ hội
       Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.   Ảnh: Đức Thành
Từ giữa tháng 7, xã Tân Thủy đã làm lễ hạ thủy thuyền bơi của địa phương để chuẩn bị tham dự lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Là một trong những đơn vị đầu tiên ở huyện Lệ Thủy làm lễ hạ thủy thuyền bơi, bởi vậy ngay từ sáng sớm, dọc hai bên bờ sông Đâu Giang, đông đảo người dân địa phương đã có mặt để chứng kiến sự kiện quan trọng này.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Trần Văn Lương hồ hởi cho biết: Sau hai năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay, địa phương tiếp tục tham gia lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Tân Thủy không đóng thuyền bơi mới mà sử dụng thuyền bơi đã đoạt giải nhất từ năm 2019 để tham gia lễ hội. Các trai bơi đã được địa phương tuyển chọn từ đầu tháng 7 và sẽ tích cực tập luyện, bắt đầu từ ngày 15/8…
 
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tân Thủy, mới đây, đội bơi thuyền nam của xã vinh dự được huyện Lệ Thủy cử về tham dự Đại hội Thể dục-Thể thao cấp tỉnh. Tuy chưa giành được giải cao, nhưng đội bơi đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với sự cổ vũ nhiệt tình của người dân…
 
“Nguồn lực huy động cho thuyền bơi của địa phương chủ yếu được trích từ nguồn đóng góp của nhân dân và con em quê hương làm ăn xa, xã hội hóa. Quan điểm của địa phương là tham dự lễ hội để duy trì nét văn hóa truyền thống và tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con nhân dân nhân mừng Tết Độc lập…”, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Trần Văn Lương cho biết thêm.
 
Thôn An Xá (xã Lộc Thủy), quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những ngày này không khí thật rộn ràng, tất bật. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị tham gia lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã cơ bản hoàn tất.
 
Trưởng thôn An Xá Trần Hữu Hùng bộc bạch: Ngay từ đầu tháng 7, thôn đã mua gỗ, chọn ván, thuê thợ từ huyện Tuyên Hóa vào đóng thuyền mới để tham dự lễ hội. Từ năm 2000 đến nay, thuyền bơi An Xá đã 5 lần về nhất tại lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, lần gần đây nhất là năm 2012. Hy vọng năm 2022 này, tròn 10 năm trở lại, thuyền bơi làng An Xá sẽ tiếp tục gặt hái được quả ngọt để xứng danh là quê hương Đại tướng.
 
“Thuyền bơi An Xá được đóng bằng gỗ dỗi với kinh phí đóng mới khoảng hơn 190 triệu đồng. Các trai bơi trong làng cũng đã được chọn lựa kỹ càng để tham gia tập luyện. Dự kiến ngày 15/8, thuyền bơi An Xá sẽ hạ thủy để tham gia lễ hội…”, trưởng thôn An Xá Trần Hữu Hùng cho biết thêm.
 
Lễ hội năm nay có gì mới…
Các thuyền bơi bắt đầu tập luyện để tham gia lễ hội.
Các thuyền bơi bắt đầu tập luyện để tham gia lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thị Hồng Thắm cho biết: Lệ Thủy luôn tự hào là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ xa xưa và đã được ông cha truyền lại cho con cháu. Ban đầu, lễ hội được tổ chức như một nghi thức để cầu cho mùa màng bội thu, thóc gạo đầy bồ, mưa thuận gió hòa… Về sau, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9, bà con huyện Lệ Thủy lại nô nức tổ chức lễ hội để mừng Tết Độc lập.

Theo Ban Tổ chức lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, tính đến cuối tháng 7/2022, đã có 24 thuyền bơi nam của 19 thôn và 5 xã, 8 thuyền đua nữ của 3 xã đăng ký tham gia lễ hội. Các địa phương có thuyền bơi, đua tham dự nhiều, như: Xã An Thủy (5 thuyền bơi, 4 thuyền đua), Xuân Thủy (6 thuyền bơi)…

Năm nay, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang sẽ có nhiều điểm mới: Kinh phí hỗ trợ cho các thuyền bơi sẽ tăng lên, huyện Lệ Thủy hỗ trợ 20 triệu đồng/thuyền bơi nam, 20 triệu đồng/thuyền đua nữ. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/thuyền đua nữ  lần đầu tham gia lễ hội.
 
 “Khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức lễ hội năm nay đó là nguồn kinh phí địa phương còn quá hạn hẹp, phải thực hiện nhiều phần việc nên rất cần sự hỗ trợ của tỉnh. Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách thập phương đến địa phương dự kiến sẽ đông, tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện, các khâu dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch sau một thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã xuống cấp, ngừng hoạt động, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng lễ hội năm nay…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thị Hồng Thắm cho biết.
Bên cạnh đó, từ nguồn lực xã hội hóa, Công ty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng/thuyền bơi nam, 20 triệu đồng/thuyền đua nữ và cơ cấu 100 triệu đồng dành cho giải thưởng. Mặt khác, các năm trước, trong khuôn khổ lễ hội, lễ diễu hành biểu dương lực lượng chỉ tổ chức sau lễ khai mạc vào sáng 2/9. Nhưng năm nay, huyện Lệ Thủy sẽ tổ chức lễ diễu hành làm hai đợt (chiều 1/9, sáng 2/9). Lễ hội năm nay cũng sẽ được truyền hình trực tiếp riêng trên sóng Đài PT-TH Quảng Bình.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thị Hồng Thắm khẳng định: “Người Lệ Thủy các dịp khác có thể không về quê, nhưng ngày 2/9 mừng Tết Độc lập, dù ở đâu xa ngái họ cùng tìm mọi cách trở về quê hương để xem lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang. Từ đầu tháng 7, tháng 8 dương lịch, người dân ở Lệ Thủy khắp nơi đều rạo rực, hối hả chuẩn bị thuyền bơi và tập luyện cho trai bơi, gái đua. Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy; chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây…”.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Ấm no nhờ lúa nếp than

(QBĐT) - Những năm gần đây, người dân xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đưa giống lúa nếp than vào canh tác trên ruộng lúa nước. Qua thời gian, lúa nếp than cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên phát triển tốt, năng suất, hiệu quả ngày càng tăng. Nhờ trồng lúa nếp than nên nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều có cuộc sống ấm no…

Nặng lòng với quê hương

(QBĐT) - Dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo (SN 1954), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là một trong những người con Quảng Bình thành danh ở vùng đất nghìn năm văn hiến.

Điêu khắc trẻ Quảng Bình và hành trình sáng tạo mới

(QBĐT) - Mỹ thuật Quảng Bình ngày càng phát triển về bề rộng và chiều sâu, gặt hái nhiều thành công với các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và tư tưởng cao qua nhiều triển lãm, trại sáng tác khu vực Bắc miền Trung, cả nước và quốc tế. Nhiều nghệ sĩ đã vượt ra khỏi giới hạn mang tính địa phương trong sáng tạo, bản lĩnh tham gia vào đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại. Đặc biệt, ở lĩnh vực điêu khắc, nhiều tác phẩm được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.