Giữ xanh rừng ven biển

  • 16:15 | Thứ Sáu, 08/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình có hơn 116km bờ biển với tiềm năng và thế mạnh riêng có nhưng cũng đặt ra cho địa phương nhiều thách thức, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, chống cát bay, cát chảy, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai ở vùng ven biển. Và một trong những giải pháp hết sức quan trọng, căn cơ phải kể đến, đó là giữ xanh cho được những diện tích rừng ven biển.
 
Lá phổi xanh
 
Vùng ven biển Quảng Bình có diện tích 24.365ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, đất có rừng là gần 19.192ha (hơn 236ha rừng tự nhiên, gần 9.241ha rừng trồng, hơn 9.714ha rừng trồng chưa bảo đảm tiêu chuẩn thành rừng), đất chưa có rừng 5.173,13ha, thuộc địa giới hành chính 29 xã của TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy; trong đó có 19 xã giáp biển và 10 xã có địa hình chủ yếu là đất cát tiếp giáp các xã ven biển.  
 
Theo quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt thì diện tích 24.365ha rừng và đất chưa có rừng ven biển được phân theo quy hoạch ba loại rừng cụ thể như sau: Rừng phòng hộ hơn 3.460ha; rừng sản xuất gần 14.839ha; ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 6.065ha. Phân theo loại đất, loại rừng thì đất có rừng hơn 19.191ha (rừng tự nhiên hơn 236ha; rừng trồng hơn 18.849ha); đất chưa có rừng là hơn 5.173ha.
Một góc khu rừng trâm bầu cổ thụ rộng hơn 150ha thuộc thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch).
Một góc khu rừng trâm bầu cổ thụ rộng hơn 150ha thuộc thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch).
Diện tích rừng ven biển của Quảng Bình nằm trải dài trên khắp các địa phương có bờ biển và thực sự là lá phổi xanh trong bảo đảm môi trường sinh thái, phòng hộ.
 
Ở khu vực phía Bắc của tỉnh, thuộc huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và TX. Ba Đồn có dải rừng ven biển hẹp, chủ yếu là phi lao trên 15 tuổi, gần bờ biển, phát triển tương đối tốt, tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ, ngăn chặn biển xâm thực, che chắn gió bão cho các khu dân cư.
 
Đặc biệt, bên cạnh diện tích rừng trồng kinh tế vẫn còn một số diện tích rừng tự nhiên rất quý. Điển hình là khu rừng trâm bầu cổ thụ rộng hơn 150 ha thuộc thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), là lá phổi xanh được dân làng bao đời xem như "báu vật", đề ra cả "hương ước" để bảo vệ. Rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình hiện vẫn giữ nguyên thảm thực vật, vô cùng phong phú với vô số gốc cổ thụ to khỏe.
 
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, thông qua các dự án, nguồn vốn đầu tư bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ven biển, từ năm 2015-2020, toàn tỉnh đã khoán bảo vệ rừng phòng hộ 17.236 lượt ha; trồng rừng hơn 1.718ha; chăm sóc rừng trồng hơn 1.492ha. Tổng vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn 2015-2020 là hơn 98 tỷ đồng.
Ở khu vực ven biển phía Nam, thuộc TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có địa hình tương đối rộng, nhiều cồn cát cao, xen lẫn vùng trũng thấp ngập nước vào mùa mưa nên rừng trồng ven biển chủ yếu là keo các loại, phi lao thấp, thưa, nhiều chỗ chưa bảo đảm tiêu chuẩn thành rừng. Rừng và đất lâm nghiệp khu vực này chủ yếu do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình (nay là Ban Quản lý khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong) quản lý.
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: Rừng ven biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo vệ môi trường; có chức năng phòng hộ chống cát bay, cát chảy, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế biến đổi khí hậu. Mặt khác, tạo cảnh quan, điều tiết nguồn nước, khí hậu, hạn chế biển xâm thực, bảo vệ khu dân cư, canh tác nông nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển (KT-XH) và củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển.
 
Giữ màu xanh cho rừng
 
Loại rừng ven biển ở Quảng Bình chủ yếu là rừng trồng với mục đích phòng hộ, gồm các loài cây như phi lao, keo lá tràm, keo lưỡi liềm trồng trên cát, thông, bạch đàn, keo lai và một số loài cây khác. Cùng với sự phát triển của cả nước, trong những năm qua KT-XH vùng ven biển Quảng Bình có bước phát triển mạnh.
 
Có một thực tế là, do nhu cầu đất để phát triển KT-XH nên một số khu vực, diện tích rừng ven biển đã rà soát, bóc tách, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH khu vực ven biển, mở rộng các khu đô thị, khu dân cư, triển khai thực hiện các dự án đầu tư... Các dự án xây dựng khách sạn, nghỉ dưỡng, tổ hợp du lịch vui chơi giải trí, khu dân cư, khu đô thị, trung tâm điện gió… được cấp phép đầu tư và xây dựng, cũng phần nào gây ảnh hướng tới công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tất cả những điều này đã làm cho diện tích rừng ven biển giảm đáng kể.
 
Thống kê của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ năm 2015 đến tháng 10/2021, trên địa bàn khu vực ven biển có 103 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển KT-XH với tổng diện tích đất lâm nghiệp đề nghị chuyển đổi là gần 1.375ha, trong đó có 89 dự án đã thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích gần 936ha và 14 dự án đang thực hiện thủ tục chuyển đổi rừng.
 
Diện tích rừng ven biển giảm so với trước do nhu cầu phát triển KT-XH là một tất yếu không chỉ riêng ở Quảng Bình mà là thực trạng chung của các địa phương có rừng ven biển. Vấn đề hiện nay là các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần phải bảo vệ thật tốt các diện tích rừng ven biển còn lại thông qua việc thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án; quan tâm trồng rừng thay thế, trồng dặm, trồng mới rừng ở các diện tích đất trống. Mặt khác, thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân ven biển đối với tầm quan trọng của lá phổi xanh này.
        
Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng trên địa bàn các xã ven biển. Hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các chủ rừng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi chặt phá, đào bới cây rừng, đặc biệt là đào bới phi lao làm cây cảnh. Để đối phó với nguy cơ cháy rừng xảy ra, ngay từ đầu mùa khô hàng năm, Chi cục Kiểm lâm đã hướng dẫn các địa phương và các đơn vị chủ rừng tu bổ các công trình PCCCR; bố trí, sắp xếp lực lượng PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; xây dựng phương án PCCCR cấp xã và chủ rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ cháy rừng vẫn xảy ra, tập trung ở khu vực rừng ven biển khu vực phía nam của tỉnh. 
Diện tích rừng ven biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Diện tích rừng ven biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch chia sẻ: Đơn vị đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám cơ sở, tham mưu UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do tính chất của rừng ven biển là không tập trung, nằm phân tán, nhiều khu rừng tiếp giáp với đường giao thông, xen lẫn với khu dân cư, nghĩa địa nên công tác bảo vệ rừng có nhiều khó khăn, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là công tác PCCCR trong những ngày nắng nóng.
 
Tại một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển theo quy hoạch hiện có; xác định vị trí xung yếu để điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, giao các sở, ngành chức năng đề xuất phương án để đầu tư phương tiện, cơ giới hóa PCCCR; bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định phương án kiện toàn và đổi tên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới sang Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và rừng ven biển Nam Quảng Bình. Đây được coi là các giải pháp có tính căn cơ để giữ xanh diện tích rừng ven biển của Quảng Bình trong thời gian tới.
 
Trong những năm tiếp theo, thông qua việc triển khai Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển được thực hiện từ năm 2020 sẽ đầu tư thực hiện quản lý bảo vệ 1.050ha rừng phòng hộ trên cát ven biển và rừng ngập mặn ven sông; trồng mới trên 209ha rừng phòng hộ và rừng ngập mặn ven biển; phục hồi 385ha rừng phòng hộ ven biển, đầu tư xây dựng một số công trình chống xói mòn và hỗ trợ sinh kế cho người dân trong vùng thực hiện dự án.
Anh Tuấn

tin liên quan

Xăng dầu tăng giá, ngư dân "lao đao"

(QBĐT) - Không chỉ xăng, dầu tăng giá kéo theo các chi phí hậu cần tăng mà tình trạng thiếu lao động, giá hải sản xuống thấp, nguồn thủy sản khan hiếm… khiến cho nhiều tàu cá ở Quảng Bình thời gian qua phải chấp nhận nằm bờ dù đang vào vụ đánh bắt chính.

61 doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 8/7, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tổ chức hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình năm 2022.

6 tháng đầu năm có 19.463 lượt khách hàng vay vốn

(QBĐT) - Sáng 8/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ III, năm 2022.