Người Quảng Bình làm báo ở phương Nam
(QBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh-Sài Gòn thân thuộc, gắn bó và đầy “duyên nợ” với quê hương Quảng Bình. Hơn 320 năm trước, người Quảng Bình theo chân Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào phương Nam khai canh, lập ấp, góp sức xây dựng Đồng Nai, Sài Gòn. Lớp hậu thế, trong đó có những nhà báo gốc Quảng Bình làm báo ở phương Nam luôn nỗ lực lập thân, lập nghiệp trên quê hương mới nhưng tấm lòng trung trinh luôn mong ngóng về quê.
Những cây bút cứng trong làng báo
Đường Bùi Đình Túy một con đường lớn ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lần đi qua đường Bùi Đình Túy, những người làm báo gốc Quảng Bình cảm thấy gần gũi và rất đỗi tự hào vì con đường mang tên nhà báo, liệt sỹ Bùi Đình Túy, một người con quê hương Quảng Bình.
Trong làng báo ở phương Nam, người Quảng Bình theo nghề báo khá hùng hậu. Lớp đi trước có nhà báo Cao Xuân Phách, nguyên Tổng Biên tập (TBT) Báo Sài Gòn Giải Phóng; nhà báo, đại tá Phan Thanh Viếng, nguyên TBT Báo Quân khu 7. Bây giờ, cả hai nhà báo “lão thành” đã về hưu, vui thú điền viên cùng con cháu.
Hiện tại, người Quảng Bình “gia nhập” làng báo phương Nam độ chừng bốn chục phóng viên, biên tập viên là những cây bút cứng, gương mặt thân thuộc với bạn đọc cả nước. Ở TP. Hồ Chí Minh có nhà báo Lương Duy Cường, Giang Nam (Báo Người Lao động); Trần Yên, Lạc Phong, Tấn Hiền (Báo Sài Gòn Giải Phóng); nhà báo, đại tá Nguyễn Văn Bắc, TBT Báo Quân khu 7, nhà báo Quỳnh Nhi đầu quân dưới mái nhà chung của đại tá Nguyễn Văn Bắc; Phong Điền (Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh); Trung Sơn, Bích Hà (Báo Công an TP. Hồ Chí Minh); Hồ Văn (Báo VietNamnet); Trương Đức Thuận (Tạp chí Cộng sản); Mỹ Ý (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp); nhà báo, luật sư Kiều Hưng; nhà báo, tiến sĩ Trần Quý....
Kể về nghề báo ở đất phương Nam sẽ thiếu nhiều nếu quên nói đến những nhà báo ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh... Nhà báo Nguyễn Thế Lực, nguyên Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Tây Ninh, nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh. Ở thành phố biển Vũng Tàu, có nhà báo Trương Đức Nghĩa, Phó TBT Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Trên đất mới Bình Dương có nhà báo Phạm Xuân Ngợi, Tổng Thư ký Báo Bình Dương, nữ nhà báo Hồng Thuận và cây phóng sự trẻ Kiến Giang...
Trong làng báo cả nước, bạn đọc biết đến nhà báo Lương Duy Cường không chỉ biên tập viên cao cấp, mà còn là một nhà báo “hai tay thiện xạ” chuyên cả phóng sự lẫn chính luận. Tập phóng sự “Chân Linh kỳ bí” và tuyển tập bình luận thời sự “Cho dân một phần miếng bánh” làm nên tên tuổi cây viết “lão làng” Lương Duy Cường. Nhà báo Lương Duy Cường sinh ra ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Nghiệp quê đeo bám, theo nghề báo mấy chục năm, khi tóc chớm bạc lại kiêm thêm nghề dạy học, truyền kinh nghiệm viết báo cho sinh viên, thế hệ hậu bối.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Bắc, TBT Báo Quân khu 7, vào nghề từ sĩ quan chính trị, trưởng thành từ Sư đoàn 5, đơn vị chủ lực của Quân khu 7. Nhà báo, đại tá Nguyễn Văn Bắc toàn tâm, toàn ý với nghề báo với vai trò TBT Báo Quân khu 7. Nhà báo Phong Điền, cây bút quen thuộc của lĩnh vực hàng không, lao động việc làm, giáo dục-đào tạo... Nhà báo Hồ Văn trưởng thành từ Báo Tuổi trẻ, nhiều năm làm phóng viên thường trú tại TP. Cần Thơ, TP. Vinh. Khi tuổi đã cứng, Hồ Văn đứng chân ở mảng nội chính, báo điện tử hàng đầu Việt Nam-VietNamnet.
Nữ nhà báo Bích Hà bước chân vào nghề bằng những phóng sự, truyện ngắn trên Báo Người Lao Động. Nay Bích Hà neo đậu tại mảng nội chính của Báo Công an TP. Hồ Chí Minh.
Nặng nghĩa với quê hương
Đội ngũ nhà báo người Quảng Bình xông xáo, năng động để tạo chỗ đứng trong làng báo ở đất phương Nam và chung sức, chung lòng làm nhịp cầu nối kết tình đồng đội, đồng hương giữa Quảng Bình và vùng đất quê hương thứ hai của mình.
Hơn 10 năm trước, Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo người Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập. CLB trở thành ngôi nhà chung cho anh em hội viên những người làm báo. 6 thành viên Ban chủ nhiệm CLB là những nhà báo xông xáo, nhiệt tình được anh em hội viên tin cậy giao nặng “nghĩa ân tình” gồm: Trần Yên, Phong Điền, Nguyễn Văn Bắc, Hồ Văn, Kiều Hưng và Bích Hà. CLB đã mở rộng quan hệ, kết nghĩa với CLB Nhà báo Thành Nam (Nam Định), CLB Nhà báo Xứ Nghệ (hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh)...
Những nhà báo trở thành trung tâm nối kết đồng hương, doanh nhân và cầu nối với quê hương Quảng Bình. Nhiều hoạt động của CLB có ý nghĩa thiết thực, được bà con đồng hương đánh giá cao. Trong đó phải kể đến hội nghị kiến kế xây dựng quê hương Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh; trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh, sinh viên, đồng hương Quảng Bình. “Anh em nhà báo luôn đi đầu, có trách nhiệm trong các phong trào từ thiện, xã hội cũng như các hoạt động Hội đồng hương”, luật sư Mai Xuân Bình, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh nhận xét chân tình.
Nhớ lại, những ngày người dân TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành miền Nam thực hiện giãn cách phòng chống đại dịch Covid-19, đội ngũ nhà báo “vận dụng” quyền được đi lại tác nghiệp đã tranh thủ thời gian, ngày đêm vận chuyển hàng hóa hỗ trợ, giúp đỡ bà con đồng hương Quảng Bình. Anh em làm báo cùng Hội đồng hương Quảng Bình luôn có mặt để trợ giúp người dân trong những chuyến bay, tàu hỏa đưa bà mẹ mang thai, người già yếu về quê tránh dịch.
Quê hương Quảng Bình luôn ở trong lòng những người làm báo nơi phương Nam xa xôi. Mỗi khi quê nhà gặp thiên tai, bão lụt, CLB Nhà báo Quảng Bình lại nóng lên với những chương trình kêu gọi quyên góp, tổ chức đoàn cứu trợ về quê giúp đỡ người dân. Cùng với những chuyến xe chở hàng cứu trợ về quê, những sáng kiến của nhà báo trở thành đề tài hay sau mỗi chuyến đi. Nhà báo Lạc Phong, Kiều Hưng, Phong Điền có sáng kiến mua bò giống để giúp bà con phục hồi kinh tế. Nhà báo Lương Duy Cường tặng thuyền máy, máy phát điện để mang ánh sáng đến với đồng bào. Nhà báo Hồ Văn “nặng nợ” với Làng trẻ SOS TP. Đồng Hới, năm trước vận động các nhà hảo tâm mua và trao tặng 10 máy vi tính, tivi, nay đang chuẩn bị chuyển ra cho làng. Nhà báo Trung Sơn gắn chặt với bà con vùng cao hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, mỗi năm, cứ đều đặn không dưới hai lần Trung Sơn cùng các nhà hảo tâm về quê giúp đỡ người dân. Nữ nhà báo Bích Hà lại lặng lẽ công việc vận động kinh phí, tạo nguồn quỹ để trao học bổng cho học sinh, sinh viên Quảng Bình học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.
Và cứ thế, giữa dòng chảy của cuộc sống phương Nam xa xôi, những người làm báo gốc Quảng Bình vẫn luôn hướng về quê hương Quảng Bình. Đó là nơi “chôn nhau cắt rốn” của mỗi người, rồi tự dặn lòng, sẽ có một ngày quay về để làm một điều gì thật có ích cho quê hương.
Trần Yên
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.