(QBĐT) - Tôi là một sợi dây cáp, đúng ra chỉ là một mẩu dây, dài chừng mười cen- ti -mét nhưng có thể kéo dãn ra hơn một mét. Tôi ra đời tại một vùng đầy tuyết trắng ở Bắc Âu. Tình cờ, tôi được ông chủ lựa chọn và cùng chuyến hành trình qua nhiều nước Âu Á, đến tận... một xứ sở xinh đẹp bên bờ Thái Bình Dương có tên là Việt Nam để được kể câu chuyện kỳ lạ sau đây…
*
… Mùa xuân năm 1995, ông Leroy Diener cùng một người bạn tiến hành một chuyến du lịch dài ngày bằng xe đạp xuyên châu lục. Chừng giữa mùa hè thì đến Việt Nam. Hành trình từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng Quốc lộ 1. Đi qua địa phận huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, có thể lúc đang dừng lại uống nước, thì bị mất một sợi dây cáp xe đạp.
Mất một sợi dây, nếu không phải hành trình tiếp theo là đi qua thị xã Đồng Hới và cái trụ sở Công an tỉnh không nằm ngay bên quốc lộ thì có lẽ hai ông Tây kia cũng không ghé vào trình báo! Và, nếu hôm ấy người đàn ông tên Hiệu không đến phiên trực ban cơ quan Cảnh sát điều tra thì có thể câu chuyện cái dây cáp sẽ theo một chiều hướng khác: Tỉnh nhà mới tái lập được sáu năm ngổn ngang bao công việc, có thể huy động cán bộ chiến sĩ tìm cái mẩu dây dài nửa gang tay cho hai ông Tây đang du lịch ngang qua địa bàn (du lịch thực chất là… đi chơi) được chăng?
Nhưng đó là câu chuyện của hai mươi bảy năm trước. Còn bây giờ, mùa hè năm 2022, cái sợi dây lại “lên cơn tự truyện” với những chi tiết sinh động khiến tác giả bài viết này không thể không chép ra đây. Trên mặt giấy không được tốt, chứng minh một thời công nghệ sản xuất giấy còn kém, phía trên có đề chữ in: “VĂN PHÒNG QUỐC HỘI: Kính gửi đồng chí NGUYỄN VĂN HIỆU, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình”. Thư có đóng dấu hỏa tốc. Phần trong bức thư cũng địa chỉ như vậy, có thêm “số nhà 35 Ngô Quyền-Hà Nội-Việt Nam” và cũng kính gửi ông Hiệu… Nội dung thư như sau (nguyên văn):
“Tôi là Trần Quang Việt, chuyên viên vụ đối ngoại, Văn phòng Quốc hội.
Ngày 7 tháng 7 năm 1995, tôi đã nhận được công văn số 204/PC16 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình do đồng chí ký thông báo về việc đã thu hồi sợi dây cáp của người nước ngoài bị mất tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.
Trước hết, xin cảm ơn các đồng chí đã quan tâm giải quyết việc này, theo tôi biết giá trị tài sản không lớn nhưng vì xảy ra đối với người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch nên cá nhân tôi chỉ là người quen hai người khách này trên đường đi công tác, sau khi họ nhờ cũng thấy trách nhiệm giúp đỡ họ và mong muốn các đồng chí giúp đỡ tìm lại vật đã mất để khách luôn giữ ấn tượng tốt về đất nước và con người Việt Nam.
Hiện nay, hai người khách vẫn ở Hà Nội và luôn liên lạc với tôi với hy vọng nhận được sợi dây cáp này. Tôi đã thông báo cho họ là các đồng chí đã tìm thấy và theo nguyên tắc họ phải có những khai báo để nhận lại đồ, xin gửi kèm theo khai báo của ông LeRoy Diener và mong các đồng chí gửi cho họ theo địa chỉ trong tờ khai.
Ông LeRoy Diener cảm ơn các đồng chí và biết là người lấy đã tự ra trả nên cũng mong các đồng chí tha thứ cho anh ta.
Xin chân thành cảm ơn các đồng chí
Trần Quang Việt
Vụ đối ngoại Văn phòng Quốc hội”.
Chúng tôi cũng có trong tay một bản viết tay bằng tiếng Anh của ông LeRoy Diener nhưng không tiện chép ra đây mà chỉ giới thiệu bản dịch qua tiếng Việt (nguyên văn):
“Ngày 7/7/95
Kính gửi: Công an tỉnh Quảng Bình.
Tên tôi là LeRoy Diener. Khi tôi đang ở tỉnh Quảng Bình cùng với một người bạn của tôi thì vào hồi 11 giờ 30 ngày 18/6 tôi bị mất một sợi dây cáp xe đạp. Tôi rất cảm ơn Công an tỉnh Quảng Bình đã tích cực giúp đỡ tôi và tôi cũng đã nhận được tin dây cáp của tôi đã được tìm thấy. Chiếc dây cáp này màu xám bạc dùng cho xe đạp. Đó là một cuộn dây nhỏ, dài hơn 10cm, nhưng có thể kéo dài hơn 1m. Đây là cuộn dây bằng thép bọc nhựa cả hai đầu. Các ông có thể gửi cho tôi càng sớm càng tốt. Địa chỉ ở Hà Nội: Leroy Diener, Bảo Long Hotel, 39 Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn.
T.B: Số hộ chiếu (USA): 691060254.
Tôi sẽ rất phấn khởi nếu nhận được sợi dây cáp đó trong vòng một tuần vì tôi muốn rời Hà Nội và tiếp tục cuộc hành trình”.
Đáng chú ý, ở góc trái phía dưới bức thư này có bút phê: “Trực ban hình sự gửi gấp sợi dây cáp cho LeRoy Diener theo địa chỉ trên. Tiền gửi lấy phiếu để thanh toán. 12/7/95” và chữ kí của ông Hiệu.
Bài viết này không thể kể những chi tiết đã chìm sâu vào thời gian, về việc làm sao những trinh sát có thể tìm được mẩu dây cáp xe đạp, vì đó là nghiệp vụ chuyên ngành mà dung lượng bài báo cũng không cho phép.
Ông LeRoy Diener cùng người bạn đã rời Việt Nam và số phận sợi dây cáp cùng theo ông chủ lang thang đến những nơi đâu, không thể đoán định được. Ông Trần Quang Việt, một cán bộ Văn phòng Quốc hội rất tốt bụng, có tinh thần tự tôn đất nước hiện nay đang nghỉ hưu ở đâu, cũng khó để xác định.
Chỉ biết rằng, ông Nguyễn Văn Hiệu và những cán bộ Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình thời ấy đã làm được một việc (nhỏ?) trong hàng nghìn hàng vạn câu chuyện mà họ đã viết nên trong công cuộc giữ gìn sự bình an cho quê hương. Hãy hình dung, ngày 18/6, có người báo án mất một sợi dây cáp dài…10cm. Cái mẩu dây ấy chưa ai từng nhìn thấy, chưa ai từng nghe nhắc đến. Không hề có một dữ liệu quá khứ hoặc tiền lệ nào cho trinh sát bấu víu điều tra.
Ông Tây kia báo án rằng mất sợi dây ở phía Nam Đồng Hới, chắc là huyện Quảng Ninh. Huyện Quảng Ninh rộng bao nhiêu, dân số bao nhiêu, hướng điều tra về đâu? Nếu ví với chuyện “mò kim đáy biển” hẳn cũng không sai. Và, đâu phải cả tuần cả tháng chỉ mỗi chuyện đi “mò kim” tìm cái sợi dây cáp cho khách du lịch?!
Vậy mà, đúng như nguyên lý điều tra án “Không có vụ án nào lớn, không có vụ án nào nhỏ”. Tất cả đều phải được ứng xử nghiêm cẩn. Sau 19 ngày, từ 18/6 đến 7/7, Công an Quảng Bình đã thông báo tìm được sợi dây, cái sợi dây dài… 10 cm. Rồi cái mẩu dây phải được gửi gấp ra Hà Nội cho chủ nhân của nó tiếp tục lên đường… đi chơi.
Hồi ấy, chưa ai gọi Đồng Hới là thành phố du lịch. Phải mười năm sau, động Phong Nha mới được thế giới công nhận là di sản. Nhưng, cái mẩu dây "trứ danh" này đã ghi điểm cho nền an ninh trật tự của một vùng đất. Mẩu dây cáp 10cm, và, phải sức lực của một trung niên phương tây kéo căng hết sức mới dài ra một mét, nhưng vô hình chung đã kết nối tình cảm của những con người từ vùng đất phương Tây xa xôi, qua Việt Nam gặp anh Việt tốt bụng ở Văn phòng Quốc hội đến vùng đất nắng gió Quảng Bình của những chiến sĩ công an đầy trách nhiệm, làm tiền đề cho một thương hiệu du lịch văn minh và an toàn bây giờ!
Có lẽ, hai mươi bảy năm qua và có thể còn lâu về sau nữa, ở trời Tây xa xôi, bên bàn trà dư tửu hậu, có những người khề khà kể lại câu chuyện về thời trẻ đi du lịch, bị mất một sợi dây, tiện thể báo sự vụ cho nhà chức trách, vậy mà họ cũng tìm lại được và gửi gấp cho mình kịp lên đường, và mình cũng không quên xin tha thứ cho người lấy vì đã tự nguyện nộp lại: Tính nhân văn, lòng tốt và tinh thần trách nhiệm của những người khác màu da chủng tộc đã gặp nhau tại một điểm…
*
… Tôi là một sợi dây cáp, một mẩu dây vô danh như bất cứ sợi dây nào được sản xuất hàng loạt với công năng kéo dãn ra để buộc một đồ vật gì đấy. Tình cờ, tôi được cùng ông chủ hành trình bằng xe đạp xuyên quốc gia, xuyên lục địa đến tận đất nước Việt Nam, ngang qua một địa danh có tên là Quảng Bình rồi cũng tình cờ trở thành “trung tâm chú ý” trong một vụ việc nho nhỏ mà kết thúc rất có hậu.
Thế mới biết, mỗi ngày qua, trong dòng đời bình yên nhưng mạch ngầm của nó còn ẩn chứa bao điều thú vị...
(QBĐT) - Ngày 2/7/2022, huyện Tuyên Hóa sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ của Trạm Thông tin A69 (2/7/1972-2/7/2022) tại Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa.
(QBĐT) - Năm 2016, vợ chồng anh Lê Đình Quả (SN 1981) và chị Lê Thị Thanh Thủy (SN 1984) đã quyết định từ bỏ công việc ổn định với nhiều cơ hội thăng tiến ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Quy Nhơn, Bình Định) để trở về quê vợ trồng rau sạch theo nguyên lý 5 không: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không dư lượng kim loại nặng và không sử dụng giống biến đổi gen.
Tròn 6 năm "quăng quật" cùng đất, vợ chồng anh Lê Đình Quả nay đã xây dựng được trang trại rau sạch An Nông Farm thành một hệ sinh thái đa dạng trên miền đất "khắc nghiệt" Quảng Bình và sản phẩm An Nông đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.