.

Chuyện về một bài "huyện ca"

.
10:47, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/ Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/ Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê/ Bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề/ Ngày xa quê anh không hẹn lại về...”, những ca từ giản dị mà da diết như mời gọi, níu kéo trong ca khúc “Đưa em về Kiến Giang” của nhạc sỹ Xuân Đồng, vốn đã quen thuộc với bao người con xứ Lệ. Nhưng không phải ai nghe, ai thuộc cũng biết nguyên cớ ra đời của ca khúc này.
 
Chiều mồng 3 Tết năm 1986, ngôi nhà nhỏ của Phạm Xuân Đồng ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) đón 2 người cán bộ, một Phó Trưởng phòng Văn hóa, 1 Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Ninh (lúc đó huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh còn hợp nhất) đến vì một việc trọng đại. Vốn là chỗ quen biết, nên những vị cán bộ trên đã đi thẳng đặt vấn đề rằng, sắp tới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân Đặng Bích Hà sẽ về thăm quê. Vì vậy, huyện mong muốn Xuân Đồng sáng tác một bài hát để dành tặng Đại tướng cùng phu nhân.
 
Không phải ngẫu nhiên chàng sinh viên ngành sáng tác âm nhạc Xuân Đồng được tin cậy đến thế. Bởi trước đó, thời điểm đang công tác ở Đoàn văn công Tỉnh đội Bình Trị Thiên, Xuân Đồng đã khá nổi tiếng với nhiều ca khúc và đã có tác phẩm viết về vùng đất xứ Lệ, con sông Kiến Giang đạt giải thưởng âm nhạc lớn. Lời gợi ý “đặt hàng” đã chạm vào trái tim của người nhạc sỹ trẻ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về quê dự hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về quê dự hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Không một chút đắn đo suy nghĩ, Xuân Đồng nhận lời ngay. Chàng thanh niên Xuân Đồng lúc đó mới hơn 30 tuổi, chưa một lần được trực tiếp gặp Đại tướng, mà mới chỉ nghe, chỉ biết, chỉ hiểu “Người Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam-một trong những vị danh tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại ấy qua những câu chuyện và lịch sử. Vì vậy, cũng như bao người dân Quảng Bình, Xuân Đồng cũng thầm mến phục và mang trong tim niềm kiêu hãnh, tự hào về Đại tướng.
 
Sau khi chia tay những vị cán bộ huyện, Xuân Đồng lang thang dạo khắp cánh đồng, rồi ngắm nhìn dòng Kiến Giang, chìm đắm vào những cõi lòng riêng có của mình. Sông Kiến Giang không chỉ là biểu tượng cho một vùng đất, một miền quê, mà còn khơi nguồn cảm hứng cho tình yêu, niềm tự hào về quê hương của người dân xứ Lệ.
 
Xuôi theo dòng sông này chừng dăm ba cây số là nơi chôn nhau cắt rốn của vị tướng huyền thoại. Nghĩa là cũng từ đất này, dòng sông này, Đại tướng đã được sinh ra, lớn lên và quyết chí đi theo tiếng gọi của non sông, của lịch sử. Và giờ đây, sau khi đã hoàn thành trọn vẹn vai trò người lãnh binh của đoàn quân giải phóng, ông “không hẹn lại về” nơi quê hương, bản quán.
 
“Quảng Bình là nhà tôi, lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”, Đại tướng cũng đã từng nhiều lần nói như vậy. Đó cũng chính là ân nghĩa, ân tình của người con xa quê với mảnh đất quê mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn. Nhạc sỹ Xuân Đồng kể: “Sông Kiến Giang có một điều đặc biệt mà ít người phát hiện ra, đặc biệt là những người lạ sẽ không biết nước sông chảy ngược hay chảy xuôi, mà chỉ thấy nó cứ lững lờ. Không hẳn là trôi đi, mà cũng không hẳn là đứng lại. Nó như ngập ngừng, như quyến luyến thân thuộc”.
 
Có những sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên, bỗng chốc trở thành nguyên cớ cho những tác phẩm nghệ thuật. Nguyên cớ ấy phải thật sự đặc biệt và có ý nghĩa lớn lao như thế nào đó, mới có thể khơi dậy, làm bật ra âm điệu và ca từ âm nhạc. Những tò mò “anh-em”, nhân vật trữ tình trong bài hát là ai? Sao không trực tiếp xưng danh người con của sông quê ấy?
 
Đại tướng đã dành tặng cho nhạc sỹ Xuân Đồng một cái ôm hôn sau khi nghe bài hát “Đưa em về Kiến Giang”.
Đại tướng đã dành tặng cho nhạc sỹ Xuân Đồng một cái ôm hôn sau khi nghe bài hát “Đưa em về Kiến Giang”.
Nhạc sỹ Xuân Đồng chia sẻ: “Đại tướng là nhân vật chính, là nguồn cảm hứng và là điểm tựa tư duy của cả bài hát. Nhạc sỹ chỉ là người mượn vai, mượn hình ảnh, mượn con người để nói lên cái ân tình với quê hương. Tình yêu trong đó không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước”.
 
Nhạc sỹ Xuân Đồng cho biết, khi nghe những cán bộ huyện đặt vấn đề, bao nhiêu cảm xúc dồn nén, bao nhiêu tình cảm dành cho Đại tướng và quê hương bấy lâu trong lòng ông bỗng vỡ òa ra. Bởi những nung nấu, dung dưỡng thiết tha với con người ấy, mảnh đất quê hương và cả con sông Kiến Giang này nữa đã nằm sẵn trong trái tim của ông rồi. Vì vậy, khi chiếc “chìa khóa” cảm xúc bật mở, nhạc điệu, ca từ lời hát cứ thế tự nhiên tuôn chảy tràn trên trang giấy. Chỉ 3 tiếng đồng hồ sau, Xuân Đồng hoàn thành bài hát “Đưa em về Kiến Giang”, mà cho đến giờ đây ông chưa hề phải chỉnh sửa một ca từ, nốt nhạc nào.
 
“Đưa em về Kiến Giang”, nghe qua cứ như một lời mời gọi. Lời ca mộc mạc, chân chất, giản dị nhưng da diết, và lắng đọng trong đó là âm hưởng dân gian xuất phát từ gốc rễ hò khoan đối đáp Lệ Thủy. Có ai đó từng nói rằng, cội nguồn, lịch sử của một vùng đất đều bắt nguồn từ những con sông. “Bao nhiêu hạt phù sa quê ta...” đó đã vượt qua bao thăng trầm của núi sông cùng khe suối, thầm lặng vun đắp nên hình hài, vóc dáng của quê hương, hóa thân vào “dòng sữa mẹ”, để nuôi dưỡng con người của mảnh đất, trong đó có anh, em và chúng ta.
 
Định ngữ “Kiến Giang ơi! Dòng Kiến Giang/ Rằng quê anh đây là quê mẹ”, là một sự khẳng định cho mạch nguồn cảm hứng ấy. Càng về cuối bài hát, tình người, tình yêu, tình quê càng khó phân biệt rạch ròi, mà tất cả như đã hòa vào nhau làm một. Cũng chính sự giản dị phiếm chỉ ấy, mà từ lâu bài hát đã trở thành ca khúc “truyền thống”, là bài “huyện ca” nổi tiếng của vùng đất xứ Lệ này.
 
Trong một lần nhân dịp sinh nhật Đại tướng, nhạc sỹ Xuân Đồng đã đến nhà riêng trực tiếp hát cho Đại tướng nghe bài hát “Đưa em về Kiến Giang” để tỏ lòng tri ân của người con quê hương xứ Lệ đối với ông. Sau khi nghe xong bài hát, Đại tướng ngỏ lời muốn tặng cho tác giả một "món quà".  "Và tôi đã xin Đại tướng một cái ôm. Đó là món quà đặc biệt mà tôi mãi mãi không bao giờ quên!", nhạc sỹ Xuân Đồng xúc động chia sẻ.
 
Dương Công Hợp
,
  • Trưng bày triển lãm kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an nhân dân, Thư viện Quân đội và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề "Vị tướng huyền thoại."

    21/08/2021
    .
  • TP. Đồng Hới: Hỗ trợ xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, tổ dân phố

    (QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới có 139/140 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (NVH); trong đó, 54 NVH đạt chuẩn, bảo đảm phục vụ các nhu cầu hoạt động của khu dân cư, 85 NVH cần xây dựng mới (gồm: 60 NVH không đạt tiêu chí từ 100 chỗ ngồi trở lên, 25 NVH do xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp).
    20/08/2021
    .
  • VTV sản xuất chương trình 'Ý niệm yêu thương' nhân mùa Vu lan đặc biệt

    Các chuyên gia lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa sẽ hé lộ truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mùa Vu lan, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

    19/08/2021
    .
  • Đến với "Tình ca mùa đông" của Trần Đình

    (QBĐT) - "Tình ca mùa đông" là tập thơ đầu tiên của Trần Đình (NXB Thuận Hóa). Thú thực, vừa mới nghe tên tập thơ tôi chưa thật ưng ý cho lắm.

    18/08/2021
    .
  • Triển lãm trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 22-8, Trung tâm tổ chức trưng bày triển lãm trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mang tên "Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại".

    17/08/2021
    .
  • Ngôi nhà của mẹ

    (QBĐT) -  Che suốt đời người vẫn một mái nhà tranh
    Mái tranh bạc che mái đầu tóc bạc
    16/08/2021
    .
  • Ráng chiều

    (QBĐT) - Góc ảnh đẹp

    15/08/2021
    .
  • "Hương âm bất cải"

    (QBĐT) - Cuối năm 1991, tròn 80 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức nghỉ việc trên chính trường. Mùa xuân năm sau, năm 1992, ông về thăm quê 21 ngày, làm việc với cấp ủy, chính quyền tỉnh và các huyện, thị, nói chuyện với cán bộ, nhân dân các địa phương. 

    15/08/2021
    .