.

Nhớ những lần được gặp Đại tướng

.
13:47, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Đối với cán bộ, chiến sỹ, người dân Quảng Bình, mỗi lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là kỷ niệm không bao giờ quên. Với tôi cũng vậy. Những lần được gặp Đại tướng luôn là những ký ức nguyên vẹn trong tôi.
 
Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào năm 1959, khi ông về thăm Quảng Bình. Tôi cùng một bạn gái là đội viên thiếu niên Tiền phong của Trường cấp hai Đồng Hải vinh dự được nhà trường cử đi tặng hoa Đại tướng trong buổi ông nói chuyện với bộ đội, nhân dân ở sân vận động Đồng Hới. Dừng ở mấy bậc thang lên khán đài, chúng tôi dâng hoa lên Đại tướng, ông vui vẻ bắt tay và hỏi: “Hai cháu học có giỏi không, có ngoan không?”. Chúng tôi đồng thanh: “Dạ có”. Niềm vinh dự ấy cứ đọng lại mãi trong ký ức tuổi thơ tôi.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, nhất là sau ngày tỉnh nhà tái lập, Đại tướng nhiều lần về thăm quê. Được gặp ông, được nghe ông nói, chúng tôi biết ông luôn quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà và đặc biệt luôn lo lắng đến đời sống của nhân dân mỗi khi địa phương có thiên tai, lũ lụt. Riêng tôi có những kỷ niệm mỗi lần được gặp ông không thể nào quên được.
 
Sáng 28-6-1996, trong phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII có nhiều cán bộ lão thành cách mạng đến dự. Khi thấy Đại tướng bước vào, cả hội trường đứng dậy vỗ tay như sấm dậy. Giờ giải lao, tôi nói với anh Lê Công Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tranh thủ lên gặp ông để xin ý kiến về việc trùng tu, tôn tạo ngôi nhà của Đại tướng và làm nhà lưu niệm theo chủ trương của tỉnh. Vẫn nụ cười hiền lành, bàn tay ấm áp, ông vui vẻ bắt tay chúng tôi. Vừa lúc đó, ông Tố Hữu ngồi cạnh ông đứng dậy, Đại tướng chỉ vào chiếc ghế trống nói với tôi: “Anh ngồi đây”.
 Tác giả (bên trái ảnh) được tiếp chuyện Đại tướng trong một lần Người về thăm quê.
Tác giả (bên trái ảnh) được tiếp chuyện Đại tướng trong một lần Người về thăm quê.
Nghe tôi trình bày xong, ông nhắc đến một vài kỷ niệm về ngôi nhà tuổi thơ. Ông nói rõ vị trí, chất liệu vật dụng của ngôi nhà từ phòng thờ, phòng khách, phòng ngủ có cái gì, đặt ở đâu. Ngoài hiên có liếp cửa che nắng đan bằng tre. Ngoài sân có cây khế, lũy tre phía đông bên hồi từng gắn bó tuổi thơ ông như thế nào. Một vị tướng suốt đời xông pha trận mạc vẫn luôn nhớ nơi "chôn nhau cắt rốn", về ngôi nhà của tuổi ấu thơ.
 
Ông cảm ơn tỉnh, huyện đã quan tâm nhưng không quên nhắc nhở, quê hương đang còn nghèo, sau này có làm tùy theo khả năng, đừng làm to quá. Giờ giải lao nhanh chóng trôi qua, ông bắt tay tạm biệt và không quên gửi lời thăm hỏi sức khỏe đến các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Gần 15 phút trong giờ giải lao của phiên khai mạc Đại hội VIII của Đảng được ngồi bên ông, được nghe ông nói đối với tôi là những giây phút thật hạnh phúc.
 
Tháng 8-1999, Đại tướng về thăm quê dài ngày nhất. Đó là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 88 của ông. Lần đó, tôi được lãnh đạo tỉnh phân công phục vụ Đại tướng trong những ngày ông lưu lại ở Quảng Bình. Sáng hôm đó, tôi ra khách sạn Phong Nha, đang đứng ở phòng lễ tân thì gặp Nguyễn Thị Thu Hồng, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đi theo đoàn để làm bộ phim dài tập về Đại tướng.
 
Thu Hồng vốn là bạn học khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội về Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội có nhiều năm làm phim về Đại tướng. Hai anh em đang nói chuyện thì Đại tướng từ tầng trên bước xuống. Thấy Hồng đang nói chuyện với tôi, Đại tướng vui vẻ: “Cô Hồng lại có bạn rồi”. Hồng vui vẻ, như cố ý thanh minh: “Anh Dũng, Phó Chủ tịch tỉnh là bạn học ở Hà Nội”. Đại tướng cười: “Thì bạn học có ai nói bạn gì đâu”. Một câu nói vui, giản dị của ông đã xóa đi sự rụt rè, tôi thấy mạnh dạn hơn để làm tốt công việc được giao.
 
Chương trình hôm đó, Đại tướng ra thăm huyện Quảng Trạch. Anh Huyên, thư ký của Đại tướng bảo: “Anh Dũng lên xe ngồi cùng với Đại tướng để có gì Đại tướng hỏi”. Phía trước là anh lái xe, anh Huyên, tôi ngồi bên Đại tướng ở ghế sau. Trong đời tôi chưa lần nào được hạnh phúc lớn lao đến thế. Suốt cả chuyến đi, Đại tướng hỏi nhiều chuyện, chuyện về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, chuyện sinh hoạt của nhân dân. Xe đến dốc Lộc Đại, Đại tướng hỏi: “Đây là Hữu Cung phải không”.
 
“Dạ”-Tôi thật bất ngờ, cái tên Hữu Cung của làng Lộc Ninh có từ xa xưa mà ông vẫn còn nhớ. Đến cầu Lý Hòa, ông hỏi: “Kia là làng Lý Hòa phải không?” Tôi trả lời: “Dạ phải”. Nhìn cảnh sông nước trên bến dưới thuyền ông nói với anh Huyên: “Lý Hòa xưa buôn bán giỏi lắm” rồi quay sang hỏi tôi: “Bây giờ còn đi buôn không”, tôi đáp: “Dạ, bây giờ bà con vẫn còn, mà buôn to”. Ông cười: “Đi buôn cũng là một nghề, phi thương bất phú mà”.
 
Xe xuống đèo, ông hỏi: “Kia có phải bãi Đá Nhảy không?”. Tôi trả lời: “Dạ phải”. Xe đến địa phận xã Thanh Trạch, nhìn thấy tàu thuyền đậu san sát dưới sông ông vui lắm hỏi. “Tàu thuyền của bà con mình cả à?”. Tôi thưa: “Dạ, của nhân dân ở các xã quanh đây cả”. Đại tướng lại hỏi: “Nhưng không thấy nhiều tàu to, anh nói với tỉnh động viên, giúp đỡ bà con đóng tàu thuyền to mới ra khơi xa được”. Lần đó, nghe ông nói vậy tôi chỉ biết “vâng, dạ” nhưng nghĩ lại trong câu nói tưởng như bình thường ấy là cả một tư tưởng chiến lược về phát triển biển lâu dài ông luôn quan tâm.
 
Đến đầu cầu Gianh thấy các anh ở Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch đến đón, Đại tưởng bảo dừng xe rồi xuống đi bộ một đoạn cùng với các anh lãnh đạo huyện đến bờ bắc. Bà con hai bên cầu và cả những người đi đường thấy vậy cũng ùa đến để được thấy thật gần vị Đại tướng của nhân dân.
 
Tại cơ quan Huyện ủy, trong buổi gặp mặt cán bộ chủ chốt huyện Quảng Trạch, sau khi nghe huyện báo cáo tình hình, ông nói chuyện, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo huyện phải đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng huyện Quảng Trạch giàu mạnh, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của một huyện to ở phía bắc tỉnh.
 
Lúc ra về, lãnh đạo huyện cho xe chạy theo tiễn. Đến giữa cầu Gianh, Đại tướng bảo dừng xe, ông bước xuống bảo các đồng chí lãnh đạo huyện: “Tiễn đến đây thôi, còn phải về làm việc” rồi như nhớ ra điều gì ông tiếp: “Chúng ta cùng chụp một kiểu ảnh kỷ niệm chứ”. Cả đoàn quây quần, vui vẻ bên ông. Đó là tấm ảnh mà sau này mỗi lần nhắc đến, các đồng chí lãnh đạo huyện Quảng Trạch không quên được khoảnh khắc lưu lại trên cầu Gianh lịch sử.
 
Sáng hôm sau, đúng sinh nhật lần thứ 88 của Đại tướng nhưng ông quyết định đi thăm Trường THPT Đào Duy Từ. Tôi đến khách sạn Phong Nha khá sớm để kiểm tra lại các công việc chuẩn bị của bộ phận văn phòng. Đúng 7 giờ, đã thấy Đại tướng xuống phòng lễ tân. Theo chương trình, hôm đó, anh Lê Công Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy ăn sáng cùng đoàn nên tôi ở phòng ngoài lo thu xếp công việc.
 
Khi mọi người bước vào phòng ăn, thấy tôi đứng ở cửa, Đại tướng bảo: “Cùng vào ăn chứ” rồi ông quay sang bảo Thu Hồng: “Cô Hồng sao không bảo bạn vào, thiếu chu đáo quá”. Biết Đại tướng trêu Thu Hồng nhưng tôi thật sự cảm động trước sự quan tâm của Đại tướng.
 
Đến Trường THPT Đào Duy Từ, các thầy, cô giáo và hàng trăm học sinh đã tề tựu đông đủ, sân trường ngập tràn cờ hoa. Sau khi ổn định tổ chức, hiệu trưởng nhà trường lên phát biểu chúc mừng Đại tướng đến thăm trường và mừng sinh nhật ông. Đúng ra là sinh nhật lần thứ 88 không hiểu sao, lúc đó, anh cảm động quá lại nói chúc mừng Đại tướng nhân dịp sinh nhật lần thứ 84.
 
Chúng tôi ngồi dưới sợ thót cả tim, không ngờ khi lên phát biểu với thầy, cô giáo và học sinh toàn trường, Đại tướng vui vẻ nói: “Tôi rất phấn khởi được thầy trò nhà trường cho tôi trẻ lại 4 tuổi”. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, sân trường rộn lên tiếng cười vui vẻ.
 
Cũng trong buổi gặp mặt hôm ấy, Đại tướng chỉ một học sinh ngồi ở hàng đầu đứng dậy hỏi: “Cháu có biết phá Hạc Hải nằm ở đâu không”. Em học sinh lúng túng tay cứ gãi đầu, Đại tướng cho ngồi xuống rồi quay lại các thầy, cô giáo nhắc nhở: “Bên cạnh việc dạy các bộ môn văn hóa nói chung, các cô, các thầy nên dạy học sinh biết địa lý, lịch sử của địa phương để các cháu yêu quý quê hương của mình hơn”.
 
Tôi nhớ lần về quê trước, khi Đại tướng ra thăm nhân dân xã Quang Phú, dưới tán rừng phi lao vi vu gió mát, nắm chặt hai bàn tay chai sạn của mẹ Nghèng, ông cảm động nói đại ý rằng, nếu không có chiến tranh, không trở thành vị tướng cầm quân, ông cũng muốn làm người đi trồng cây để chắn cát cho quê hương. Bài học về trồng cây và lần này là bài học sâu sắc về "trồng người", tình cảm ông đối với quê hương sao mà sâu nặng thế.
 
Ngày thứ ba về quê hương Lệ Thủy, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đón ông chật cứng con đường trung tâm huyện. Trước hết, ông lên Nghĩa trang liệt sỹ huyện ở xã Mai Thủy thắp hương cho ông bà thân sinh và các liệt sỹ yên nghỉ tại đây. Nhiều lần quen thấy hình ảnh ông tươi cười trước các yếu nhân, các nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước trên truyền hình, lần này được thấy nét mặt ông như cố kìm nén những giọt nước mắt trước hương hồn hai cụ thân sinh và các liệt sỹ trong nghĩa trang, chúng tôi không ai tránh khỏi bồi hồi xúc động.
 
Về ngôi nhà thân thuộc ở An Xá, nghỉ được một lúc, ông ra thăm chùa An Xá và trồng cây lưu niệm nơi di tích lịch sử tổ chức hội nghị cán bộ Đảng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Về quê nhiều lần nhưng lần này được dài ngày, ông quyết định nghỉ lại trong ngôi nhà thân thuộc của mình.
 
Đêm đó, huyện tổ chức liên hoan văn nghệ hò khoan Lệ Thủy, một điệu hò quen thuộc với ông từ thuở ấu thơ, ngay trong sân nhà Đại tướng. Bà con trong thôn được tin kéo đến chật sân và trước ngõ. Ông ngồi trước hiên nhà vỗ tay theo nhịp hò, thỉnh thoảng lại hòa cùng bà con xố khoan. Sông nước Kiến Giang đêm ấy sao mà bình yên đến thế!
 
Lần cuối cùng tôi được gặp Đại tướng là vào ngày 31-3-2009, khi được cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu đi thăm các tỉnh phía Bắc. Nguyện vọng của đoàn khi rời Hà Nội là được vào thăm và chúc sức khỏe Đại tướng. Được ông cho phép, chúng tôi phấn khởi lắm. Các anh trong đoàn nhiều lần được gặp ông, nhưng lần này khi ông đã gần trăm tuổi, mọi người không khỏi bồi hồi xúc động.
 
Khi ông bước vào, mọi người đứng dậy, ngạc nhiên vì thấy Đại tướng bước đi vẫn khỏe. Ông vui vẻ hỏi chuyện các anh lớn tuổi trong đoàn như anh Trần Đình Luyến, Lại Văn Ly, Trần Dzụ... và khi nhìn thấy anh Lê Công Minh và một số anh em trẻ trong đoàn, ông vui vẻ nói đùa: “Trẻ thế mà đã nghỉ hưu à, nghỉ hưu nhưng không phải không làm việc đâu đấy”. Nghe câu nói vui của Đại tướng, suốt chặng đường về, chúng tôi cứ suy ngẫm mãi.
 
Ngày 4-10-2013, Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng ông vẫn sống trong lòng người dân cả nước nói chung và nhân dân quê hương Quảng Bình nói riêng. Kỷ niệm những lần được gặp Đại tướng với tôi không thể nào quên.
 
TS. Phan Viết Dũng
,
  • Trao công trình thanh niên "Sân chơi cho thiếu nhi" tại Trường mầm non bản Trung Sơn

    (QBĐT) - Huyện đoàn Quảng Ninh vừa tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Sân chơi cho thiếu nhi" tại Trường mầm non bản Trung Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

    24/08/2021
    .
  • Ước nguyện về một thành phố xanh…

    (QBĐT) - Trong những ngày về thăm quê hương Quảng Bình vào năm 1999, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành nhiều thời gian để thăm Đồng Hới. Mỗi khi trao đổi với cán bộ cốt cán hay những buổi trò chuyện cùng với Nhân dân, Đại tướng đã nhắc nhở, bày tỏ tâm nguyện tha thiết là Đồng Hới chú trọng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp.

    24/08/2021
    .
  • Trao tặng đồ dùng thiết yếu cho khu cách ly và Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19

    (QBĐT) - Chiều 23-8, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã đi thăm và trao tặng đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ở khu cách ly Trường cao đẳng Luật miền Trung và Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh.
     
    24/08/2021
    .
  • Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    (QBĐT) - Thời gian qua, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) luôn quan tâm chăm lo đời sống cho đoàn viên (ĐV), người lao động (NLĐ) bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. 

    24/08/2021
    .
  • Kịp thời dập tắt đám cháy tại phường Phú Hải

    (QBĐT) - Chiều nay, 23-8, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã phối hợp với lực lượng tại chỗ tham gia phòng cháy, chữa cháy tại lô đất của chị Võ Thị Thái, ở tổ dân phố Phú Thượng, phường Phú Hải (TP. Đồng Hới).

    23/08/2021
    .
  • Điều chỉnh mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

    (QBĐT) - Ngày 20-8, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 2685/QĐ-UBND về việc điều chỉnh các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

    23/08/2021
    .
  • Những kỷ niệm đặc biệt với Đại tướng

    (QBĐT) - Cho đến bây giờ, sau 38 năm 03 tháng công tác, ngày 1 tháng 3 năm 2021 tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Và ngẫm lại, tôi vẫn thấy điều đặc biệt nhất trong cuộc đời, là đã rất may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng lừng danh, người con của quê hương Quảng Bình yêu dấu.
     
    23/08/2021
    .
  • Hỗ trợ nước tinh khiết và khẩu trang cho người dân xã An Ninh

    (QBĐT) - Ngày 23-8, đại đức Thích Thiền Bình, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Quảng Ninh cho biết, Ban Trị sự Phật giáo huyện vừa trao nước tinh khiết và khẩu trang hỗ trợ cho bà con và các trường học trên địa bàn xã An Ninh (Quảng Ninh).

    23/08/2021
    .