.

Ân tình Đại tướng với quê hương

.
14:07, Thứ Hai, 23/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Một ngày đầu tháng Tám, phóng viên Báo Quảng Bình được gặp lại ông Đinh Hữu Cường, nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh trong khoảng 15 năm đầu Quảng Bình trở về địa giới cũ.
 
Trải qua nhiều vị trí công tác ở tỉnh và Trung ương như: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương… ông Cường có nhiều dịp gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, ông đã cung cấp cho phóng viên nhiều tư liệu quý về Người.
Ông Đinh Hữu Cường nhớ lại những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Đinh Hữu Cường nhớ lại những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
1. Tháng 7-1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Những năm tháng mới tái lập tỉnh, việc kiến thiết gần như phải làm lại từ đầu. Giai đoạn 1990-2005, hòa cùng dòng chảy đổi mới đất nước, Quảng Bình phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi” đặt những “viên gạch hồng” đầu tiên cho sự phát triển vượt bậc sau này.
 
Thời điểm tái lập tỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không về dự được. Trong một bức thư gửi quê nhà ngày 26-5-1990, Đại tướng viết: “Từ lúc chia tỉnh chưa về thăm, tôi cũng áy náy lắm, mong đồng bào và đồng chí thông cảm”. Đại tướng căn dặn Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình: “Nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, độc lập suy nghĩ và sáng tạo đồng thời đoàn kết với các tỉnh bạn, rộng ra là tranh thủ đến mức cao sự hợp tác và giúp đỡ của các nước. Dự kiến cho hết những khó khăn, dựa vào dân chúng ta sẽ khắc phục được, vì nhân dân giành những thắng lợi mới”.
 
Ông Đinh Hữu Cường nhớ lại- “Năm 2009, khi tôi là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, cùng với đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương vào thăm Đại tướng tại Viện Quân y 108. Lúc này Đại tướng vẫn đang rất minh mẫn, nhận ra tôi, anh Văn nắm chặt lấy tay, thân mật hỏi: “Chú Cường dạo ni hay về quê không?”. Tôi đáp nhẹ: “Dạ có!”. Đại tướng ân cần: “Lúc nào về lại, cho tôi gửi lời thăm các anh, chị lãnh đạo tỉnh và toàn thể nhân dân. Chú chuyển lời tôi, Quảng Bình phải cố gắng giữ vững đoàn kết nội bộ, động viên nhân dân đoàn kết, xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh gương mẫu”.

Lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, mỗi dịp công tác ra Hà Nội đều ghé về 30 Hoàng Diệu thăm gia đình Đại tướng. Quà tặng Đại tướng thường là vài cân khoai deo miệt biển Hải Ninh và năm ba chai dầu tràm chưng cất ở miền núi phía tây Lệ Thủy. Nhận quà quê, Đại tướng vui lắm!

“Nói thăm bác Văn chứ mục đích quan trọng là tranh thủ sự chỉ bảo, định hướng của Đại tướng đối với những quyết sách lớn tại tỉnh nhà. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 5-1996), hàng loạt dự án, công trình trọng điểm dần định hình như: Cảng biển Hòn La, Nhà máy xi măng sông Gianh, cầu Nhật Lệ, sân bay Đồng Hới, khu du lịch Phong Nha, cụm công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, cửa khẩu quốc tế Cha Lo… Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý rất kỹ cho từng công trình, dự án. Cái nào nên làm trước, làm như thế nào, cái nào có lợi cho “quốc kế dân sinh” thì ưu tiên. Phát triển kinh tế phải gắn liền an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt coi trọng yếu tố bảo vệ môi trường”, ông Đinh Hữu Cường nhớ lại.
 
2. Tháng 12-1999, ông Đinh Hữu Cường trở thành Chủ tịch UBND tỉnh. Mặc dù thế hệ cán bộ “cựu trào” trải qua hai cuộc kháng chiến dành hết tâm sức khắc phục vô vàn những cái “thiếu”, “yếu”, “đói” giai đoạn đầu tái lập tỉnh nhưng bước qua năm 2000, Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo. “Làm gì và làm như thế nào để đưa tỉnh nhà phát triển và giảm được đói nghèo? Câu hỏi này đối với Quảng Bình thời điểm đó vẫn khó tìm lời giải”, ông Đinh Hữu Cường chia sẻ.
 
“Một lần tôi đến thăm Đại tướng, hôm đó trời chập choạng tối. Tôi báo cáo vắn tắt tình hình quê hương như mọi lần, nhấn mạnh đến các công trình trọng điểm Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình đang trăn trở. Đại tướng nhẹ nhàng “Chú về nên bàn bạc với anh em lãnh đạo tỉnh quan tâm đến những công trình mang tầm vĩ mô, giúp Quảng Bình phát triển vững chắc dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nên làm cảng biển Hòn La, cửa khẩu Cha Lo. Nếu khó khăn thì mình sẽ giúp thêm tiếng nói. Nhà máy đường lạc hậu, làm ăn thua lỗ, dừng lại là đúng. Phát triển nhà máy xi măng không chọn công nghệ lò đứng, lạc hậu, chú ý đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Về việc cửa khẩu Cha Lo, tôi đã trao đổi với lãnh đạo Chính phủ rồi (sau này ông Đinh Hữu Cường mới biết là Thủ tướng Phan Văn Khải-PV), chú cùng lãnh đạo tỉnh về bàn bạc, thống nhất, tranh thủ sự đồng thuận của các bộ, ban, ngành trung ương”.
 
Xây dựng cảng Hòn La vốn dĩ tập thể lãnh đạo tỉnh thống nhất hạ quyết tâm thực hiện, được Đại tướng “bật đèn xanh” nên về mặt chủ trương xem như đã chốt chắc. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện lại nảy sinh ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt lúc cảng Vũng Áng tại Hà Tĩnh triển khai xây dựng thì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không đưa cảng Hòn La vào trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ông Đinh Hữu Cường tặng hoa chúc mừng Đại tướng nhân dịp Người về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Bình.
Ông Đinh Hữu Cường tặng hoa chúc mừng Đại tướng nhân dịp Người về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Bình.
Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm Quảng Bình, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hòa và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Hữu Cường có buổi làm việc riêng với Chủ tịch nước. Trong buổi làm việc này, vấn đề cảng Hòn La được đưa ra, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thân tình: “Chuyện cũ đừng nhắc lại làm gì nữa, bây giờ ta nói chuyện mới. Về cảng Hòn La, Trung ương chưa làm nhưng có ai cấm tỉnh làm đâu? Tỉnh cứ làm, Trung ương sẽ ủng hộ”.
 
“Tháng 3-2003, lễ khởi công xây dựng cảng Hòn La được tổ chức. Biết tin, Đại tướng vui lắm. Nhân lần ghé thăm của tôi năm đó, anh Văn vỗ vai thân mật, dặn dò: “Các chú giỏi lắm! Nhân đà thắng lợi cảng Hòn La, nên tính đến chuyện lâu dài là phải có cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nâng cấp đường 12A, xây dựng tuyến đường xuyên Á xuyên suốt từ Lào, Đông Bắc Thái Lan về tới cảng Hòn La”.
 
Thêm một công trình mang đậm dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là cầu Nhật Lệ. Ý tưởng xây dựng một chiếc cầu bắc qua sông Nhật Lệ, phát triển TP Đồng Hới tương lai về phía Đông, trở thành một thành phố du lịch biển thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung được nung nấu từ những năm 2000-2001, tuy nhiên lại bị “vướng” vì thiếu nguồn lực.
 
Ông Đinh Hữu Cường kể: “Nhân dịp đồng chí Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT lúc bấy giờ vào công tác, lãnh đạo tỉnh nêu vấn đề này ra. Anh ấy ủng hộ nhưng thực hiện theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Tỉnh làm phần hạ bộ, Bộ GTVT giúp phần trên bằng cách cho khung cầu sắt từ các công trình khác đưa về. Tôi dứt khoát “Không!”. Anh ấy “nới” thêm một bước: “Đồng ý làm cầu bê tông nhưng bề rộng khoảng 4 đến 5 mét, giữa cầu làm chỗ rộng hơn cho ô tô tránh nhau. Chúng tôi vẫn kiên quyết “Không!”. Chủ trương Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cầu Nhật Lệ phải là chiếc cầu vĩnh cữu, hiện đại. Khi mọi thủ tục cơ bản xong, tỉnh báo cáo với Bộ GTVT nhưng Bộ trưởng lúc ấy không đồng ý".
 
“Thêm một lần nữa, chúng tôi phải nhờ Đại tướng. Nghe ý tưởng xây dựng cầu Nhật Lệ, anh Văn vui lắm, bảo: “Lệ Thủy cũng cần làm cầu Kiến Giang, nhưng tôi đồng ý ưu tiên làm cầu Nhật Lệ”. Được Đại tướng nhất trí, chúng tôi trình bày thêm thủ tục bị vướng ở Bộ GTVT, đề nghị Đại tướng giúp một tiếng nói. Đại tướng gật đầu. Để cho chắc, tôi xin Đại tướng viết ít chữ chuyển tận tay Bộ trưởng GTVT. Nội dung bức thư đến giờ tôi vẫn nhớ, Đại tướng hoan nghênh Bộ GTVT giúp đỡ nhiều cho Quảng Bình thời gian qua, bây giờ Bộ cũng nên ủng hộ Quảng Bình làm cầu Nhật Lệ. Cuối thư, Đại tướng nhấn mạnh bằng cách gạch đậm dưới chân mấy chữ “Bộ nên dứt khoát vấn đề này”.
 
Ngày hôm sau, khi làm việc với Bộ GTVT, Bộ trưởng vui vẻ “trách”: “Làm gì mà phải nhờ Đại tướng viết thư!”. Anh em nhìn nhau cười xòa… Thế là dự án cầu Nhật Lệ đã có bước khởi đầu tốt đẹp, để đến tháng 6-2002 thì làm lễ khởi công.
 
Ông Đinh Hữu Cường theo dòng hoài niệm: “Một lần tôi có chuyến công tác sang đất nước Cuba anh em, đến thăm nữ Anh hùng Cuba Melba Hernandez (1921-2014). Sau khi cách mạng Cuba thành công, bà Melba đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền Cuba. Bà là người sáng lập và giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (thành lập năm 1963, tiền thân Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam ngày nay) và từng là Đại sứ Cuba tại Việt Nam…
 
Khi biết ông Đinh Hữu Cường là người Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Melba Hernandez không dấu nỗi bồi hồi, xúc động. Bà kể với ông Đinh Hữu Cường rằng có ba người đã làm thay đổi cuộc đời bà là Fidel Castro, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại Việt Nam, “duyên nợ” với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo bước ngoặt lịch sử thay đổi bà từ một chiến sỹ cách mạng Cuba thành người chiến sỹ quốc tế vô sản, hết lòng vì Việt Nam, đất nước từ lâu bà xem như quê hương thứ hai của mình.

 Hồ An

 
 
,
  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những tình cảm dành cho phụ nữ Việt Nam

    (QBĐT) - Lúc sinh thời, đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị đại tướng tài ba với tài thao lược quân sự lỗi lạc mà còn là người rất quan tâm đến các tầng lớp phụ nữ. Đại tướng luôn dành cho phụ nữ sự quý mến, trân trọng đặc biệt.

    22/08/2021
    .
  • Tượng đài giữa lòng dân

    (QBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, quê hương luôn là nguồn cội thiêng liêng, mà suốt đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang theo. Với Quảng Bình nói chung, Quảng Trạch nói riêng, Đại tướng luôn mong muốn, quê hương ngày càng phát triển, người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.

    20/08/2021
    .
  • Nhớ Đại tướng mùa thu năm ấy…

    (QBĐT) - Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ mùa thu tháng Tám năm Canh Dần 2010, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy, Đại tướng tròn 100 tuổi. Hà Nội ngày ấy, trời xanh ngập tràn nắng và xào xạc lá vàng rơi. 

    20/08/2021
    .
  • Trưởng thành từ những hồi ức tuổi thơ về Đại tướng và quê hương Quảng Bình

    (QBĐT) - Tôi vinh dự được gặp Đại tướng không chỉ một lần mà là bốn lần, vào các năm 1999, 2000, 2002 và 2006. Lần gặp đầu tiên vào năm 1999, tôi chỉ mới 4 tuổi. Ba lần gặp đầu tiên diễn ra ở quê nhà, khi đó, tôi vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên và nghịch ngợm, chưa ý thức được rõ rằng người mình đang ngồi cạnh bên là vị tướng huyền thoại vang danh lừng lẫy.

    18/08/2021
    .
  • Lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Tháng 11-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến về thăm quê 6 ngày (từ ngày 3 đến 8-11-2004). Tôi có vinh dự của một phóng viên được theo suốt chuyến đi này. Lần thăm quê cuối cùng này của Đại tướng đã để lại trong lòng người dân Quảng Bình tình cảm thân thương, sâu nặng.
     
    17/08/2021
    .
  • Học tập tấm gương đạo đức nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai ai cũng rất tôn kính và tự hào, đặc biệt, những người đã và đang đứng trên bục giảng lại càng tự hào hơn vì trước khi trở thành Đại tướng, ông đã từng là một thầy giáo. 

    16/08/2021
    .
  • Ba lần gặp Tổng tư lệnh

    (QBĐT) - Với những người làm công tác văn hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là anh Văn thân thiết. Còn với những người lính chúng tôi, dù đang mặc áo lính hay đã giải ngũ, ông là vị chỉ huy suốt đời, là "ông tướng huyền thoại". Riêng tôi, không bao giờ quên được kỷ niệm ba lần được gặp Đại tướng.
     
    10/08/2021
    .
  • Người lái xe và những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - 10 năm lái xe phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khoảng thời gian quý giá của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Khoa với đầy ắp kỷ niệm về tình đồng hương, đồng chí, đồng đội. Giờ đây, khi nhắc đến những năm tháng không thể quên ấy, ông Khoa lại rưng rưng, xúc động...

    08/08/2021
    .