Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp: "Dồn sức" cho chặng "nước rút"

Bài 3: Kiên trì mục tiêu, linh hoạt giải pháp

  • 06:14 | Thứ Ba, 27/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, bên cạnh những kết quả và tồn tại, hạn chế, có nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt, bám sát thực tiễn, tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm, cấp bách xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, một số địa phương mặc dù nguồn lực hạn chế, nhưng đã kiên trì vượt khó vươn lên, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của cấp trên.
 
 
Bổ sung giải pháp trọng tâm
 
Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ đột phá đã xác định trong nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, một số địa phương đã bám sát tình hình thực tế trên địa bàn, kịp thời xây dựng và bổ sung các giải pháp, ổn định tình hình, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển. Trước năm 2020, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) được biết đến như là “điểm nóng” vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai, với hơn 140 trường hợp vi phạm. Trước tình hình nói trên, tháng 10/2020, Đảng bộ xã Ngư Thủy Bắc đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn xã đến năm 2025.
 
Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Bắc Trần Thị Ngọc Trâm (vốn là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy luân chuyển-PV) cho biết, không phải ngẫu nhiên mà tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai ở xã biển này lại xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp, kéo dài trong nhiều năm như vậy. Bên cạnh sự hiểu biết pháp luật về đất đai của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nguyên nhân cơ bản là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng quản lý đất đai. Công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai thiếu kiên quyết, chưa kịp thời, không đủ tính răn đe, gây bức xúc, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Thực tế nói trên đòi hỏi Đảng bộ xã Ngư Thủy Bắc phải có một chủ trương cụ thể, toàn diện và quyết liệt, nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn xã. Nghị quyết cũng nêu rõ tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi buông lỏng quản lý đất đai của cán bộ (nếu có) nhằm đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp theo quy định của pháp luật.
 
Với các giải pháp quyết liệt đó, qua hơn 1 năm triển khai, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã Ngư Thủy Bắc đã có sự chuyển biến rõ nét. Tiến độ kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho nhân dân được thực hiện đúng quy định. Nếu như trước đây, gần 100% hộ dân ở Ngư Thủy Bắc chưa được cấp GCNQSDĐ nông nghiệp, thì đến hết tháng 6/2022, 5/5 thôn trên địa bàn xã đã được cấp GCNQSDĐ.
 
Để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu địa phương trong giải quyết đất đai, định kỳ hàng tháng, UBND xã tổ chức hợp giao ban, nắm và chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện. Xã Ngư Thủy Bắc cũng đã thành lập tổ phản ứng nhanh để kiểm tra, xử lý và công bố đường dây nóng tiếp nhận tin báo các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
 
Đối với những trường hợp vi phạm trước đó, chính quyền địa đã tiến hành phân loại, lập phương án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Nhờ vậy, trong suốt hơn 1 năm qua, nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm, tái phạm, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai cơ bản được kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn.
“Thời gian tới, trên địa bàn xã có nhiều công trình, dự án lớn đầu tư, do đó, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến đất đai, dự báo sẽ còn phức tạp. Nghị quyết số 02-NQ/ĐU ra đời không chỉ để giải quyết tồn tại, hạn chế trước mắt, mà còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ”, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Bắc Trần Thị Ngọc Trâm cho hay.
 
Không trông chờ, ỷ lại
 
Trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, một số địa phương vẫn còn có tâm lý trông chờ, kỳ vọng vào nguồn lực đầu tư từ cấp trên, nhưng cũng có nhiều địa phương ngay từ đầu nhiệm kỳ đã chủ động chuẩn bị nguồn lực để “dồn sức” hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
 
Nhiệm kỳ 2020-2025, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) lựa chọn mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại là khâu đột phá, tạo động lực cho KT-XH phát triển. Là một địa phương ở vùng bán sơn địa, đời sống và thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông-lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nhỏ lẻ, xã Mai Thủy chọn khâu đột phá nói trên, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế từ việc phát triển các ngành TTCN và ngành nghề nông thôn.
 
Chủ tịch UBND xã Mai Thủy Phan Thanh Hà cho biết: “Trong điều kiện khó khăn của một xã thuần nông, việc lựa chọn khâu đột phá nói trên thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tập thể đảng bộ, chính quyền địa phương, bởi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đòi hỏi rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp, chúng tôi đã cơ bản tính toán, cân đối và tự chủ được nguồn vốn đầu tư từ nội lực địa phương, tránh sự trông chờ, ỷ lại.
 
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã rà soát, tính toán kỹ lưỡng, điều chỉnh, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho các công trình, hạng mục trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH, tránh lãng phí. Chỉ tính riêng trong năm 2022, chúng tôi đã dừng việc đầu tư công trình cải tạo hội trường, mở rộng khuôn viên trụ sở, nâng cấp sân thể thao UBND xã với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để ưu tiên vốn xây dựng công trình chợ chiều Châu Xá, đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán hàng hóa của nhân dân”.
 
Thực tế, trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội Đảng các cấp không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Vấn đề đặt ra lúc này là các địa phương phải kịp thời bổ sung, điều chỉnh linh hoạt các giải pháp thực hiện.
 
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết, hai vấn đề nêu trên của 2 địa phương là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, để hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu đặt ra là tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ quyết tâm, đoàn kết, đồng thuận cao, kiên trì thực hiện, mà còn phải ứng phó linh hoạt với các tình huống phát sinh từ thực tiễn. Nếu thấy vấn đề cấp bách, nổi cộm và chưa phù hợp với thực tế, cần chủ động, linh hoạt bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
 
Còn đối với các địa phương lựa chọn khâu đột phá phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH như xã Mai Thủy cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực đầu tư hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực cho phát triển. Thời gian tới, bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, UBND huyện sẽ xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ để địa phương hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, địa phương cần lồng ghép, phối hợp, tận dụng tối đa nguồn lực các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ của tỉnh, huyện; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đạt thấp, tập trung chỉ đạo giải quyết, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại và phải thực sự dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nội lực sẵn có.
 
2 năm triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp cũng là thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, đã khiến cho việc tổ chức thực hiện các mục tiêu đột phá trong phát triển KT-XH của nhiều địa phương bị “lỡ nhịp”.
 
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương đã lựa chọn và xác định được nhiệm vụ đột phá để phát triển KT-XH. Và giờ đây, khi dịch bệnh đã được khống chế, thời gian còn lại là “thời cơ vàng”, là giai đoạn “nước rút”, để các địa phương thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận những khó khăn, thuận lợi, cũng như tồn tại, hạn chế nhằm điều chỉnh, bổ sung kịp thời, linh hoạt các giải pháp; đồng thời, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. 
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Hội đàm, ký kết biên bản hợp tác Quảng Bình và Chăm-pa-sắc

(QBĐT) - Chiều ngày 26/9, tại TP. Đồng Hới, đoàn đại biểu cấp cao hai tỉnh Quảng Bình, nước CHXHCN Việt Nam và Chăm-pa-sắc, nước CHDCND Lào tổ chức hội đàm và ký kết biên bản hợp tác.

Việt Nam luôn trân trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản

Trong thời gian ở Nhật Bản tham dự Lễ Quốc tang cựu Thủ tướng Abe Shinzo, ngày 26/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Cố Thủ tướng Abe Shinzo: Người đóng góp lớn trong quan hệ Việt-Nhật

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam dự lễ Quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo tại Tokyo, Nhật Bản từ 25-28/9/2022.