Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp: "Dồn sức" cho chặng "nước rút"

Bài 2: "Loay hoay" với mục tiêu đột phá

  • 06:28 | Thứ Hai, 26/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù hầu hết các địa phương đã nhận diện được tiềm năng, lợi thế, nhưng việc tìm ra giải pháp khả thi để phát huy lợi thế, tạo động lực cho phát triển thì không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nên không ít địa phương đang lúng túng, “loay hoay” thực hiện các mục tiêu đột phá về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) cho phù hợp với thực tế.
 
 
Tuyên truyền, vận động và cần thời gian
 
Năm 2020, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) được sáp nhập trên cơ sở 2 xã Trường Thủy (cũ) và xã Văn Thủy. Vì vậy, nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ đầu tiên địa phương này triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ sau sáp nhập. Trước khi sáp nhập, Trường Thủy và Văn Thủy đều có chung tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế vùng gò đồi. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã Trường Thủy xác định, 3 nhóm giải pháp đột phá, trong đó, về kinh tế sẽ phát triển lợi thế vùng gò đồi gắn việc liên kết sản xuất chuỗi giá trị với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
 
Cụ thể, xã Trường Thủy tiến hành quy hoạch lại các loại cây trồng, vật nuôi một cách có hệ thống, mang tính đồng bộ và bền vững cao, từ đó lựa chọn một số sản phẩm để liên kết sản xuất chuỗi giá trị, hình thành sản phẩm đặc sản địa phương.
 
Thế nhưng theo Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình: “Thực tế, việc hoàn thành mục tiêu nói trên trong nhiệm kỳ này rất khó thực hiện được. Xã xác định đây là giải pháp cần thực hiện lâu dài, chứ không thể hiện thực hóa trong ngày một ngày hai. Bởi hầu hết người dân vẫn còn sản xuất theo “kiểu mạnh ai nấy làm”, phát triển manh mún, tự phát. Vừa qua, chính quyền địa phương tổ chức thăm dò ý kiến người dân để quy hoạch 2 khu vực đất rừng sản xuất nhằm hình thành vùng chăn nuôi tập trung, nhưng người dân không đồng ý vì diện tích đất đó thuộc sở hữu của riêng họ, muốn thực hiện phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với chi phí rất lớn. Còn về việc quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn, người dân còn e ngại vì mưa bão. Vì vậy, trước mắt, chính quyền địa phương chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, vận động”.
 
Trái ngược với xã Trường Thủy (Lệ Thủy), xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) lại là địa phương gặp nhiều khó khăn, bất lợi hơn sau sáp nhập. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hóa Trần Kim Tuyến cho biết, Thạch Hóa (cũ) và Nam Hóa đều là 2 xã khó khăn, dân số đông, điều kiện tự nhiên chia cắt, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, diện tích đất đai manh mún; cơ sở hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ, nên sau khi sáp nhập, khó khăn nhiều hơn là thuận lợi.
 
Giai đoạn 2020-2025, xã Thạch Hóa xác định phát triển trồng cây ăn quả, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm làm khâu đột phá. Tuy nhiên, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đến nay, xã Thạch Hóa mới phối hợp với các đơn vị của Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng một số mô hình thí điểm trồng cây ăn quả, như: Cam V2, bưởi Phúc Trạch, bưởi diễn (diện tích 4,5ha).
 
Về chăn nuôi, địa phương cũng đã liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện thí điểm 5 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Nhưng phải đến đầu năm 2023, mô hình này mới triển khai. Trong khi đó, để các mô hình này phát huy hiệu quả thực tế và nhân rộng còn cần thêm vài năm nữa.
Xã biển bãi ngang Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) vẫn chưa có “lời giải” cho bài toán “đột phá” trong phát triển kinh tế.
Xã biển bãi ngang Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) vẫn chưa có “lời giải” cho bài toán “đột phá” trong phát triển kinh tế.
“Vừa qua, xã Thạch Hóa cũng đã tiến hành quy hoạch 2 khu vực chăn nuôi tập trung, hình thành các trang trại chăn nuôi bò, lợn (diện tích 10ha), nhưng qua rà soát, trong số 10ha, hiện có đến 5ha rừng sản xuất, không thể bóc tách để chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì vậy, trước mắt, xuất khẩu lao động vẫn là “trụ cột” chính nâng cao thu nhập cho nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hóa Trần Kim Tuyến cho hay.
 
Điều chỉnh chỉ tiêu vì chưa phù hợp
 
Là một xã biển bãi ngang khó khăn của huyện Lệ Thủy, sau 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ, xã Ngư Thủy Bắc vẫn đang “loay hoay” tìm hướng phát triển kinh tế cho nhân dân. Mặc dù nghị quyết đại hội Đảng bộ xã xác định giải pháp phát triển thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ, du lịch, chế biến, thế nhưng, theo Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Bắc Trần Thị Ngọc Trâm: “Khó tổ chức thực hiện được, vì điểm xuất phát thấp và điều kiện đặc thù của vùng bãi ngang”.
 
Bà Trần Thị Ngọc Trâm cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ đánh giá lại những kết quả đã đạt được, các tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh lại một số chỉ tiêu nhiệm vụ cho phù hợp, vì mục tiêu trong nghị quyết đưa ra “thiếu thực tế”. Ví như, nghị quyết đại hội Đảng bộ đề ra đến năm 2022, xã Ngư Thủy Bắc sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng qua rà soát, hiện tại, xã chỉ mới đạt 13/19 tiêu chí (căn cứ bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh); còn 6 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, y tế, môi trường, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông.
 
Đến cuối năm 2022, xã mới đạt 3 tiêu chí là giao thông, y tế và trường học. Tiêu chí thu nhập cũng đặt ra mục tiêu “quá sức” thực hiện. Theo đó, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn phải đạt trên 75 triệu đồng/năm, trong khi tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 41,6 triệu đồng/năm. “Với người dân vùng biển bãi ngang chủ yếu phụ thuộc vào nghề truyền thống đánh bắt cá, để tạo ra được nguồn thu nhập “bứt phá” một cách bền vững, không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai”, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Bắc Trần Thị Ngọc Trâm trăn trở.
 
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết, qua 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhất là các khâu đột phá về phát triển KT-XH, một số địa phương vẫn gặp khó khăn. Vấn đề của xã Trường Thủy là khó khăn chung của các địa phương ở vùng gò đồi. Bởi thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp của người dân cần phải có thời gian nhất định.
 
Giải pháp đặt ra lúc này là chính quyền địa phương cần kiên trì vận động, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu, diện tích cây trồng, vật nuôi phù hợp, mà trước hết là ở các khu vực, diện tích nhỏ lẻ. Sau khi thấy hiệu quả, người dân sẽ đồng thuận và thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài các cấp có thẩm quyền cần xem xét tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi linh hoạt các diện tích đất rừng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho nhân dân.
 
Về vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu đã đặt ra, các địa phương phải xem xét, tính toán, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tác động, cân nhắc mục tiêu nhiệm vụ nào cần thay đổi, mục tiêu nhiệm vụ nào cần kiên trì thực hiện và xây dựng giải pháp khắc phục. Bởi việc giải được “bài toán” khó khăn, thách thức cũng là “thước đo”, chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương.    
 
“Với các địa phương có kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông-lâm nghiệp, cần phải có cơ chế, chính sách “mở”, cụ thể rõ ràng, như: Tạo vốn vay ưu đãi cho nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Đây mới chính là “trợ lực” thiết thực và cơ bản khơi thông rào cản, phát huy lợi thế, để các địa phương ở khu vực miền núi và nông thôn phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ cho biết.
 
Dương Công Hợp
 
Bài 3: Kiên trì mục tiêu, linh hoạt giải pháp thực hiện

tin liên quan

Quốc tế đánh giá cao đóng góp của Việt Nam với Liên hợp quốc

Trưa 23/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2022) với sự tham dự của đại diện Liên hợp quốc, lãnh đạo, bộ trưởng, đại diện các quốc gia thành viên.
 

Thông qua dự thảo báo cáo kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình

(QBĐT) - Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Trưởng đoàn Kiểm tra 545 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh một số điểm nổi bật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình như các nội dung kết luận rõ ràng, thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, không bao biện, làm thay, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập Văn phòng Chủ tịch nước

Sáng 24/9, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập (25/9/1992-25/9/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.