Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp: "Dồn sức" cho chặng "nước rút"

Bài 1: Tạo lập nền móng vững chắc

  • 05:56 | Thứ Bảy, 24/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiều địa phương đã bước đầu tạo lập nền móng vững chắc cho mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, tuy nhiên, cũng có địa phương đang “loay hoay” tìm cách hiện thực hóa chủ trương đã đề ra. Trong giới hạn của chùm bài này, chúng tôi chỉ đi sâu đề cập đến việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) mà các địa phương đã xác định trong nghị quyết đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đây cũng là khoảng thời gian để các địa phương đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời nhìn nhận tồn tại, hạn chế để khắc phục trong thời gian tới. Từ đây, nhiều địa phương đã định hình được “con đường” phát triển và bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH.
 
“Đánh thức” lợi thế, tiềm năng
 
Xã Bắc Trạch được xem là một trong những điểm sáng triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp của huyện Bố Trạch. Mặc dù đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, qua rà soát, đối chiếu, xã đã đạt 13/14 tiêu chí.
 
Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Nguyễn Văn Vui phấn khởi cho biết: “Từ khi triển khai, phong trào xây dựng NTM ở Bắc Trạch chưa bao giờ dừng lại. Xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2015. Từ sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ và nhân dân Bắc Trạch tiếp tục bắt tay “chinh phục” các mục tiêu NTM nâng cao. Đến nay, xã chỉ còn tiêu chí quy hoạch đang hoàn thiện”.
 
Nếu như nhiệm kỳ trước, xã Bắc Trạch lựa chọn xuất khẩu lao động làm khâu đột phá trong phát triển KT-XH, thì nhiệm kỳ 2020-2025, khâu đột phá được xác định là phát triển dịch vụ thương mại tổng hợp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gắn với ngành nghề nông thôn. 
 
Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Nguyễn Văn Vui chia sẻ, trước đây, Bắc Trạch là xã thuần nông, nên nông-lâm-ngư nghiệp là 3 trụ cột chính của nền kinh tế. Từ khi xuất khẩu lao động trở thành khâu đột phá, đời sống, thu nhập của mỗi gia đình đã thay đổi, kéo theo đó là sự phát triển kinh tế địa phương. Giờ đây, cùng với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi nằm trên Quốc lộ 1, nối trung tâm 2 huyện, thị xã, phía Bắc-Nam sông Gianh, Bắc Trạch dần hình thành và phát triển các ngành nghề dịch vụ thương mại, TTCN.
 
Nhiều ngành nghề nông thôn cũng phát triển cả về quy mô, số lượng và vươn ra các địa bàn lân cận. Hiện trên địa bàn xã có 24 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động/năm. Nền kinh tế địa phương đã có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại rõ nét. 
Chủ trương đúng đắn của xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã huy động sức dân chỉnh trang, mở rộng đường giao thông nông thôn.
Chủ trương đúng đắn của xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã huy động sức dân chỉnh trang, mở rộng đường giao thông nông thôn.
“Xác định được hướng đi cũng có nghĩa là chúng tôi đã từng bước tạo lập các yếu tố nền tảng bảo đảm cho sự phát triển KT-XH một cách bền vững. Hiện tại, xã Bắc Trạch sẽ tập trung phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ với hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ từ khu vực ngã 3 dọc theo tuyến Quốc lộ 1 đến chợ Bắc Trạch và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực Cống 10 nhằm tạo điều kiện trao đổi hàng hóa, thúc đẩy các ngành nghề sản xuất phát triển, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Vấn đề đặt ra lúc này là việc sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp để định hướng phát triển loại hình, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, ngành nghề một cách bài bản, có tổ chức”, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Nguyễn Văn Vui cho biết.
 
Kiên trì mục tiêu lâu dài
 
Ở vị trí trung tâm các xã phía Đông của huyện Tuyên Hóa, xã Tiến Hóa từ lâu đã trở thành nơi giao thương, buôn bán hàng hóa của cư dân 5 xã lân cận. Hiện tại, trên địa bàn xã Tiến Hóa đang đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm TTCN, với tổng diện tích 17ha. Đây cũng là một trong những cụm TTCN có quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và được xác định là động lực tăng trưởng, “mở đường” cho việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn.
 
Những lợi thế đó đã tạo nền tảng vững chắc để địa phương này hiện thực hóa mục tiêu đột phá mở rộng phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn trong nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa Hoàng Trọng Tài cho biết, cùng với Cụm TTCN Tiến Hóa, hiện trên địa bàn xã có 2 dự án phát triển quỹ đất ở thôn Tam Đa, Tây Trúc (với tổng diện tích hơn 20ha) đã được đầu tư hoàn thiện và sẽ đưa vào đấu thầu trong năm 2022. Đây chính là động lực tạo đà cho sự phát triển của không chỉ các ngành công nghiệp, TTCN, mà còn kéo theo sự phát triển của các loại hình thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn; đồng thời mở rộng quy mô dân số.
 
Quan trọng hơn, khi cụm TTCN này đi vào hoạt động sẽ tạo ra cơ hội việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập tại chỗ cho người lao động ở địa phương và các xã lân cận. Vì vậy, việc phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn là “con đường” duy nhất để xã Tiến Hóa phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại V.
 
Không chỉ các địa phương có sẵn tiềm năng, lợi thế, nhiều địa phương khó khăn do điều kiện đặc thù về vị trí địa lý cũng đang vươn lên, bằng chính sự nỗ lực quyết tâm với những quyết sách đúng đắn của mình. Từ năm 2015 trở về trước, xã Hải Ninh được biết đến là một xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Ninh. Thế nhưng giờ đây, Hải Ninh đã thực sự “lột xác”. Càng bất ngờ hơn, khi thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Ninh tính đến năm 2021 đã hơn 54 triệu đồng/năm, thuộc “tốp” đầu của huyện Quảng Ninh.
 
Chưa dừng lại ở đó, giai đoạn 2020-2025, xã Hải Ninh đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, đến nay, địa phương này đã “cán đích” trước thời hạn. Thời gian tới, xã Hải Ninh sẽ tiếp tục bổ sung mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025. Bởi hiện tại, xã Hải Ninh đã đạt 11/14 tiêu chí NTM nâng cao.
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh Hoàng Minh Lễ, dù có bước phát triển vượt bậc, nhưng địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa rõ nét. Và đặc biệt, tiềm năng để phát triển các lĩnh vực TTCN, thương mại, dịch vụ vẫn chưa được khai thác hết. Để khắc phục điều đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã đặt ra mục tiêu sẽ chú trọng sử dụng các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển các chương trình KT-XH trọng điểm, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt phát triển du lịch, dịch vụ.
 
Hiện tại, xã Hải Ninh đã phối hợp với UBND huyện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tổng thể không gian phát triển du lịch xã Hải Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo quy hoạch chung của huyện. Qua đó, kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn đến đầu tư; đồng thời phát triển dịch vụ hỗ trợ, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với dịch vụ du lịch. Trước mắt, xã sẽ xây dựng các làng nghề truyền thống sản xuất khoai deo, mực một nắng, cá khô, nước mắm... kết hợp du lịch, quy hoạch mở rộng bãi tắm Hải Ninh để thu hút và phát triển các dịch vụ đi kèm.
 
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ cho biết, lợi thế, tiềm năng chính là những “đòn bẩy” làm động lực thúc đẩy KT-XH phát triển. Điều quan trọng là các địa phương nhận diện đúng lợi thế để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, bài bản. Trong quá trình thực hiện, cần ưu tiên, lựa chọn các hạng mục trong khả năng cho phép; đồng thời tranh thủ các nguồn lực khác để tổ chức thực hiện. Xã Hải Ninh đã đi đúng “con đường” và đưa ra được nhiều giải pháp để thực hiện nhằm tạo sức bật, đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
 
Tuy nhiên, mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ, cần phải có chiến lược dài hơi và nguồn lực đầu tư lớn. Vì vậy, giai đoạn trước mắt có thể lựa chọn một vài giải pháp khả thi để tổ chức triển khai. Thực tế để thực hiện các nhiệm vụ đột phá, không chỉ xã Hải Ninh mà nhiều địa phương khác trên địa bàn cũng phải tính toán cho phù hợp với thực tế.
 
Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Lê Công Toán: "Xác định đúng nhiệm vụ đột phá là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, nhưng để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, các địa phương cần đề ra giải pháp cụ thể, sát thực và đặc biệt là người đứng đầu và bộ máy tổ chức phải thực sự gương mẫu, đoàn kết, quyết tâm mới hiện thực hóa nghị quyết thành công. Có như vậy, các chủ trương mới tạo sức hút, huy động các nguồn lực từ bên ngoài và từ nhân dân!".
 
Dương Công Hợp
 
Bài 2: “Loay hoay” với mục tiêu đột phá

tin liên quan

Đột phá từ những nghị quyết chuyên đề

(QBĐT) - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ủy Khối các cơ quan (CCQ) tỉnh và các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã triển khai toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu về các mặt công tác xây dựng Đảng. 

Người đảng viên "đặc biệt"

(QBĐT) - Đối với anh Hoàng Thái Hòa (SN 1991, thôn Tây Minh Lệ, xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn), để được đứng dưới lá cờ Đảng đọc lời tuyên thệ, anh đã nỗ lực rất lớn để vượt qua chính mình.

Chung tay vì một thành phố sạch, đẹp hơn

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn TP. Đồng Hới đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.