Tìm ra giải pháp hữu hiệu, hướng đi phù hợp cho sự liên kết phát triển tiểu vùng trong bối cảnh mới
(QBĐT) - Tại chương trình tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới” tổ chức tại TP. Đồng Hới, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu chào mừng. Báo Quảng Bình lược ghi bài phát biểu.
Mở đầu bài phát biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Tỉnh ủy Quảng Bình rất vinh dự được lựa chọn đăng cai tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới” trong khuôn khổ hoạt động tổng kết Nghị quyết 39 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm ANQP vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Bài phát biểu nêu rõ: Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định phương hướng, mục tiêu chung là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó, tiểu vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, là địa bàn đặc biệt quan trọng về KT-XH, chính trị, QP-AN nằm trọn vẹn trong phạm vi quản lý của Quân khu 4 (diện tích 5,2 triệu ha 10% cả nước; dân số gần 10 triệu người). Các tỉnh trong vùng đều có đặc điểm chung là phía Tây giáp dãy Trường Sơn và nước bạn Lào, phía Đông giáp Biển Đông; địa hình kéo dài, phân định phức tạp, đa dạng (vùng núi, trung du, đồng bằng, vùng cát ven biển); thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động.
Từ thực tiễn cấu trúc địa hình, phân bổ dân cư các tỉnh, Nghị quyết số 39-NQ/TW đã định hướng hình thành một số khu vực kinh tế quan trọng trong tiểu vùng như: thành phố Thanh Hóa; khu Nam Thanh-Bắc Nghệ; Vinh-Bắc Hà Tĩnh gắn với đường 7, đường 8 và cửa khẩu Cầu Treo; Bắc Quảng Bình-Nam Hà Tĩnh gắn với khu công nghiệp Vũng Áng, cảng Hòn La, khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng với đường 12A và cửa khẩu Cha Lo, Đông Hà-Quảng Trị gắn với đường 9 và khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo.
Gần 20 năm qua, mỗi địa phương trong vùng đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết 39, đồng thời đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, khắc phục khó khăn và hỗ trợ, liên kết cùng phát triển, các địa phương trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm QP-AN nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 39 đã đạt và vượt.
Nhiều địa phương trong vùng vươn lên trở thành các trung tâm công nghiệp về thép, về hoá dầu… hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế có quy mô lớn của cả nước; hình thành hệ thống cảng biển quan trọng của hàng hoá trong nước và nội vùng ASEAN; tốc độ đô thị hoá cao, hình thành các đô thị văn minh hiện đại; tận dụng được lợi thế để phát triển ngành du lịch-dịch vụ văn minh hiện đại ở hầu hết các tỉnh…
Về thực hiện Nghị quyết 39 tại Quảng Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Gần 20 năm triển khai thực hiện nghị quyết 39 của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng GRDP bình quân cao hơn cả nước, đặc biệt là trong những năm gần đây, bất kể những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường biển…
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng tích cực, tỷ trọng các ngành sản xuất, dịch vụ tăng nhanh, đặc biệt là ngành du lịch đã từng bước thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng do Trung ương và địa phương quản lý được đầu tư tổng thể và ngày càng đồng bộ, hiện đại với hệ thống các tuyến đường Bắc-Nam (Quốc lộ 1; đường HCM nhánh Đông-nhánh Tây, đường ven biển, đường cao tốc đang dần hình thành); tuyến Đông-Tây kết nối khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Cha Lo với các KKT ven biển, cảng biển Hòn La;…. Việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ngày càng được quan tâm, đầu tư và đạt nhiều kết quả tích cực.
Lĩnh vực văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vừng; 2 tuyến biên giới biển và rừng hoà bình và phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai tích cục, toàn diện trên tất cả các mặt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền được củng cố và nâng cao.
Bài phát biểu cũng nhấn mạnh những tiềm năng to lớn của tiểu vùng Bắc Trung bộ, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với các khu đô thị ven biển; tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo...; cùng với địa danh cách mạng, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu sẽ là tiền đề quan trọng để các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung bộ vẫn chưa khai thác tối ưu các tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển KT-XH; tính liên kết vùng, liên kết các khu vực chưa thực sự rõ nét; nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế các tỉnh; khoảng cách về trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng so với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước vẫn là rất lớn.
Trước những thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, của quá trình hội nhập quốc tế, của cách mạng công nghiệp 4.0, các lợi thế dần bị thu hẹp, các thách thức về cạnh tranh, môi trường; các bất ổn do chính trị, dịch bệnh... đã và đang tạo ra áp lực lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng và từng địa phương. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng theo nguyên tắc cùng có lợi, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng và nội vùng và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về các ngành, lĩnh vực tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của vùng, phấn đấu trở thành khu vực phát triển năng động ở miền Trung, tại buổi tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng chia sẻ, tỉnh Quảng Bình cũng như các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung bộ rất mong muốn được lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học để tìm ra giải pháp hữu hiệu, hướng đi phù hợp cho sự liên kết phát triển tiểu vùng và các tỉnh trong vùng trong bối cảnh mới.
Ngọc Mai (lược ghi)