Quyết sách vì dân

Bài 2: Chăm lo lĩnh vực văn hóa-xã hội: Tạo động lực mới cho phát triển

  • 08:35 | Thứ Tư, 10/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Những quyết sách cụ thể, kịp thời của tỉnh vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa tạo động lực mới cho mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững. Trong đó, bên cạnh đầu tư cho giáo dục-đào tạo, nhiệm vụ quốc sách hàng đầu, tỉnh đã tập trung nguồn ngân sách lớn để phát triển y tế, văn hóa-thể thao (VH-TT), đáp ứng yêu cầu cả về thể chất và tinh thần cho nhân dân.
 
 
Đầu tư cho sức khỏe nhân dân
 
Với mục tiêu đáp ứng tốt nhất yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế. Đặc biệt, dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp đã đặt hệ thống y tế tỉnh nhà trước nhiều thách thức mới.
 
Thực hiện chủ trương của tỉnh và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tháng 6/2021, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình.
 
Với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất của các đơn vị y tế, y tế và y học cộng đồng, tạo liên kết chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, là tiền đề xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin để cảnh báo tình hình bệnh tật trong cộng đồng nhanh và chính xác nhất. Trung tâm cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc khám, chữa bệnh của người dân, giám sát, phát hiện bệnh tật trước khi xảy ra… 
Dự án Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới.
Dự án Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới.
Tiếp đó, tháng 12/2021, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do tỉnh quản lý. Với quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường bệnh, tổng vốn đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng, bệnh viện được bố trí xây dựng các khu chức năng bảo đảm cơ sở vật chất để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực Bắc Quảng Bình và Nam Hà Tĩnh, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối. Dự kiến bệnh viện sẽ được khởi công vào quý IV/2022 và hoàn thành vào năm 2025. Đây là niềm mong mỏi, kỳ vọng lớn của đội ngũ y bác sĩ và người dân khu vực phía Bắc tỉnh.
 
Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý. 326 tỷ đồng là tổng số kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế. Trong đó, đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh (cơ sở 2) với tổng vốn 120 tỷ đồng; đầu tư xây dựng khu kỹ thuật và điều trị liên chuyên khoa, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy 50 tỷ đồng.
 
Với mục tiêu nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, ngân sách tỉnh cũng đã quan tâm bố trí nâng cấp các phòng khám đa khoa, trạm y tế trong toàn tỉnh. Việc đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được triển khai sau khi đánh giá tổng thể thực trạng, năng lực ứng phó với dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm khắc phục những điểm yếu để tự tin hơn trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.
 
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Trong 2 năm 2021-2022, ngành Y tế đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Những dự án mới đầu tư, các công trình được cải tạo, nâng cấp sẽ góp phần tạo lập mạng lưới y tế đủ mạnh, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, chủ động đối phó hiệu quả với các loại dịch bệnh.
 
Bác sĩ Trần Thanh Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-chống độc kiêm phụ trách đơn vị thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình không giấu được niềm vui : “Cơ sở 2 được đầu tư xây dựng sẽ góp phần quan trọng giải bài toán quá tải bệnh nhân của bệnh viện từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ y bác sĩ trong hoạt động, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân!”.
 
Còn chị Võ Thị Hồng, xã An Thủy (Lệ Thủy) cho biết, người dân địa phương có nhu cầu khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa huyện rất lớn. Việc tỉnh nâng cấp các trạm y tế, xây mới các khu điều trị cho Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy sẽ giúp bà con yên tâm hơn rất nhiều, nhất là khi xuất hiện nhiều loại dịch bệnh mới, phức tạp.
 
Phát triển văn hóa-thể thao xứng tầm
 
Xác định lĩnh vực văn hóa-thể thao (VH-TT) có tính chất đặc thù, đầu tư cho VH-TT là đầu tư phát triển con người, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể với quyết tâm phát triển đồng bộ, toàn diện lĩnh vực VH-TT.
Các VĐV đoàn Quảng Bình đoạt huy chương vàng tại SEA GAMES 31 và các VĐV của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT.
Các VĐV đoàn Quảng Bình đoạt huy chương vàng tại SEA GAMES 31 và các VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT.

Dự án Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Quảng Bình được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021 với tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng được kỳ vọng là công trình điểm nhấn trong không gian kiến trúc đô thị của tỉnh nói chung, TP. Đồng Hới nói riêng.

Với các hạng mục gồm nhà thi đấu đa năng sức chứa 2.500 người; sân bóng đá kích thước tiêu chuẩn kết hợp đường chạy điền kinh với tổng diện tích 10.000m2; sân thể thao ngoài trời diện tích 6.500m2 cùng nhiều hạng mục phụ trợ sẽ tạo điều kiện bồi dưỡng, đào tạo và thi đấu thể thao cho vận động viên (VĐV) tỉnh nhà, từng bước tiếp cận với nền thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế, góp phần phục vụ tốt nhất cho các sự kiện thi đấu TDTT của tỉnh và quốc gia, qua đó, quảng bá hình ảnh Quảng Bình, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế.

Danh mục đầu tư công năm 2022 được thông qua vào tháng 6/2022 cũng đã “gọi tên” nhiều dự án lĩnh vực TDTT như Trung tâm TDTT huyện Lệ Thủy, Nhà thi đấu đa năng và các công trình phụ trợ TX. Ba Đồn, mỗi công trình có tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng; sân vận động trung tâm huyện Bố Trạch 25 tỷ đồng… Những công trình quan trọng này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để TDTT phát triển, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất cho người dân, tạo “bệ phóng” quan trọng cho thể thao thành tích cao.
 
Không chỉ đầu tư cho hạ tầng, các chế độ đặc thù, khen thưởng cho huấn luyện viên, VĐV thể thao khác cũng được quan tâm điều chỉnh. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Những năm qua, thể thao Quảng Bình đã gặt hái nhiều thành tích đáng ghi nhận, đóng góp nhiều VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu quốc tế đạt kết quả cao.
 
Đặc biệt, kỳ SEA Games 31 vừa qua, các VĐV tỉnh nhà đã xuất sắc giành được 8 huy chương vàng, trong đó VĐV Nguyễn Huy Hoàng là người mang nhiều thành tích nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 5 huy chương vàng. Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ TDTT, việc chăm lo chế độ dinh dưỡng đặc thù, khen thưởng xứng đáng đối với huấn luyện viên, VĐV thể thao thành tích cao sẽ là nguồn động lực quan trọng để huấn luyện viên, VĐV an tâm công tác, cống hiến cho thể thao tỉnh nhà và quốc gia trong những năm tới!”.
 
Về lĩnh vực văn hóa, trong 2 năm qua, tỉnh cũng đã dành nguồn kinh phí xứng đáng để cải tạo, nâng cấp khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, bảo vệ, cảnh quan môi trường di tích khảo cổ Bàu Tró và nhiều di tích lịch sử khác. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa cơ sở cũng được quan tâm nâng cấp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
 
Tỉnh cũng cân nhắc các phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất như nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế... không còn nhu cầu sử dụng để ưu tiên vào mục đích công cộng, bảo đảm không gian sinh hoạt cộng đồng, VH-TT, vui chơi, giải trí cho nhân dân. Tại các trung tâm đô thị, không gian văn hóa đô thị luôn được coi trọng để hình thành các điểm nhấn và đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cư dân.
 
Cùng với nỗ lực thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình đã tập trung chăm lo hiệu quả lĩnh vực văn hóa-xã hội với nhiều chương trình, dự án thiết thực. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Ngọc Mai
 
Bài 3: Nghị quyết lịch sử

tin liên quan

Tập trung chỉ đạo phòng, chống 19 hành vi tiêu cực

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) đã có Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực.
 

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bố Trạch lần thứ XXI

(QBĐT) - Ngày 9/8, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bố Trạch đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2022-2027.
 

Tăng cường vai trò các cơ quan tư pháp trong giải quyết các vụ việc tố cáo, khiếu nại về đất đai

Chiều 9/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội. Trình bày báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so tháng 6/2022.