Quyết sách vì dân

Bài 3: Nghị quyết lịch sử

  • 08:29 | Thứ Năm, 11/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), biên giới và miền núi (MN) tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 08) được kỳ vọng sẽ tạo ra những đổi thay mạnh mẽ đời sống bà con và diện mạo vùng biên giới phía Tây Quảng Bình. Với các mục tiêu tổng thể, được phân kỳ thành hai giai đoạn phù hợp với điều kiện của địa phương, các nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cụ thể, Nghị quyết số 08 được xem là “Nghị quyết lịch sử” với tính khả thi cao trên cơ sở những nền tảng vững chắc.
 
 
Tận dụng thời cơ, phát huy nội lực
 
Không phải đến bây giờ, vấn đề chăm lo cho ĐBDTTS và MN của tỉnh mới được quan tâm, mà nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào và sự phát triển ổn định cho khu vực miền núi là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh. Những năm qua, việc thực hiện tốt công tác dân tộc, các chương trình, dự án, chính sách… đã mang lại khởi sắc trong phát triển KT-XH và bộ mặt nông thôn miền núi vùng ĐBDTTS. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế và được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động; 88,23% xã có điện lưới quốc gia…
 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ĐBDTTS và MN phát huy nội lực, vươn lên phát triển bền vững, ngày 10/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 08. Nghị quyết một lần nữa khẳng định quyết tâm của tỉnh và là cơ sở quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, giữa các dân tộc; đồng thời tương xứng với tầm quan trọng, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đất có diện tích chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh.  
 
Quảng Bình là địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS hiện chiếm gần 70%, nguồn lực của tỉnh có nhiều hạn chế, nên việc ban hành Nghị quyết số 08 với những mục tiêu lớn được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi. Tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội, trong đó Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 là thuận lợi cơ bản để tỉnh triển khai Nghị quyết số 08 trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
 Đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh tại lễ khởi động dự án đầu tư điện lưới và nâng cấp đường 20 Quyết Thắng tại huyện Bố Trạch.
Đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh tại lễ khởi động dự án đầu tư điện lưới và nâng cấp đường 20 Quyết Thắng tại huyện Bố Trạch.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Lần đầu tiên, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025) được triển khai tại tỉnh ta, sẽ tạo nguồn lực quan trọng giúp tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08 với những kỳ vọng lớn.
 
Nghị quyết số 08 cũng xác định tầm quan trọng của việc phát huy nội lực, bao gồm nội lực của tỉnh trong quá trình triển khai nghị quyết và nội lực của ĐBDTTS và MN.
 
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, hai công trình quan trọng của tỉnh và đặc biệt ý nghĩa với ĐBDTTS huyện Bố Trạch là dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch và nâng cấp đường 20 Quyết Thắng được bấm nút khởi động với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
 
Hai dự án đều được bố trí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng; dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng là 120 tỷ đồng.
 
Bên cạnh sự nỗ lực về ngân sách trong điều kiện tỉnh vừa trải qua hai năm ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, dịch bệnh, để triển khai hai dự án nêu trên là một sự cố gắng lớn khi dự án thực hiện trên địa hình khó khăn, đặc biệt quá trình thi công qua Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cần có phương án bảo đảm an toàn cho di sản. Nhưng với quyết tâm nâng cao đời sống của ĐBDTTS và MN, kéo gần khoảng cách miền núi với miền xuôi, các dự án bước đầu triển khai thuận lợi, hứa hẹn những đổi thay lớn.
 
Có mặt trong ngày khởi động hai dự án, Đinh Dự, trưởng bản Cà Roòng 1 xã Thượng Trạch không giấu được niềm vui, tâm sự: Tỉnh đầu tư điện lưới và đường, bà con dân bản vui lắm. Điện mặt trời chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, muốn sản xuất thì phải có điện lưới. Đường được mở rộng thì cây sắn, cây măng của bà con về xuôi nhanh hơn, bán được giá hơn, đường đi làm, đi học của cán bộ và học sinh cũng gần hơn… Có điện lưới có đường to, bà con không lo nghèo nữa, mà nhiều nhà sẽ giàu!
 
Hành trình bền bỉ
 
Xác định nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh là chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 08 đã nêu lên 5 nhiệm vụ cụ thể, toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực của ĐBDTTS và MN trong tỉnh. Cùng với việc triển khai một cách đồng bộ, khoa học các nhiệm vụ, giải pháp, nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện kịp thời, hiệu quả.
 
Trước đó, tháng 5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các xã miền núi có ĐBDTTS sinh sống. Thông qua đội ngũ cán bộ cơ sở, những người đại diện cao nhất cho nguyện vọng, ý chí, tâm tư của đồng bào, những băn khoăn trăn trở của bà con đã được lắng nghe. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan xem xét sớm giải quyết các đề xuất, kiến nghị của đồng bào theo đúng quy định.
 Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo và có nhiều khởi sắc.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo và có nhiều khởi sắc.
Lãnh đạo các cấp cũng thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong ĐBDTTS. Thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT để hiểu hơn về đời sống, sản xuất, tâm tư, tình cảm của bà con, kịp thời chia sẻ khó khăn; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con chung tay thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Tháng 6/2022, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã có buổi gặp mặt các đại biểu tiêu biểu và NCUT trong ĐBDTTS. Dự buổi gặp mặt có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng 103 NCUT của tỉnh. Sự ghi nhận những đóng góp quan trọng của NCUT trong ĐBDTTS là nguồn động viên to lớn để đồng bào tiếp tục cố gắng phát huy nội lực, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
 
Cũng trong tháng 6/2022, tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, đồng chí Hầu A Lềnh đã khẳng định, Nghị quyết số 08 là “Nghị quyết lịch sử” bởi những mục tiêu thiết thực và quyết tâm mà Quảng Bình đặt ra. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng Quảng Bình sẽ đưa nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả, góp phần phát triển đời sống xã hội vùng ĐBDTTS và MN trong những năm tới.
 
Nghị quyết số 08 được xây dựng, triển khai trên một nền tảng vững chắc, đó là sự quan tâm đồng hành bền bỉ của cả hệ thống chính trị đối với ĐBDTTS và MN của tỉnh. Bên cạnh những mục tiêu lớn, tổng thể, kế hoạch triển khai nghị quyết đã quan tâm đến nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể như chế độ cho NCUT, cô đỡ thôn bản, tiền ăn cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống, sản xuất của đồng bào… Tin rằng, với sự quan tâm vào cuộc, đồng hành bền bỉ, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, Nghị quyết số 08 sẽ hoàn thành sứ mệnh, mang lại những khởi sắc lớn cho vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh như kỳ vọng!
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: “Nghị quyết số 08 sẽ tạo cơ sở chính trị để tỉnh bổ sung nguồn lực phát triển vùng biên giới, ĐBDTTS và MN. Đây chính là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực của ĐBDTTS và MN trên hành trình phát triển, tương xứng với tầm quan trọng, vị trí chiến lược của vùng đất chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh!”.

Ngọc Mai

tin liên quan

Nghị quyết số 39 tạo tiền đề vững chắc, thế và lực mới cho Quảng Bình

(QBĐT) - Sau gần hai thập kỷ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 đã tạo tiền đề vững chắc cùng thế và lực mới cho Quảng Bình trên hành trình phát triển.

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(QBĐT) - Hôm nay, 10/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tham gia chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) theo hình thức trực tuyến.

Bài 2: Chăm lo lĩnh vực văn hóa-xã hội: Tạo động lực mới cho phát triển

(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Những quyết sách cụ thể, kịp thời của tỉnh vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa tạo động lực mới cho mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.