Nghị quyết số 39 tạo tiền đề vững chắc, thế và lực mới cho Quảng Bình

  • 06:16 | Thứ Năm, 11/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau gần hai thập kỷ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 (Nghị quyết số 39), Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 (Kết luận số 25), Quảng Bình đã có những đổi thay vượt bậc. Việc đưa Nghị quyết số 39 vào cuộc sống hiệu quả đã tạo tiền đề vững chắc cùng thế và lực mới cho Quảng Bình trên hành trình phát triển.
 
“Lùi xa để nhìn rõ”
 
Đầu tháng 8/2022, Quảng Bình đã tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 39 nhằm đánh giá lại một cách toàn diện, tổng thể kết quả mà tỉnh đạt được, những khó khăn, tồn tại, các bài học kinh nghiệm, giải pháp..., trên cơ sở đó, góp phần thực hiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
 
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của trên 20 sở, ban, ngành, địa phương liên quan, với lượng thông tin đồ sộ, phong phú, đầy đủ, báo cáo đã khái quát được 6 kết quả nổi bật; chỉ rõ 8 tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân, đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
 
Báo cáo cũng đã tập trung phân tích bối cảnh trong và ngoài nước, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với địa phương, trên cơ sở đó đưa ra 5 quan điểm phát triển, mục tiêu, tầm nhìn và 12 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới. Nội dung này đã xác định cụ thể, rõ ràng những tiềm năng, lợi thế nổi bật trong giai đoạn phát triển mới như du lịch, năng lượng tái tạo, kinh tế cửa khẩu, đô thị ven biển...
Quảng Bình đang phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch biển.
Quảng Bình đang phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch biển.
Đánh giá về báo cáo tổng kết Nghị quyết số 39 của tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 39 đã nhấn mạnh: Việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 39 là sự lùi xa để nhìn nhận rõ nhất những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, thách thức; là cơ hội để rà soát, nhìn nhận lại quá trình phát triển của tỉnh trong gần 2 thập kỷ, từ đó xác định hướng đi phù hợp trong giai đoạn phát triển mới.
 
Nghị quyết số 39 đặt ra 5 mục tiêu đối với phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, gồm: Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm QP-AN và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; sớm tiến kịp các vùng khác trong nước; đầu cầu quan trọng trong giao lưu hợp tác quốc tế; hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
 
Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 cũng đã nêu rõ các định hướng đối với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết số 39 và những định hướng của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 đối với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đối chiếu với những thành tựu mà Quảng Bình đạt được, có thể khẳng định rằng tỉnh đã đưa Nghị quyết số 39 vào cuộc sống hiệu quả.
 
Quá trình triển khai, Quảng Bình đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, phát huy truyền thống đoàn kết và cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra.
 
Thành tựu lớn lao, tiền đề vững chắc
 
Trong gần 2 thập kỷ thực hiện Nghị quyết số 39, Quảng Bình đã tạo nên nhiều điểm sáng nổi bật. Đó là giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế đạt khá với mức trung bình 7,8%/năm, cao hơn trung bình vùng và cả nước, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Nhiều chỉ số như GRDP, GRDP/người, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đều tăng gấp trên 10 lần so với năm 2004.
 
Tỉnh đã thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó vốn đầu tư công ngày càng giảm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngành công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, bình quân giai đoạn 2005-2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 11,3%/năm; năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 10 lần so với năm 2004. Hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp đã được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp.
 
Ngành nông nghiệp đã khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2005-2020 đạt 4,85%/năm. Về thủy sản, phát triển cả nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá, năng lực, hiệu quả đánh bắt vùng biển xa ngày càng được nâng cao. Quảng Bình hiện sở hữu đội tàu cá gần 7.000 tàu, trong đó có 1.200 tàu được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khai thác vùng biển xa.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều hiệu quả tích cực, ngày càng nhiều xã nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, làng quê đáng sống. Tỷ lệ che phủ rừng tăng hàng năm, năm 2021 đạt 68,59%, xếp thứ hai cả nước. Quy mô ngành dịch vụ tăng nhanh. Du lịch phát triển mạnh, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là dấu son trong bản đồ du lịch thế giới. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là một trong những cửa khẩu hoạt động sôi động nhất vùng và hứa hẹn nhiều tiềm năng mới...
 
Kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, được đầu tư nâng cấp, mở rộng, ngày càng đồng bộ, mang lại sự đổi thay ngoạn mục, kết nối hiệu quả các đô thị, các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh. Đô thị đổi thay mạnh mẽ, cùng với TP. Đồng Hới đang khẳng định sự nổi bật của một đô thị biển sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh và được khai thác hiệu quả, tỉnh đã hình thành những khu đô thị ven biển với nhiều kỳ vọng mới.
 
Cùng với những đổi thay tích cực nêu trên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quy mô và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2021 đạt 45,5%. Mạng lưới cơ sở y tế ngày càng mở rộng và phát triển, hoạt động xã hội hóa dịch vụ y tế tăng nhanh đã góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tiếp cận với các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
 
Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều công trình phục vụ văn hóa thể thao, như: Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh, bể bơi, sân quần vợt, nhà đa năng... đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu thể thao của người dân. Công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng bước được chú trọng. QP-AN được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Cùng với phát triển hiệu quả kinh tế biển, Quảng Bình giữ vững quốc phòng-an ninh.
Cùng với phát triển hiệu quả kinh tế biển, Quảng Bình giữ vững quốc phòng-an ninh.
Vững bước đến tương lai
 
Trao đổi về những mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả nổi bật, sau gần hai thập kỷ triển khai Nghị quyết số 39 vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cần vượt qua. Cùng với việc rút ra những bài học kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 39, tỉnh đã thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm để cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung” và “Đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước”.
 
Theo đó, Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, trong đó chú trọng công tác phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng, như: Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn các tỉnh trong vùng; dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; các dự án nâng cấp sân bay, cảng biển...
 
Cùng với đó là tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR index…
 
Bên cạnh tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế, với mục tiêu trở thành một tỉnh giàu, mạnh, đẹp từ biển, Quảng Bình sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển trên cơ sở thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rừng, biển, đất đai, nguồn lực văn hóa, con người… là nguồn tài nguyên quý giá, tỉnh sẽ nỗ lực phát huy cao nhất.
 
Quá trình thực hiện sẽ gắn kết hơn nữa việc phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các mục tiêu về đối ngoại, hợp tác, liên kết vùng. Là tỉnh có trên 200km đường biên giới đất liền, 116km đường bờ biển, Quảng Bình quyết tâm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “Kết hợp QP-AN với KT-XH và KT-XH với QP-AN”, xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới đất liền và biển, đảo.
 
Một trong những yếu tố quan trọng nhất, làm nền tảng cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Quảng Bình sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực, là nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước trong tương lai gần.   
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với cử tri sau kỳ họp thứ 6

(QBĐT) - Sáng nay, 10/8, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(QBĐT) - Hôm nay, 10/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tham gia chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) theo hình thức trực tuyến.

Bài 2: Chăm lo lĩnh vực văn hóa-xã hội: Tạo động lực mới cho phát triển

(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Những quyết sách cụ thể, kịp thời của tỉnh vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa tạo động lực mới cho mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.