Ý kiến các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII
(QBĐT) - Trong 2 ngày 25 và 26/7, đã diễn ra kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Báo Quảng Bình xin giới thiệu một số ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp này.
* Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm qua không gian mạng
Đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh
Hiện nay, các loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng hoạt động phức tạp, có xu hướng phát triển quy mô, khó lường với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tội phạm trên không gian mạng thường là những đối tượng có trình độ, học vấn cao, trẻ tuổi, hiểu biết về pháp luật và am hiểu công nghệ thông tin. Hoạt động của tội phạm qua không gian mạng không bó buộc trong khoảng cách địa lý nhất định như tội phạm truyền thống mà trải rộng trong phạm vi cả nước và toàn thế giới.
Những hành vi phạm tội phổ biến của loại tội phạm này thường là làm giả các loại hồ sơ, giấy tờ, thẻ ATM, thẻ tín dụng rất tinh vi để rút tiền từ ngân hàng; sử dụng đường truyền internet tốc độ cao và lắp đặt thiết bị, các máy phát sóng trái phép sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cá nhân, sau đó cấu kết với các đối tượng trong nước, giả danh là cán bộ các cơ quan nhà nước rồi gọi điện thoại cho nạn nhân để hù dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng chỉ định rồi chiếm đoạt. Đặc biệt, nhiều loại tội phạm truyền thống đang có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, như: Trộm cắp, lừa đảo, tống tiền, đánh bạc, cá độ bóng đá…
Các loại tội phạm thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, thậm chí là cán bộ, những người có học thức. Chúng phát tán link trên các mạng xã hội nhằm lừa người sử dụng click vào để "cài cắm" những “mã độc” có thể đánh cắp được các dữ liệu, như: Ảnh, video, danh bạ, tin nhắn, thông tin về tài khoản Facebook, email, tài khoản ngân hàng…
Công tác điều tra, truy tìm các loại tội phạm qua không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, vì rất khó chứng minh hành vi phạm tội cũng như truy tìm thủ phạm.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm không gian mạng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, nhất là với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; tầng lớp thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên…
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng thường xuyên cập nhật, thông tin các thủ đoạn, hành vi lừa đảo mới của tội phạm trên không gian mạng qua các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, mạng viễn thông.
Có thể nói rằng, để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm qua không gian mạng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được duy trì thường xuyên, liên tục và lan tỏa rộng rãi, nhằm khuyến cáo người dân không nên nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
X.Phú (thực hiện)
* Nỗ lực lấp “khoảng trống” nguồn nhân lực du lịch
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình
Đại dịch Covid-19 giống như một phép thử lớn về khả năng tồn tại và phục hồi của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Một trong những yếu tố quan trọng cho sự phục hồi và bứt phá đối với “ngành công nghiệp không khói” là nguồn nhân lực qua đào tạo. Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành Du lịch, nhất là vào thời điểm các hoạt động du lịch đang trở lại bình thường, đặc biệt là mùa cao điểm du lịch trong quý II, III/2022.
Do đó, ngành Du lịch Quảng Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng là quản lý, lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch nhằm lấp “khoảng trống”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch sau dịch Covid-19.
Sau khi du lịch “mở cửa”, Sở Du lịch triển khai ngay các giải pháp, phối hợp với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch uy tín tổ chức 2 khóa học ngắn hạn, đào tạo nghiệp vụ hỗ trợ lao động du lịch nhằm đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch; 1 khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh.
Với nguồn nhân lực tự do làm việc trực tiếp như người dân tại những địa bàn có các sản phẩm du lịch, nhà nghỉ, homestay..., Sở Du lịch đã tiến hành hỗ trợ, tổ chức 4 lớp bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng dân cư (các xã: Cự Nẫm, Cảnh Dương, Ngân Thủy, Trường Sơn), “cầm tay chỉ việc” cho các nhóm lao động này.
Thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, thống nhất với các cơ sở giáo dục xây dựng lộ trình, kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo cụ thể để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bám sát nhu cầu thực tế của đội ngũ nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, TP. Đồng Hới và các trung tâm, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, áp dụng hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, khẳng định Quảng Bình là điểm đến an toàn, chất lượng và mến khách.
Diệu Hương (thực hiện)
* Tăng cường phối hợp triển khai các dự án giao thông trọng điểm
Ông Vũ Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Các dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội đất nước và địa phương. Vì thế, các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện thủ tục và chuyển kinh phí ứng vốn cho các huyện để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời, hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương phối hợp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư các khu tái định cư, khu nghĩa địa; đồng thời lập phương án bồi thường, GPMB, phê duyệt phương án bồi thường GPMB. Mặt khác, cần phối hợp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng.
Đối với dự án công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, cần được bố trí vốn kịp thời, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu. Đối với công tác bồi thường GPMB, tái định cư, đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với chủ đầu tư trong việc giao chỉ tiêu về GPMB cụ thể đối với từng dự án, từng thời điểm, làm cơ sở kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện, từ đó, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Các đơn vị liên quan cần phải rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, đến giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng công trình đưa vào khai thác sử dụng.
Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, các sở, ngành, địa phương liên quan cần chủ động đẩy nhanh tiến độ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công; đồng thời đề ra một số giải pháp thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, như: Thành lập tổ kiểm tra, rà soát hệ thống quản lý chất lượng và việc chấp hành trình tự, thủ tục trong quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chủng loại vật liệu xây dựng trong tất cả các khâu; yêu cầu tư vấn giám sát ký cam kết không vi phạm tư cách, đạo đức của người cán bộ giám sát trong thực hiện nhiệm vụ; yêu cầu các nhà thầu thi công báo cáo định kỳ (tuần, tháng, quý), đột xuất… về tình hình triển khai thi công, các khó khăn vướng mắc tại các công trình để kịp thời giải quyết, chỉ đạo thực hiện...
Tùy Phong (thực hiện)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.