Quyết liệt "chống giặc nội xâm"

  • 11:19 | Thứ Tư, 06/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) giai đoạn 2012-2022 diễn ra vào cuối tháng 6/2022, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC nhấn mạnh, PCTN, TC là nhiệm vụ “chống giặc nội xâm” toàn diện thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân với quyết tâm chính trị cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ với những bước tiến vững chắc, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
Nhìn ra toàn quốc
 
Trong 10 năm (2012-2022), cấp ủy, Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong cả nước thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do TN hoặc liên quan đến TN. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Qua công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
 
Các cơ quan tố tụng trong cả nước khởi tố, điều tra trên 19.500 vụ án với gần 33.900 bị can về các tội danh TN, kinh tế, chức vụ, trong đó có 2.700 vụ án với 5.800 bị can về tội danh TN.
Cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy và Công an tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp trong xử lý các vụ việc liên quan đến TN, TC.
Cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy và Công an tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp trong xử lý các vụ việc liên quan đến TN, TC.
Các vụ đại án tham nhũng dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất có các hành vi liên quan đến TN, TC dần dần lộ diện và chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.
 
Điển hình là các vụ án tại: Công ty cho thuê tài chính II (ALC II); Phòng giao dịch, Ngân hàng Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; các vụ án tại PVC và PVN; vụ án tại Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng); Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79; vụ án xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án buôn lậu xăng dầu quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai; các vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại tỉnh Khánh Hòa; các vụ án liên quan đến ngành Y tế như ở Cục quản lý Dược, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức...
 
Mới đây nhất là các vụ đại án tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...
 
Những nỗ lực của tỉnh nhà
 
Tại Quảng Bình, giai đoạn 2012-2022, công tác PCTN, TC có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, được nhân dân đồng tình, đồng thuận.
 
Nhiều vụ án, vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, xử lý kịp thời. Các cơ quan tố tụng không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, xét xử đúng người, đúng việc, bảo đảm thượng tôn pháp luật. Điển hình qua một số vụ án, vụ việc, như: Sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách hơn 1 tỷ đồng tại Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Hoàn Trạch (cũ) phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; vụ án Đội Thanh tra số 3-Sở Giao thông vận tải “nhận hối lộ” trên tuyến Quốc lộ 12A thuộc địa phận xã Nam Hóa (Tuyên Hóa)...
 
Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC), kiến nghị, phản ánh của công dân là một kênh quan trọng trong công tác PCTN, TC. Ban Nội chính Tỉnh ủy với chức năng, nhiệm vụ của mình kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng rà soát đơn thư KN, TC trên địa bàn giai đoạn 2011-2020 để có cái nhìn tổng thể trong giải quyết, xử lý.
 
Trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư KN, TC, Ban Nội chính tham mưu cho Bí thư Tỉnh ủy thành lập tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy (tổ 1743) kiểm tra, giải quyết một số vụ việc KN, TC phức tạp, kéo dài; xây dựng Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân...
 
Nhiều vụ việc KN, TC phức tạp trên địa bàn tỉnh thông qua các buổi tiếp công dân đã được các cấp, ngành chung tay giải quyết kịp thời, “thấu tình đạt lý”, như: Vụ việc bà Trần Thị Hiền Lương (Tuyên Hóa) liên quan đến chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội; vụ KN về đất đai của ông Nguyễn Văn Tới, bà Trần Thị Hoạt (thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thủy); vụ kiến nghị của ông Nguyễn Đức Minh (TP.Đồng Hới); về TC của ông Trần Khánh Vũ (xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh); vụ việc ông Lê Viết Lưu (xã Sen Thủy, Lệ Thủy); vụ việc bà Nguyễn Thị Hữu (TX. Ba Đồn) đề nghị giải quyết chế độ lão thành cách mạng...
 
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCTN, TC trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Lương Bình, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chia sẻ: “Các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tuyên truyền về PCTN, TC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; quản lý chặt chẽ cán bộ đảng viên, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc TN, TC.
 
Phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC. Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Chú trọng công tác tự phê bình và phê bình; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước với phương châm “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu".
 
Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thực hiện công tác PCTN, TC; thực hiện hiệu quả, thực chất chương trình phối hợp với những nội dung đã ký kết giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương với Ban Nội chính. Thống nhất cơ chế phối hợp, chế độ thông tin báo cáo, giao ban, trao đổi thường xuyên, định kỳ trong các cơ quan, đơn vị khối Nội chính, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm”.
 
Thanh Long

tin liên quan

Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

(QBĐT) - Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sinh hoạt, thực hiện nền nếp sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ.
 

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo

(QBĐT) - Chiều 5/7/2022, đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Thị ủy Ba Đồn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2022. Tham dự có đồng chí Trương An Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ba Đồn.

Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan trọng và lâu dài

Chiều 5/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Han Duck-soo. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của Thủ tướng Han Duck-soo với Lãnh đạo nước ngoài kể từ sau khi nhậm chức.