Minh Hóa: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn
Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa Hoàng Thanh Bình cho hay: Từ nguồn vốn được phân bổ cho dự án phát triển GDNN vùng nghèo và vùng khó khăn, huyện đã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gồm: 5 lớp phi nông nghiệp, với 175 học viên và 5 lớp nông nghiệp, 170 học viên.
Sau khi tham gia học nghề, nhiều học viên đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế, đầu tư cho các mô hình kinh tế như mây tre đan, mở trang trại giống, mở nhà hàng ăn uống… tại địa phương. Hiện, phòng đang phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ sở GDNN tổ chức 7 lớp đào tạo nghề cho 241 lao động, với kinh phí 763,3 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện tích cực làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, các doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị nắm bắt, cùng phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Trong những tháng cuối năm, huyện dự kiến sẽ mở thêm 10 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng khó khăn, vùng còn nghèo của huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi thực hiện. Đó là, việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm do vướng mắc về văn bản hướng dẫn thực hiện, chưa kích thích được sự tham gia của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình…
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong tiến trình giảm nghèo bền vững, huyện Minh Hóa phấn đấu từ nay đến cuối năm 2023 tiếp tục phát triển GDNN về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo; gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các đối tượng hưởng lợi qua lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gồm: Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp… Huyện sẽ có giải pháp để hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo; gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...
Mục tiêu của huyện là đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 12,49%, giảm 2,5%, tương đương giảm từ 350-400 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo còn lại là 11,07%, tương đương giảm từ 450-500 hộ cận nghèo; giải quyết việc làm cho khoảng từ 2.200-2.500 lao động, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài từ 200-250 người.
Huyện Minh Hóa phấn đấu đến cuối năm 2023, thực hiện được ít nhất 7-10 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; 100% hộ nghèo có khả năng lao động, sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định; 100% hộ nghèo có nhu cầu và có sức lao động được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; 100% học sinh hộ nghèo được miễn giảm học phí, được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
|