Giữ "phố" trước mọi tình huống thiên tai
(QBĐT) - Qua bài học rút ra trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) của TP. Đồng Hới thời gian qua, cho thấy, mặc dù địa phương đã vận dụng tất cả nhân lực, phương tiện để phòng, chống và khắc phục hậu quả, nhưng nhìn chung phương tiện cứu hộ, cứu nạn (CHCN), kinh phí… chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhất là trong tình huống vượt lũ trên diện rộng...
Quyết tâm giữ “phố”
Năm 2022, trên địa bàn TP. Đồng Hới, thiên tai có phần giảm nhẹ so với những năm gần đây, không gây thiệt hại về người và ít thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, diễn biến lại xảy ra tình huống phức tạp, khó lường, trái quy luật nhiều năm, như: Lũ trái mùa vào đầu tháng 4, mới tháng 6 xuất hiện bão, tháng 11, 12 còn xuất hiện lũ...
Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: Trước những dự báo tình hình thiên tai và những ảnh hưởng đến thời tiết trên địa bàn trong thời gian tới, thành phố đã sớm triển khai các phương án ứng phó khi mưa bão xảy ra. Trong đó, phân công, bố trí lực lượng và phương tiện CHCN của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Đội Quy tắc và trật tự đô thị, Ban Quản lý dịch vụ công ích sẵn sàng và túc trực ở các địa bàn xung yếu, dễ bị chia cắt để hỗ trợ ứng cứu khi cần thiết; đồng thời tổ chức trực ban 24/24 giờ và báo cáo tình hình công tác ứng phó mưa lũ của địa phương, để có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân cũng như cơ sở hạ tầng trên toàn thành phố.
Đến nay, thành phố phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã cho 4 xã, phường (Bảo Ninh, Đức Ninh, Thuận Đức và Đức Ninh Đông); tuyên truyền và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu.Đặc biệt, thành phố đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng, lắp đặt hệ thống gồm 9 camera giám sát và 10 thiết bị cảm biến đo mực nước ở các khu vực trọng yếu, như: Thuận Đức, Đức Ninh Đông, Bắc Nghĩa, Phú Hải, Đồng Hải… để theo dõi, chỉ đạo công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); cấp phát 216 phao cứu sinh, 256 áo phao, 15 nhà bạt 24m2, 30 loa cầm tay cho các địa phương, đơn vị.
“Là một trong những địa phương đặc thù với địa hình ven biển, ngành nghề mưu sinh của người dân là dịch vụ nghề biển và đánh bắt thủy hải sản, nên xã Bảo Ninh rất chú trọng công tác PCTT. Toàn xã có trên 470 tàu thuyền (trong đó hơn 300 tàu có công suất trên 90CV) hoạt động trên biển và hàng chục quán kinh doanh, buôn bán ven biển, ven sông Nhật Lệ… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bảo Ninh đã tổ chức diễn tập, tập huấn nâng cao năng lực CHCN và nhận thức của người dân trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, xã bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCTT tại địa phương. Khi có thông tin về bão lũ, các lực lượng sẽ thông báo kịp thời, hướng dẫn người dân và tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn”, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Quang Vũ chia sẻ.
Thiếu phương tiện cứu hộ, cứu nạn
Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đoàn Hồng Quân, thực tế cho thấy, hiện nay, phương án PCTT tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sát thực tế nên khi thiên tai xảy ra còn lúng túng trong việc triển khai, ứng phó; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở của dân cư tại nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đủ tiêu chuẩn an toàn nên dễ bị thiệt hại lớn mỗi khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.
Năm 2022, trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi 1 trận lũ trái mùa đầu tháng 4; 2-3 cơn giông tố, lốcxuất hiện trong các tháng giao mùa (tháng 3, 4); 18 đợt gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường, gây ra 10 đợt rét, trong đó có 2 đợt rét đậm, rét hại (từ ngày 20-24/2 và từ ngày 2-3/4 với nhiệt độ tại thành phố là 10oC). |
Đặc biệt, Khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú (xã Bảo Ninh) đã được đưa vào sử dụng với quy mô 270 tàu dưới 300CV (220 chiếc từ 90CV đến dưới 150CVvà 50 chiếc từ 150-300CV), thế nhưng, chỉ riêng xã Bảo Ninh số lượng tàu thuyền đã nhiều, trên địa bàn thành phố còn có nhiều tàu trên 300CV và 13 tàu vỏ thép trên 800CV chưa có địa điểm phù hợp để neo đậu tránh trú.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân chưa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, phương tiện CHCN chưa đáp ứng đủ yêu cầu trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, nhất là trong tình huống thiên tai vượt lũ lịch sử, trên diện rộng.
Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới Lê Công Kim cho hay, hệ thống cây xanh trên trên địa bàn thành phố được trồng bổ sung khá nhiều, đơn vị tiếp nhận chăm sóc quản lý và đang triển khai cắt tỉa, chằng chống. Cùng với cây xanh, hệ thống đèn điện trang trí khá dày đặc, khó khăn trong công tác thu dọn, bảo quản. Trong khi công việc nhiều, nhưng nguồn kinh phí lại hạn hẹp, nên đơn vị mong nhận được sự chia sẻ, phối hợp của các ngành chức năng, sự đồng thuận của người dân trong việc hỗ trợ thu gọn cây cối, đồ đạc vật dụng có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho mỗi gia đình cá nhân và các công trình công cộng thành phố khi có gió bão xảy ra.
“Thành phố đã có đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu có phương án xử lý, điều chỉnh phù hợp Khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú; đồng thời, trang bị cho các địa phương các trang thiết bị chuyên dụng PCTT, CHCN như ca nô, xuồng cứu hộ, bổ sung kinh phí cho một số đơn vị trên địa bàn…”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan trao đổi thêm.
Hương Trà