(QBĐT) - Vận động ngư dân mang rác vào bờ sau mỗi chuyến vươn khơi, biến rác thải thành tiền để gây quỹ trợ giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn..., bằng những việc làm ý nghĩa thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đang lan tỏa ý tưởng “xanh” từ rác, nhân lên những hành động đẹp, nhân văn…
Mang rác... vào bờ
Với chiều dài bờ biển 12km cùng bờ sông rộng và đẹp, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) thích hợp để phát triển du lịch, dịch vụ và các hoạt động nghỉ dưỡng. Toàn xã hiện có 432 tàu, thuyền, trong đó có 207 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, khoảng 45% dân số trên địa bàn xã hoạt động nghề biển. Các hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển và hệ thống nhà hàng, dịch vụ ngày càng nhiều đã kéo theo lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng lớn.
Mong muốn chung tay bảo vệ môi trường, giữ sạch biển, với sự tài trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam thông qua Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, được phối hợp thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và Môi trường bền vững (SEEDS), từ tháng 8/2021, Hội LHPN xã Bảo Ninh đã bắt tay triển khai thực hiện mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh cho biết: Mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ” nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và thuyền viên đội thuyền đánh bắt hải sản tham gia thu gom rác thải nhựa vào bờ và bảo vệ môi trường biển; đồng thời hỗ trợ năng lực cho người dân xã Bảo Ninh thực hiện tái sử dụng lưới hỏng, lưới rách để đan thành các túi đựng đa mục đích như túi lưới đựng thực phẩm cho người đi chợ, túi đựng rác cho các tàu thuyền ra khơi..., giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt thủy hải sản ra môi trường biển.
Theo đó, từ nguồn hỗ trợ của WWF tại Việt Nam, Hội LHPN xã Bảo Ninh đã tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường; ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người; nâng cao nhận thức cho các hội viên, phụ nữ và chủ tàu thuyền về rác thải nhựa, giải pháp hạn chế rác thải nhựa. Cùng với đó, các hội viên, phụ nữ, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật đan túi lưới, cách tận dụng các loại lưới hỏng, lưới rách để đan túi đi chợ, túi đựng vật dụng gia đình và túi lưới đựng rác thải nhựa cho các tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản...
Cũng theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân, để thực hiện được mô hình, ban đầu hội đã cử các chị trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã trực tiếp đến vận động chủ tàu, thuyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển; trao tặng túi và hướng dẫn chủ tàu, thuyền gắn bảng nội quy, ký cam kết mang rác thải nhựa và lưới hỏng về bờ để các chi hội thu gom, tái chế, gây quỹ. Bằng công tác dân vận gần gũi, khéo léo, đến nay mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ” được Hội LHPN xã Bảo Ninh triển khai hiệu quả với trên 500 sản phẩm túi lưới; trong đó có 400 sản phẩm túi lưới đa năng đựng thực phẩm, đi chợ, đồ dùng và 100 túi đựng rác thải nhựa, ni lon phát cho các tàu thuyền.
Biến rác thành… tiền
Theo anh Phan Thanh Hải, thôn Đồng Dương, thường trong mỗi chuyến vươn khơi dài ngày, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều thức ăn, nước uống tiện lợi. Theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa, các thuyền viên thường vứt xuống biển. Nhưng nay, qua tuyên truyền, ngư dân nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển và cũng muốn đồng hành cùng Hội LHPN xã giúp đỡ những mảnh đời khó khăn nên đã thay đổi thói quen, không vứt rác xuống biển nữa mà thu gom và đưa vào tận bờ.
Toàn xã hiện có 100 tàu, thuyền đã tham gia dự án và chấp hành nghiêm túc việc thu gom rác thải từ biển vào bờ sau mỗi chuyến đi biển về. Ước tính trong 9 tháng thực hiện mô hình, 100 tàu, thuyền đã thu gom được khoảng 22.500 lon, chai nhựa các loại và khoảng 150-160kg túi ni lon. Hàng tuần, cán bộ chi hội, tổ phụ nữ phân công nhau đón tàu, thuyền thu gom rác để tái chế, bán phế liệu, biến rác thành tiền để xây dựng quỹ “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, dành để tặng quà cho trẻ em và phụ nữ nghèo trên địa bàn xã, thăm hỏi các trường hợp ốm đau…
Từ sáng kiến biến rác thành tiền, đến nay các chi hội, Hội LHPN xã đã thu được 25 triệu đồng để thăm và trao tặng 29 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngư dân gặp nạn trên biển; nhận làm mẹ đỡ đầu cho 1 cháu mồ côi trong thời gian 3 năm với mỗi năm hỗ trợ 2 triệu đồng tiền mặt và các cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện cho cháu yên tâm đến trường.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ: Mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ” và sáng kiến “Biến rác thành tiền” đã trở thành điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa bàn dân cư. Ngoài giá trị cốt lõi là chung tay bảo vệ môi trường khỏi tác hại của rác thải, mô hình còn lan tỏa trong cộng đồng nhiều ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Từ hiệu quả của mô hình, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng trong khắp các chi hội, tổ hội cơ sở, nhằm góp phần truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường, đồng thời khích lệ tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” trong nhân dân.
“Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở các công trình, phần việc, hành động các cấp hội đã triển khai thực hiện, Hội LHPN Việt Nam đã lựa chọn 130 công trình, phần việc, hành động tiêu biểu đưa vào vòng bình chọn tại cụm. Qua 2 vòng bình chọn trực tuyến, mô hình "Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ" để bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Hội LHPN xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) vinh dự được lựa chọn là 1 trong 13 công trình, phần việc xuất sắc tiêu biểu toàn quốc được biểu dương, khen thưởng tại đại hội. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ thành lập câu lạc bộ thu gom rác tại các xã biển nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Diệp Thị Minh Quyết chia sẻ thêm.
(QBĐT) - Trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Đồng Trạch (Bố Trạch) vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương.
(QBĐT) - Việc Chính phủ Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho người lao động (NLĐ) Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc đã khép lại nhiều cánh cửa hy vọng thoát nghèo của người dân tỉnh ta.