Các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai nhiều giải pháp ứng phó bão số 4-Noru

  • 15:50 | Thứ Ba, 27/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bão số 4-Noru được cho là siêu bão, với gió giật tới cấp 17, đang tiến vào miền Trung. Để giảm thiểu những thiệt hại do bão gây ra, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

* Thông tin từ ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh  cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 6.689 phương tiện/22.263 lao động, trong đó neo đậu tại bến là 6.681 phương tiện, đến 10h ngày 27/9/2022 còn 4 phương tiện/23 lao động đang hoạt động trên biển.  

Các tàu cá của ngư dân neo đậu an toàn tại các bến.
Các tàu cá của ngư dân đã neo đậu an toàn tại bến.

Cụ thể: Vùng biển ven bờ có 2 phương tiện/14 lao động; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có 1 phương tiện/5 lao động; vùng biển Nam Biển Đông có 1 phương tiện/4 lao độngCác phương tiện đã nắm bắt được thông tin bão số 4, hiện đang trên đường vào bờ, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích rau màu các loại chưa thu hoạch là 4.134 ha; diện tích thuỷ sản đang thả nuôi 2.479,5 ha và 743 lồng; dung tích các hồ chứa do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý đạt 52,9%; dung tích các hồ chứa địa phương quản lý trung bình đạt trên 48%.

Ông Trần Xuân Tiến cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của bão số 4 trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa rào rải rác, một số điểm có lượng mưa vừa và hiện mực nước tại các sông đều dưới báo động 1…

N.H

* Tại huyện Lệ Thuỷ, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện cho biết, để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 4 và mưa lũ lớn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo đó, UBND huyện Lệ Thuỷ đã có công điện đề nghị các địa phương ven biển là xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc phối hợp với Đồn Biên phòng Ngư Thủy thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn cất giữ tàu thuyền, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại nuôi trồng thủy hải sản.

Người dân các xã biển huyện Lệ Thuỷ di chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão số 4.
Người dân các xã biển huyện Lệ Thuỷ di chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão số 4.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương rà soát các khu vực thấp, trũng, ven biển, xung yếu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, dưới chân các hồ đập, các hộ gia đình yếu thế, nhà cửa thô sơ, tài sản, phương tiện có giá trị... để có phương án di dời đến nơi an toàn trước khi mưa bão đến; sẵn sàng phương án gia cố nhà cửa, biển hiệu, trụ sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công trình công cộng,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức giằng chống nhà cửa, chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản đề phòng bão, mưa lớn; không đánh cá, bắt chim, ếch, nhái, chuột, vớt củi, đua thuyền... khi có lũ để tránh tai nạn xảy ra…

Mặt khác, huyện Lệ Thuỷ cũng cảnh báo các khu dân cư ven sông, ven suối đề phòng lũ quét, sạt lở đất, người dân không được ra đường khi mưa bão xảy ra bảo đảm an toàn tính mạng; kiểm tra lại các trạm, chốt bảo vệ rừng, di dời lán trại đến địa điểm an toàn; không để người dân vào rừng khi bão lũ xảy ra; thông tin cho người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn…

Huyện Lệ Thuỷ yêu cầu các địa phương, ban, ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của cơn bão số 4 và mưa lũ để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là…

Ngọc Hải

* TX. Ba Đồn, đến thời điểm này, các địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện... sẵn sàng ứng phó với bão số 4.

Lực lượng chức năng giúp người dân gia cố nhà cửa.
Lực lượng chức năng giúp người dân gia cố nhà cửa.
Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, để chủ động ứng phó khi bão Noru đổ bộ vào đất liền và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra, TX. Ba Đồn duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; các địa phương ven biển và ven sông cũng đã tổ chức tuyên truyền cho người dân thực hiện cắt tỉa cành cây, giằng chống, gia cố biển hiệu, nhà cửa.
 
Đến thời điểm này, thị xã có hơn 800 tàu, thuyền đã neo đậu an toàn, trong đó 375 tàu từ 15m trở lên đã vào bờ tránh bão, còn 1 tàu hoạt động trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau cũng đã nhận được thông tin và nhanh chóng tìm nơi trú ẩn.
 
Bên cạnh đó, thị xã cũng thành lập các đoàn kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý sự cố tại các công trình phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh-quốc phòng tại các xã, phường; đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, chỉ đạo các địa phương thông báo cho nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng của sạt lở để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.
Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống thiên tai.
Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu trong mọi tình huống thiên tai.
Ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các hộ dân cũng đã chủ động các phương án để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. 
 
Trước đó, nhằm nâng cao trình độ, phương pháp và kỹ năng cứu hộ, cứu nạn trong lũ lụt, TX. Ba Đồn tổ chức các đợt diễn tập cho các lực lượng tham gia cứu hộ trên địa bàn; đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
X.Phú
 
* Tại TP. Đồng Hới, Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Ngọc Đan, cho biết: Cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn đã chủ động ứng phó với những diễn biến của bão số 4.
 
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã thu hoạch xong 814ha lúa hè-thu; còn 75 ha diện tích rau màu chưa thu hoạch; tổng số 648 chiếc tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn tại khu neo đậu và các bến đậu dọc sông Nhật Lệ; trên 300ha nuôi trồng thủy sản đang thả nuôi và 8 lồng bè của 2 hộ dân nuôi thủy hải sản trên sông Nhật Lệ (phường Phú Hải) đã thu hoạch xong và đưa tài sản lên bờ.
Các đơn vị thi công đang nỗ lực gia cố công trình đang xây dựng trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Các đơn vị thi công nỗ lực gia cố công trình đang xây dựng trên địa bàn thành phố.
Về tình hình các công trình hạ tầng, hiện, công trình kè biển Nhật Lệ thi công giai đoạn 2 đạt 30%; kè sông Phú Vinh đoạn qua Đồng Sơn dài 1km hoàn thành 70% khối lượng; đê kè sông Phú Vinh đoạn xã Đức Ninh về nhà máy nước thải 1,3km hiện đang thi công đạt 25% khối lượng. Hồ Phú Vinh đã có thông báo chưa tích trữ nước và đang cho nước chảy tự do qua tràn; 10 hồ đập thuộc quản lý của UBND các xã, phường mực nước từ 30-70% và không có sự cố.
 
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cơn bão số 4, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, TP. Đồng Hới chủ động triển khai các nhiệm vụ ứng phó cụ thể. Trong đó, tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và có phương án khắc phục hậu quả; có biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em ở những vùng thường ngập lụt; kiên quyết không để thiệt hại về người khi có bão, lũ xảy ra.
 
Cùng đó, chú trọng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, khu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực các cảng để bảo đảm an toàn, tránh chìm tàu, đứt dây neo, đậu không đúng quy định làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu.
Ban Quản lý dịch vụ Công ích TP. Đồng Hới thực hiện cắt, tỉa cành, cây xanh đô thị, chống đỡ cây xanh trên địa bàn trước khi bão đến.
Ban Quản lý dịch vụ Công ích TP. Đồng Hới thực hiện cắt, tỉa cành, cây xanh đô thị, chống đỡ cây xanh trên địa bàn trước khi bão đến.
Phòng Kinh tế hướng dẫn UBND các địa phương và chủ hồ, đập vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du; đồng thời, tổ chức các đoàn công tác chỉ đạo kịp thời các địa bàn, các công trình trọng điểm của địa phương, đơn vị; đôn đốc, chỉ đạo UBND các xã, phường, đơn vị, địa phương triển khai công tác PCTT và TKCN.
 
Trước đó, thành phố cũng đã đôn đốc chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường-Phát triển đô thị Quảng Bình, Trung tâm Công viên cây xanh thành phố, Ban Quản lý dịch vụ Công ích TP. Đồng Hới chủ động có kế hoạch kiểm tra hệ thống cống rãnh, khơi thông, tu sửa kịp thời các cống rãnh bị hư hỏng; thực hiện cắt, tỉa cành, cây xanh đô thị, chống đỡ cây xanh trên địa bàn; thành lập đội xung kích của đơn vị để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra trong mưa bão…
 
Hương Trà
 
* Huyện Tuyên Hóa đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là và triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Theo đó, các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát phương án ứng phó trong tình huống bão, mưa lũ xảy ra liên tiếp, dài ngày; triển khai kịp thời công tác phòng, chống bão lũ và cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để bị động, bất ngờ; nếu mưa bão diễn biến phức tạp, địa phương phối hợp với các lực lượng tổ chức triển khai phương án hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn liên vùng, liên xã.
Người dân Tuyên Hóa di dời lồng cá trên sông Gianh đến nơi an toàn.
Người dân Tuyên Hóa di dời lồng cá trên sông Gianh đến nơi an toàn.
Huyện Tuyên Hóa cũng lưu ý UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát các địa điểm, khu vực thấp, trũng và sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, như: Đồi Phòng không thôn Đồng Lâm (xã Đức Hóa); sông Rào Bội (xã Hương Hóa); thôn Xuân Canh (xã Thuận Hóa); thôn Lạc Hóa (xã Mai Hóa);  sạt lở dọc bờ sông Gianh ở thôn Lạc Sơn ( xã Châu Hóa)...
 
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, kiểm tra các bến đò ngang, điểm ngập sâu, nước chảy xiết; tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn, không để người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản trên sông, suối khi xảy ra mưa lũ. 
 
Các địa phương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, bảo đảm phục vụ người dân khi bị mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số. 
D.C.H
 
* Tin từ UBND huyện Minh Hóa, để giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại các khu vực biên giới chủ động ứng phó với bão Noru, huyện Minh Hóa vừa phân bổ khẩn cấp 4 tấn gạo để cấp cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa.
UBND huyện Minh Hóa hỗ trợ xã Thượng Hóa 2 tấn gạo ngay trong đêm 26-9-2022 nhằm giúp đồng bào Rục chủ động ứng phó với bão Noru một cách hiệu quả hơn.
Huyện Minh Hóa hỗ trợ xã Thượng Hóa 2 tấn gạo ngay trong đêm 26/9 nhằm giúp đồng bào Rục chủ động ứng phó với bão Noru.
Hiện, toàn bộ số gạo đã được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa  vận chuyển, bàn giao cho Đồn Biên phòng Ra Mai và Cà Xèng để chủ động phối hợp với chính quyền hai địa phương phân bổ kịp thời cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói trong thời điểm xảy ra bão, lũ.
 
Ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: "Ngoài số gạo của huyện Minh Hóa phân bổ, trước đó, địa phương đã chủ động đưa 1,5 tấn gạo vào gửi tại Đồn Biên phòng Cà Xèng để thuận lợi hơn trong việc phối hợp hỗ trợ cứu đói cho đồng bào Rục sinh sống tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Đây là những địa phương của xã Thượng Hóa thường xuyên bị lũ lụt cô lập dài ngày...".
 
Theo Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin: "Khi nắm bắt thông tin về cơn bão Noru, qua công tác rà soát, hiện xã Trọng Hóa còn 1,5 tấn gạo cứu trợ khẩn cấp (tại Đồn Biên phòng Ra Mai) nên đề xuất huyện Minh Hóa phân bổ thêm 2 tấn gạo nữa nhằm chủ động hơn trong công tác cứu đói cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cành khó khăn và sống trong vùng có nguy cơ bị chia cắt, cô lập dài ngày do bão, lũ lớn, như: Ra Mai, Lòm...".
Người dân xã Tân Hóa kiểm tra lại nhà phao để phòng chống bão Noru và mưa lớn một cách hiệu quả hơn.
Người dân Minh Hóa kiểm tra lại nhà phao để chủ động phòng, chống bão Noru.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Noru, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhằm tránh thiệt hại do bão lũ, như: Chủ động che chắn chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi, sẵn sàng di dời đàn gia súc khi cần thiết... 
 
Nhằm tăng cường thêm khả năng phòng, chống thiên tai cho các địa phương, đơn vị và người dân, huyện Minh Hóa yêu cầu các xã, thị trấn, thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ triển khai ngay một số nhiệm vụ, như: Chủ động quyết định việc đình hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách; bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt, sản xuất; căn cứ tình hình mưa lũ, chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh nghỉ học để an toàn cho học sinh...
 
Văn Minh
 
* Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão để triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn trong mọi tình huống. 
Ngư dân Cảnh Dương (Quảng Trạch) chằng néo tàu thuyền, đưa các thiết bị quan trọng về cất giữ để tránh va đập, thiệt hại khi có bão.
Ngư dân Quảng Trạch chằng néo tàu thuyền, đưa các thiết bị quan trọng về cất giữ để tránh va đập, thiệt hại khi có bão.
Trong sáng 27/9, huyện Quảng Trạch yêu cầu các địa phương ven biển và Đồn Biên phòng Roòn tiến hành kiểm đếm lần cuối, đưa tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Theo đó, đến thời điểm này, toàn bộ phương tiện tàu thuyền với 1.546 chiếc đã được đưa vào nơi neo đậu, chằng chống an toàn tại nơi tránh trú.
 
Các địa phương ở vùng sạt lở đất, vùng ngập lụt, như: Cảnh Hóa, Phù Hóa, Liên Trường, Quảng Thanh… tiến hành rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ cao để có phương án di dời, sơ tán dân. 
Ngư dân cẩn thận từng múi buộc để tránh thiệt hại.
Ngư dân cẩn thận từng múi buộc để tránh thiệt hại.
Trước đó, huyện Quảng Trạch tổ chức các đoàn đi kiểm tra và phân công cán bộ phụ trách công tác phòng, chống bão tại các xã trên địa bàn.
 
Tại các nơi đến kiểm tra, lãnh đạo huyện yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các phương án, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các điểm xung yếu; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chủ động giằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối, không đi lại ở các hồ đập, sông suối, các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở…
 
Phan Phương
 
* Để chủ động ứng phó với bão Noru và mưa lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngành điện và khách hàng, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống. 
PC Quảng Bình đang tập trung chặt cây cối thể gây ảnh hưởng đến lưới điện
PC Quảng Bình chặt cây cối có thể gây ảnh hưởng đến lưới điện
Theo đó, PC Quảng Bình xây dựng các phương án phòng, chống cụ thể, phù hợp với tình hình; thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.
 
Đến thời điểm này, ngành điện đã hoàn thành việc chặt cây cao có thể gây ảnh hưởng đến lưới điện, nhất là ở các khu vực đô thị và miền núi; các thiết bị điện ngoài trời có thể bị ảnh hưởng do mưa bão cũng đã được bao bọc cận thận; thành lập các tổ, đội xung kích sẵn sàng tăng cường cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh khi được huy động.  
 
Đối với người dân, ngành điện đã phát đi các nội dung tuyên truyền, như: Không đứng gần cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét; không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào các thiết bị điện, dây chằng néo cột, dây nối đất, hộp công tơ, hộp cầu dao để đề phòng điện giật do rò điện; không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn...  
Bọc các thiết bị điện ngoài trời để chống ảnh hưởng do mưa bão
Bọc các thiết bị điện ngoài trời để chống ảnh hưởng do mưa bão.
Khi có thiên tai xảy ra, khách hàng cần phải chủ động cắt các cầu dao, aptomat đầu nguồn điện vào nhà. Đặc biệt lưu ý, sau khi bão tan phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện trong nhà bảo đảm an toàn trước khi đóng điện trở lại.
 
Khi cần báo thông tin liên quan đến an toàn điện, hãy gọi số điện thoại của tổng đài 19001909 để được hướng dẫn và hỗ trợ.
X.V

tin liên quan

Tặng nhà tình nghĩa cho hộ đồng bào Vân Kiều đặc biệt khó khăn

(QBĐT) - Thông tin từ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 cho biết, đơn vị vừa tổ chức bàn giao căn nhà tình nghĩa cho 1 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Thành lập 3 công đoàn khu vực ngoài nhà nước

(QBĐT) - Ông Lương Phú Cường, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, Công đoàn KKT tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan vận động thành lập được 3 công đoàn ngoài khu vực nhà nước.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp dân ứng phó với bão Noru

(QBĐT) - Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trực tiếp về giúp nhân dân trên 2 tuyến biên giới ứng phó với bão số 4 (bão Noru) và mưa lũ kéo dài có thể xảy ra.