Tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

  • 08:25 | Thứ Năm, 23/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất của các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, góp phần cải thiện đời sống, tạo việc làm cho người dân, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng nông thôn, miền núi theo hướng CNH, HĐH.
 
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng cho biết: Với sự hỗ trợ của Bộ KH-CN, việc triển khai thực hiện một số dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả nhất định. Các hoạt động liên quan đến các dự án phù hợp với đặc điểm sinh thái vùng miền, tạo dấu ấn về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, được chính quyền các địa phương quan tâm và người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình.
 
Một trong những điểm mới của chương trình là thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất. Doanh nghiệp trở thành “bệ đỡ” giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và mang lại hiệu quả KT-XH rõ nét, góp phần vào công cuộc giảm nghèo cho địa phương.
 
Trong đó, nổi bật là dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học để lên men nguyên liệu sống chứa chất bột và xơ làm thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng” do Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh (Công ty Long Giang Thịnh) thực hiện.
 
Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty Long Giang Thịnh trao đổi: Việc sử dụng các nguồn bột và xơ không cần nấu, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để lên men làm thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần không nhỏ trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Sản xuất chế phẩm sinh học để chế biến nguyên liệu chứa chất xơ và bột làm thức ăn chăn nuôi tại Công ty Long Giang Thịnh.
Sản xuất chế phẩm sinh học để chế biến nguyên liệu chứa chất xơ và bột làm thức ăn chăn nuôi tại Công ty Long Giang Thịnh.
Việc sản xuất được chế phẩm sinh học để chế biến nguyên liệu chứa chất xơ và bột làm thức ăn chăn nuôi cũng sẽ góp phần chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, giảm giá thành, tạo thêm việc làm ổn định, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, tăng thêm thu nhập. Xuất phát từ những lý do trên và với nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có, Công ty Long Giang Thịnh đã thực hiện dự án này.
 
Đến nay, công ty đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyển giao thực hiện thành công 3 quy trình công nghệ, đó là: Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học chứa đa enzyme, nấm men và probiotic quy mô pilot (100kg/mẻ); quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi dạng lỏng (sản phẩm sau đường hóa và lên men từ bã thải chế biến tinh bột, xử lý bằng chế phẩm sinh học); quy trình chế biến và sử dụng thức ăn chăn nuôi từ bã thải chế biến tinh bột bằng chế phẩm sinh học quy mô hộ gia đình/cụm hộ gia đình (1 tấn/mẻ).
 
“Thực tế bước đầu cho thấy hiệu quả cao từ việc thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu cấp thiết để phát triển ngành chăn nuôi, tận dụng nguồn nguyên liệu nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Ứng dụng thành công của dự án và nhân rộng sẽ là triển vọng về vấn đề giải quyết thêm nhiều việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân vùng nông thôn trên địa bàn có thu nhập ổn định”, ông Lê Văn Thơ trao đổi thêm.
 
Tương tự, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tinh giống bò nhập ngoại sản xuất bê lai hướng thịt có năng suất, chất lượng cao” bước đầu cũng đã thu được kết quả tốt. Dự án do Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình tiến hành triển khai thực hiện.
 
Đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi thương phẩm bò lai F1 quy mô trang trại và xây dựng mô hình chăn nuôi thương phẩm bò lai F1 quy mô hướng nông hộ trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (mỗi địa phương 15 bò lai F1 Brahman trắng lai Zebu và 15 bò lai F1 Droughtmaster lai Zebu). Dự án đã cung ứng 14.300 liều tinh cho 11.000 bò cái lai Zebu được lựa chọn khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh sinh sản. 100% bò thụ tinh nhân tạo đạt kết quả; trong đó có 3.000 con đã sinh sản lứa 1, 3.000 con đã sinh sản lứa 2, 5.000 con đã sinh sản lứa 3.
 
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long chia sẻ: Người dân một số xã trên địa bàn huyện Bố Trạch hưởng lợi từ dự án đều phấn khởi. Việc cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo sử dụng giống chất lượng cao mang lại những thuận lợi trong chăn nuôi, bò lai phát triển nhanh, ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Các xã hiện đang nhân rộng giống bò lai như: Nam Trạch, Tây Trạch, Hòa Trạch, TT. Nông trường Việt Trung... Qua đó mở ra một hướng mới cho ngành chăn nuôi bò; đồng thời quá trình triển khai thực hiện mô hình đã giúp người chăn nuôi bò trên địa bàn có thêm thông tin khoa học về giống bò mới, có cơ hội để lựa chọn tổ hợp lai hướng thịt đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và chuyển đổi cơ cấu đàn bò, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.
 
“Những năm tiếp theo, Sở KH-CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT phục vụ sản xuất và chế biến nông sản, trong đó lựa chọn các giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bảo đảm ổn định an ninh lương thực, từng bước nâng cao đời sống người dân, phục vụ ngày càng hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng khẳng định.
 
Hương Trà

tin liên quan

Chương trình "Áo ấm mùa đông" cho trẻ em vùng khó khăn

(QBĐT) - Hội từ thiện Từ bi hỷ xả và Câu lạc bộ PICKUP-SUV Quảng Bình vừa tổ chức chương trình "Áo ấm mùa đông" cho trẻ em tại 6 bản vùng cao xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Đưa "Ánh sáng vùng biên" về bản Sắt

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 22-12, Đồn Biên phòng Làng Mô phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà tài trợ bàn giao công trình "Ánh sáng vùng biên" tại bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

Triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới

Những người thuộc diện chính sách theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế mới từ ngày 1-1-2022.