Hiểu biết pháp luật, đẩy lùi hủ tục

  • 08:35 | Thứ Sáu, 22/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, nhiều hủ tục, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở huyện Minh Hóa vẫn âm ỉ diễn ra, làm ảnh hưởng chất lượng dân số, nguồn nhân lực và là lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Vì thế, để đẩy lùi hủ tục, các cấp, ngành, đơn vị ở huyện Minh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, trong đó đẩy mạnh nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân vùng ĐBDTTS…
 
Âm ỉ nạn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
 
Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư phát triển KT-XH, huyện Minh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền ĐBDTTS xóa bỏ các hủ tục, nhất là chống nạn TH-HNCHT, góp phần cải thiện chất lượng dân số và xây dựng đời sống văn hóa ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số hủ tục, đặc biệt là nạn TH-HNCHT trong vùng ĐBDTTS ở Minh Hóa vẫn âm ỉ xảy ra.
 
Cách đây hơn 20 năm về trước, ông C.X.T. và bà C.T.K., người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa kết hôn. Hai vợ chồng ông T. và bà K. lần lượt sinh đến 7 đứa con nhưng hiện tại chỉ còn được 1 đứa. Những đứa con của họ sinh ra đều yếu ớt, chỉ nuôi được chưa đầy năm đều mắc phải các căn bệnh lạ rồi qua đời. Bà K. do kết hôn sớm, sinh nhiều con, sức khỏe ốm yếu nên cũng đã mất khi chưa đầy 40 tuổi. Được biết, trước khi trở thành vợ chồng, ông T. và bà K. là anh em con cô, con cậu (mẹ của ông T. là chị ruột của bố bà K.).
 
Mới 24 tuổi nhưng Hồ Thị Q., người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa đã có 3 đứa con lít nhít. Lấy chồng sớm, sinh nhiều con nên chị Q. thường xuyên đau ốm. Cuộc sống gia đình gồm 5 người chỉ trông chờ vào việc đi rừng của người chồng là anh Hồ H. (SN 1998). Do còn trẻ tuổi, lo toan nhiều và phải lao động cực nhọc, sức khỏe anh Hồ H. cũng không được tốt nên vất vả mãi mà cuộc sống gia đình anh cũng không khá lên được.
Tuyên truyền pháp luật về giảm TH & HNCHT cho ĐB DTTS ở huyện Minh Hóa (ảnh chụp năm 2019, khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19).
Tuyên truyền pháp luật về giảm TH & HNCHT cho ĐB DTTS ở huyện Minh Hóa (ảnh chụp năm 2019, khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19).
Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết, trước đây, trong vùng ĐBDTTS ở huyện Minh Hóa vẫn âm ỉ tồn tại nhiều hủ tục, đặc biệt là nạn TH-HNCHT. Tuy nhiên, nhờ tuyên truyền, vận động nên nhiều hủ tục đã được đẩy lùi, tình trạng TH-HNCHT đã được ngăn chặn đáng kể. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã không còn xảy ra tình trạng HNCHT, nạn TH tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra ở hầu hết các nơi có ĐBDTTS sinh sống…
 
Câu chuyện đổi thay
 
Xác định nạn TH-HNCHT là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng chất lượng dân số, nguồn nhân lực và là lực cản đối với sự phát triển KT-XH, những năm qua, hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã tích cực chung tay thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, quyết tâm đẩy lùi nạn TH-HNCHT.
 
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) thuộc Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) phối hợp thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề về TH-HNCHT cho phụ nữ, trẻ em vị thành niên là người DTTS tại 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa”.
 
Ông Châu Văn Huệ, Phó Giám đốc CIRD cho biết, dựa trên đặc điểm về tự nhiên và xã hội vùng ĐBDTTS, đó là nhiều người không biết chữ hoặc không hiểu rõ tiếng phổ thông, CIRD đã lựa chọn việc xây dựng, vận hành các câu lạc bộ (CLB) gia đình và pháp luật (GĐ-PL) với thành viên chủ yếu người bản địa làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, chuyển tải các nội dung cần trao đổi đến với bà con. Các thành viên này trở thành các tuyên truyền viên cộng đồng, tham gia hỗ trợ và phổ biến các kiến thức liên quan đến pháp luật về hôn nhân, gia đình tại địa phương.
 
Điểm mới trong cách tuyên truyền pháp luật lần này là CIRD tổ chức các phiên tòa giả định với sự tham gia của đông đảo học sinh từ bậc THCS trở lên. Qua phiên tòa, các em biết được thế nào là TH, như thế nào là HNCHT và anh em trong phạm vi 3 đời thì không được kết hôn, biết được độ tuổi phù hợp để kết hôn. Từ đó, các em có thể tự mình thực hiện hoặc tuyên truyền cho gia đình, bạn bè, anh em trong bản làng để thực hiện tốt việc phòng, chống nạn TH-HNCHT.
 
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân liên quan đến TH-HNCHT, CIRD phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh lập đường dây nóng liên lạc, tư vấn pháp luật; đại diện, bào chữa cho các vụ án liên quan đến TH-HNCHT hoặc bạo lực gia đình. Người dân bắt đầu tiếp cận được dịch vụ tư vấn pháp lý trực tuyến. Bên cạnh đó, hoạt động của các thành viên CLB GĐ-PL ở địa phương đã góp phần giúp ĐBDTTS hiểu biết pháp luật, giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT.
 
Bà Cao Thị Hậu, người Sách, thành viên CLB GĐ-PL xã Hóa Sơn chia sẻ: “Dự án đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Sau khi được tập huấn, tôi cảm thấy tự tin hơn để chia sẻ kiến thức cho cộng đồng. Chúng tôi đã giúp được nhiều gia đình không còn bạo lực nữa, góp phần ngăn chặn các hủ tục, đặc biệt là nạn TH-HNCHT và những hệ lụy của nó trên địa bàn…”
 
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đánh giá: “Dự án nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề về TH-HNCHT tại Minh Hoá đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức của ĐBDTTS. Đặc biệt giúp phụ nữ, trẻ em vùng ĐBDTTS có thêm kiến thức pháp luật, ý chí và động lực để vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách liên quan đến ĐBDTTS, đưa đời sống của người dân đi lên.”
 
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2014 đến 2017, số vợ chồng ĐBDTTS tảo hôn chiếm 22,46% và HNCHT chiếm 0,85% trong tổng số các cặp kết hôn trên toàn tỉnh. Tại huyện Minh Hóa, năm 2015, số vợ chồng ĐBDTTS tảo hôn chiếm 9,19% và vẫn còn 2 trường hợp HNCHT chiếm 0,15%. Tuy nhiên, đến năm 2020, số vợ chồng ĐBDTTS tảo hôn còn 16,1% và không còn trường hợp HNCHT nào xảy ra.
 
Phan Phương

tin liên quan

Kết hợp cấp căn cước công dân và tiêm vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp thống nhất về việc chia sẻ, xác thực thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19 trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Yếu tố quyết định thành công của đường Hồ Chí Minh trên biển

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết: "Giữ bí mật - yếu tố quyết định thành công của đường Hồ Chí Minh trên biển" của Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
 

TP. Đồng Hới: Quyết tâm giữ vững thành quả phòng chống dịch

(QBĐT) - Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngành chức năng, lực lượng tuyến đầu và tinh thần đoàn kết, tự nguyện của mỗi người dân, đến nay, TP. Đồng Hới là "vùng xanh" an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch Covid-19.