.

Kết nối yêu thương

.
14:13, Thứ Năm, 26/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhiệt huyết và luôn sẵn sàng sẻ chia yêu thương, những bạn trẻ đam mê làm tình nguyện đã thành lập nên câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện mang tên Đồng Quê. Qua 4 năm hoạt động, CLB đã đứng ra kêu gọi được hơn 6 tỷ đồng để xóa nhiều điểm trường tạm, làm công trình nước sạch, giúp đỡ  nhiều hoàn cảnh khó khăn...
 
Hướng về đồng bào miền núi
 
Chúng tôi gặp Phạm Quang Thành, thủ lĩnh của CLB thiện nguyện Đồng Quê lúc anh đang bận cùng mọi người gấp rút hoàn thiện công trình nước sạch cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa.
 
Thành chia sẻ, anh sinh sống và làm việc ở Quảng Trị nhưng lại gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Bình như một cơ duyên. Sau nhiều lần tham gia các hoạt động thiện nguyện về với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi huyện Minh Hóa, Thành luôn trăn trở phải làm gì đó thật ý nghĩa để giúp đỡ những người dân nghèo khó này. Và ngày 19-10-2014, Thành đã thành lập CLB thiện nguyện Đồng Quê tại Quảng Bình với mục đích sự sẻ chia, trao gửi yêu thương tới các vùng miền, các em học sinh và bà con còn gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu thành lập, thành viên chủ chốt của CLB gồm 10 bạn trẻ đam mê làm tình nguyện và 10 tình nguyện viên tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
 
“Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, em rất thương những em nhỏ phải học tập trong những căn nhà tạm bợ. Trời nắng hay mưa các em đều phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. Em luôn ấp ủ mong muốn xây cho các em những điểm trường dù nhỏ thôi nhưng phải kiên cố và vững chắc.”, Thành tâm sự.
 
Sau khi vận động được nguồn tài trợ, vào đầu năm 2017, CLB thiện nguyện Đồng Quê đã bắt tay vào xây dựng điểm trường đầu tiên tại bản Ka Oóc, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Điểm trường này từ khi thành lập vẫn phải dựng tạm bằng tranh, tre, nứa, lá. Học sinh gặp vô số khó khăn khi mùa mưa đến. Vào đầu mùa hè, 20 bạn  tình nguyện viên của CLB và một tốp thợ xây đã trực tiếp lên bản Ka Oóc để xây dựng điểm trường mầm non và làm sân bóng chuyền. Nhóm của Thành không giao hoàn toàn cho thợ xây mà trực tiếp tham gia xây dựng để giảm bớt chi phí...
 
Bản Ka Oóc ở trên một ngọn núi cao, đường đi vô cùng hiểm trở. Để có thể vận chuyển vật liệu lên tới bản, các tình nguyện viên đã cùng với bà con khiêng vác từng viên đá, viên gạch đi bộ suốt quãng đường dài. Phải mất hơn 10 ngày CLB mới vận chuyển hết vật liệu xây dựng lên tới bản và phải mất hơn một tháng mới hoàn thiện được điểm trường mầm non bản Ka oóc.
 
“Không điện, không nước, sinh hoạt của các thành viên trong CLB thiếu thốn trăm bề. Nhóm tình nguyện phải tự túc đi chợ, hoặc mua măng nứa của người dân để nấu ăn. Nhiều lúc phụ xây xong mệt quá, tưởng chừng như không nuốt nổi cơm, nhưng ai cũng động viên nhau cùng cố gắng”, Thành nói.
 
Sau 4 năm đi vào hoạt động, CLB Đồng Quê đã vận động nguồn lực để xây dựng 3 điểm trường mầm non ở các bản Ka Oóc, Hưng, Ka Rét thuộc xã Trọng Hóa (Minh Hóa) và 2 phòng học tạm của Trường mầm non Hóa Hợp (Minh Hóa) với trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.
Các tình nguyện viên CLB thiện nguyện Đồng Quê phải tự tay đào đất để đặt ống dẫn nước sạch từ đầu nguồn về bản Roong (Trọng Hóa).
Các tình nguyện viên CLB thiện nguyện Đồng Quê phải tự tay đào đất để đặt ống dẫn nước sạch từ đầu nguồn về bản Roong (Trọng Hóa).
Không chỉ chung tay xóa các điểm trường tạm, CLB Đồng Quê còn vận động thực hiện các công trình nước sạch tự chảy cho bà con các xã miền núi. 
 
Anh Trần Khoa Học, thành viên CLB cho biết, những công trình nước sạch đầu tiên là ở bản Roong và bản Si, thuộc xã Trọng Hóa. Dân bản bao đời nay dùng nước khe suối ngay trước nhà để sinh hoạt. Nguồn nước này do người dân, gia súc, gia cầm dùng chung nên không bảo đảm vệ sinh.
 
Sau khi khảo sát, các tình nguyện viên thuộc CLB Đồng Quê đã lên tận khe núi đầu nguồn để xây bể chứa nước, rồi dẫn nước về bản bằng đường ống chuyên dụng nằm sâu dưới lòng đất. Sau đó, xây bể dự trữ nước tại bản và dẫn đường ống về các bồn inox để chứa nước cho người dân sử dụng. Tại bản Roong, công trình nước sạch được kéo về tận bản và chia ra 8 bồn nước, cứ khoảng 4-5 hộ sử dụng 1 bồn nước, nước tự chảy nên quanh năm bà con luôn có nước để sử dụng.
 
Vì các khe suối có nguồn nước sạch đều nằm rất xa chỗ người dân sinh sống, nên để làm được một công trình nước sạch tự chảy cũng phải mất một khoản tiền rất lớn. Để tiết kiệm chi phí, các thành viên trong CLB đã trở thành những “kỹ sư” tự làm tất cả mọi việc để hoàn thiện công trình.
 
“Đường sá xa xôi lại rất khó đi nên để vận chuyển được ống lên khe suối đầu nguồn nước không phải là việc dễ dàng. Các thành viên của CLB vừa đào đường ống vừa phải phát quang bụi rậm để mở đường. Vì quãng đường khá dài nên công trình nước sạch ở bản Roong phải làm cả tháng trời mới xong”, Học tâm sự. 
 
Các tình nguyện viên trong CLB đều cho rằng, mỗi chuyến đi là thêm một lần các bạn được trải nghiệm. Có đi tận nơi, thấy tận mắt mới biết được vẫn còn rất nhiều trường hợp khó khăn đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Chính vì vậy, các thành viên trong CLB luôn dành nhiều thời gian cho hoạt động tình nguyện, công trình này gần hoàn thiện thì lại tiếp tục kêu gọi, lên kế hoạch để thực hiện công trình khác. Hiện tại, CLB đang xây dựng công trình cầu phao Vạn Phúc 4, tại thôn Đồng Sơn, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng và chuẩn bị khởi công xây dựng công trình hệ thống nước sạch tại bản Ka Oóc xã Trọng Hóa (Minh Hóa) với trị giá hơn 300 triệu đồng.
 
Chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh
 
Với phương châm “Chia sẻ vì cộng đồng”, mỗi thành viên của CLB thiện nguyện Đồng Quê đều không ngừng đóng góp sức mình giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. 
Từ khi điểm trường mầm non bản Hưng được xây mới, việc dạy và học của cô trò ở đây cũng đỡ vất vả hơn.
Từ khi điểm trường mầm non bản Hưng được xây mới, việc dạy và học của cô trò ở đây cũng đỡ vất vả hơn.
Cái tên CLB thiện nguyện Đồng Quê đã quá quen thuộc đối với người dân nghèo trong toàn tỉnh bởi những chương trình, hoạt động ý nghĩa mà CLB thực hiện. Đó là hành trình tiếp sức các em học sinh nghèo vượt khó, tặng bò cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình nghĩa cho người dân nghèo… Hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống là hoạt động luôn được ưu tiên hàng đầu của CLB.
 
Phạm Tiến Văn, thành viên của CLB tâm sự, ngay bản thân Văn cũng không thể nhớ hết là CLB đã đi bao nhiêu nơi, giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn sau thiên tai bởi quá nhiều. Chỉ cần mưa lũ đi qua, các tình nguyện viên của CLB  lại  trực tiếp về những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất, khảo sát thực tế để kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ;  đã có hàng nghìn suất quà được trao tận tay bà con vùng lũ. Những món quà này không chỉ đơn thuần giúp người dân vượt qua khó khăn mà còn thêm ấm lòng họ,  bởi nó được gửi gắm trong đó sự yêu thương, chia sẻ của cả cộng đồng.
 
Không chỉ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng, nhờ có CLB “tiếp sức” lại tiếp tục được đến trường. Em Nguyễn Như Quỳnh, ở thôm Tam Đa, xã Tiến Hóa là một trong những số đó. Từ khi sinh ra Quỳnh chưa từng biết cha mình là ai, mẹ Quỳnh lại ốm đau bệnh tật. Hai mẹ con chỉ biết nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ dột nát, cứ hễ trời mưa là Quỳnh lại phải đưa mẹ qua nhà hàng xóm trú tạm. Biết được hoàn cảnh của Quỳnh, CLB đã cùng với một số nhóm thiện nguyện khác kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để xây nhà cho mẹ con Quỳnh và trợ cấp tiền hàng tháng để em có thể tiếp tục tới trường.
 
“Mỗi thành viên trong CLB làm những công việc khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đam mê thiện nguyện. Thời gian tới, CLB tiếp tục duy trì các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa để có thể san sẻ nhiều hơn nữa, góp phần đem lại điều tốt đẹp trong cuộc sống”, Phạm Quang Thành tâm sự.
 
Lan Chi
,