Thơ chọn-Lời bình: Cây rơm mùa gặt

  • 07:52 | Chủ Nhật, 07/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Em và cây rơm mùa gặt
Lên từ mặt đất dâng lên
Hạnh phúc ấm no trừu tượng
Bỗng thành rơm vàng và em
 
Anh ôm từng ôm vàng óng
Nồng say thô nhám cuộc đời
Em xây cao dần chiếc tổ
Đi qua những mùa sinh sôi
 
Em lên quá tầm tay với
Mải mê theo ngọn rơm vàng
Anh ném thêm phần gốc rạ
Thiết tha bùn đất ruộng đồng
 
Không ngờ chiều nay anh được
Ấm no hạnh phúc đáp đền
Hạt thóc cho người khó nhọc
Phần anh rơm vàng và em.
                                 Hải Kỳ
<em>                                                                           Minh họa:</em> <strong>Minh Quý</strong>
                                                                           Minh họa: Minh Quý

Lời bình:

Tưởng không cần nói gì thêm về cái hay, cái đẹp ở bài thơ trên; bởi cái hay, cái đẹp ở đây như chất đường trong mía đã thấm rất tự nhiên vào hồn người đọc.
 
Tác giả tâm sự: Nhân cuộc đi chơi, ngang đường thấy một người con gái đẹp đang xây rơm, anh dừng lại xin được cùng tham gia. Thế rồi..., nếu không có cái đa tình, cái đam mê lạ kỳ của thi sĩ và sự lựa chọn tình huống thông minh của người con trai trong bài thơ trên thì làm sao người con trai kia gần gũi được người đẹp, rồi thi sĩ có được bài thơ hay!
 
Công việc xây rơm tuy nhẹ nhàng song ít người thích, bởi sự xót xáy, khó chịu của nó. Người xây rơm dù muốn hay không đều phải ôm rơm vào lòng để tung lên, để rắc đều, và.... thế này nữa: Sau khi xây xong thì người ở dưới cây rơm còn nhiệm vụ đón người ở trên cây rơm... Trong bài thơ trên rõ ràng người trên cây rơm là em (người đẹp), người dưới cây rơm là anh (nhà thơ):
 
“Em và cây rơm mùa gặt
Lên từ mặt đất dâng lên”.
 
Hình tượng cây rơm lên thật sống, cứ như thể cây nấm, cây thông. Nó cụ thể mà lại rất gợi. Em và rơm vàng là sự kết tinh của hạnh phúc ấm no:
 
“Anh ôm từng ôm vàng óng
Nồng say thô nhám cuộc đời
Em xây cao dần chiếc tổ
Đi qua những mùa sinh sôi”.
 
Từ “cây rơm” đến “chiếc tổ”, hình tượng thơ được vận động, phát triển theo mối liên tưởng đẹp, khiến người đọc, người nghe càng thêm thú vị. Cái tổ ấy xây nên từ những sợi rơm vàng óng và thô nhám cuộc đời, từ những mùa sinh sôi...
 
Hình ảnh này đan cài hình ảnh kia như là sự đan dệt tuyệt vời cái tổ tình yêu vậy! Chưa dừng lại ở đó, cái tổ còn thêm ý nghĩa từ “bùn đất ruộng đồng”, từ “gốc rạ” nữa! Khen cho sự tinh tế của tâm hồn nhà thơ đã nhìn thấy những gì mà người thường không thấy:
 
“Em lên quá tầm tay với”.
 
Nghĩa đen nghĩa bóng lồng nhau. Anh cứ ném... và em cứ đón, cứ xây... Có gì ở đây làm ta liên hệ đến hình ảnh đôi chim xây tổ. Dẫu có lúc em ở quá tầm tay anh với thật, nhưng mặt đất là nơi anh đứng, rốt cuộc em vẫn về trong vòng tay yêu dấu của anh. Đó là hạnh phúc dành cho anh, hạnh phúc của em bên cạnh hạnh phúc của bao người:
 
“Hạt thóc cho người khó nhọc
Phần anh rơm vàng và em”.
 
Cái kết của bài thơ liên tưởng người làm ra hạt thóc, cọng rơm đã nâng tư tưởng bài thơ lên, tạo thành niềm cảm kích, xúc động. Bài thơ giản dị, tứ hay mà tình cũng đẹp!
 
Lý Hoài Xuân

tin liên quan

Hội làng truyền thống dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(QBĐT) - Trong 2 ngày 28-29/4 (tức mồng 9 và 10/3 âm lịch), làng Thổ Ngọa và Thuận Bài, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn tổ chức lễ hội làng truyền thống nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Minh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. 

Quảng bá hò khoan Lệ Thủy tại Festival nghề truyền thống Huế

(QBĐT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2023, hò khoan Lệ Thủy vinh dự cùng 69 cơ sở, làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Huế và các tỉnh, thành trong cả nước tham gia sự kiện.