Khi hiện vật kể chuyện

  • 07:36 | Thứ Năm, 25/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình là tọa độ lửa, nơi tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Từ năm 1964 đến đầu năm 1973, Quảng Bình bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thị xã Đồng Hới và một số địa phương khác bị hủy diệt hoàn toàn. Chiến tranh đã lùi xa nhưng các chứng tích vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất này. Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh có hàng trăm ảnh, hiện vật, là những câu chuyện chân thật về tội ác của kẻ thù, sự vô nhân đạo của chiến tranh.
 
Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Quảng Bình là một trong những vùng bị đánh phá ác liệt, đâu đâu cũng có hố bom, mảnh đạn. Quang cảnh quê hương tiêu điều, nhân dân ở các khu vực trọng điểm đánh phá phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi tản cư. Hình ảnh những em bé phải rời xa cha mẹ, gia đình sơ tán đến các tỉnh phía Bắc vùng chiến tranh ít ác liệt hơn (còn gọi là chiến dịch K8, K10, K15…).
 
Cuộc hành trình đó cũng đầy hiểm nguy, nhiều lần máy bay địch phát hiện bắn phá. Có em ra đi với manh áo cộc, cái mũ rơm, giọt nước mắt ngắn dài khi phải xa người thân rồi không còn quay trở về khi bị bom Mỹ tàn sát trên đường. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động đủ các loại máy bay hiện đại nhất với những thứ vũ khí hủy diệt, như: Bom bi, bom napan, bom từ trường… Hạm đội 7 ngoài Biển Đông bắn pháo, rocket… với tần suất dày đặc. Cùng với đó là biết bao bi thương, mất mát đối với quân và dân ta.
 
Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhiều hiện vật chứng tích tội ác của kẻ thù gây xúc động lòng người. Hiện vật chiếc túi xách, áo gối của em Trần Thị Tuyết được mẹ mua ngày em đi nhà trẻ khi tuổi vừa lên hai. Sau trận bom thù thả xuống, em không còn nữa chỉ còn nhặt lại được chiếc túi xách đồ chơi nho nhỏ màu xanh, cái áo gối còn loang máu. Em mất đi khi tuổi đời còn quá nhỏ, cái tuổi còn bập bẹ tập đi tập nói, ấm áp trong vòng tay mẹ.
 
Hiện vật quyển vở mà em Lê Thị Hiền đang chép dang dở bài học, sau loạt bom những gì còn sót lại là cuốn vở cháy xém và cơ thể không còn lành lặn của em. Các hiện vật, như: Sách, vở, của các em học sinh trường cấp 2 Đồng Phú, thị xã Đồng Hới bị bom Mỹ (chiều ngày 24/9/1968) làm cháy rách, nhiều em chết và bị thương. Mảnh bom hiện đang trưng bày tại bảo tàng đã cướp đi sinh mạng của bốn em nhỏ giữa một buổi học vào ngày 7/5/1965. Đó là những vết thương lòng không thể nguôi ngoai.
Mỗi hiện hiện vật tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử cảm động.
Mỗi hiện hiện vật tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử cảm động.
Trong những lớp học bị tàn phá có hình ảnh các em bị thương mất tay, mất chân, vết sẹo dài trên khuôn mặt ngây thơ ngày nào. Hiện vật chiếc khăn quàng đỏ của em Trần Thị Miên, em đã mất khi lúc cứu em nhỏ trong một trận bom. Chiếc khăn quàng em mang là kỷ vật còn lại của người đội viên dũng cảm.
 
Sau những năm chiến tranh phá hoại, Quảng Bình gần như bị hủy diệt, cầu cống phố xá nhà cửa đông vui giờ chỉ còn sặc mùi đạn bom. Các bức ảnh về nhà thờ Tam Tòa, chùa Phổ Minh đổ nát hoang tàn sau nhiều loạt bom. Hiện vật bức tượng Phật không còn lành lặn như minh chứng cho nỗi đau, sự mất mát của người dân Quảng Bình. Chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ đối với Quảng Bình cho thấy sự vô nhân đạo của chiến tranh. Những cơ sở dân sự, như: Trường học, trạm y tế, chùa chiền, nhà thờ, miếu mạo… cũng bị đánh phá.
 
Hiện vật tấm bảng tiểu phẫu thuật là những gì còn sót lại sau trận bom mà đằng sau đó là biết bao sinh mạng. Bảo tàng còn lưu giữ hiện vật cuốn sách về y tế của nữ y tá Nguyễn Thị Nhượng ở xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa). Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chị đã dũng cảm tích cực công tác, cứu sống nhiều bệnh nhân. Ngày 12/6/1967, máy bay Mỹ thả bom trúng hầm, chị Nhượng hy sinh cùng với 3 con nhỏ.
 
Bảo tàng còn có hiện vật là các tập bệnh án thời kỳ những năm 1967, 1968 của các cơ sở y tế thuộc tỉnh Quảng Bình điều trị cho người dân bị thương do bom đạn Mỹ. Trong số đó đặc biệt có tập bệnh án của chị Phạm Thị Tải ở xã Đức Ninh (Đồng Hới) bị trúng đạn pháo của hạm đội Mỹ phải nhập viện khi có thai 6 tháng gây nên vết thương dập ổ bụng, thai nhi chết; tập tài liệu nghiên cứu y học chữa bệnh của cán bộ y tế Bệnh viện huyện Quảng Trạch tìm thấy trong đống đổ nát sau trận bom Mỹ ngày 14/6/1965, tàn sát nhiều cán bộ, bác sĩ và bệnh nhân...
 
Ngoài ra, còn có hiện vật lá thư của chị Phan Thị Biển Khơi, chiếc ví da của anh Lê Binh Chủng là câu chuyện về một tình yêu bất diệt. Anh Lê Binh Chủng quê ở Nghệ An kết duyên cùng chị Phan Thị Biển Khơi, họ là những người lính chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên. Sự tàn khốc của chiến tranh đã chia cắt người vợ trẻ xa chồng, người con thơ xa cha mãi mãi. Chiếc ví da, bức thư được tìm thấy trong túi ba lô của anh Lê Binh Chủng khi phát hiện hài cốt của anh sau gần 30 năm anh hy sinh tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Những mong ước của chị Biển Khơi trong bức thư về một ngày về gia đình sum họp đã nằm lại cùng anh dưới cỏ non Thành cổ.
 
Ngoài ra, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng đang lưu giữ và trưng bày những hiện vật thể hiện quyết tâm đánh Mỹ, khát khao hòa bình, mong ước ngày sum họp… Trong số đó có lá thư, cuốn vở của liệt sỹ Hoàng Thị Minh Thú ở xã Cảnh Hóa (Tuyên Hóa). Giá như không có chiến tranh, chị sẽ là một cô giáo, ngày ngày uốn nắn từng nét chữ cho con trẻ. Chiến tranh khiến chị phải gác lại tất cả, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, những lúc ngớt bom thù chị vẫn tự học thêm cho đến ngày hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
 
Trong cuốn vở học thêm, những nét chữ của chị vẫn còn nguyên trong hành trang ra trận của người chiến sĩ mãi mãi tuổi hai mươi. Lá thư là kỷ vật cuối cùng của chị Hoàng Thị Minh Thú viết cho gia đình trước lúc hy sinh 6 tiếng đồng hồ. Để rồi thời gian không lâu sau, người mẹ già cùng lúc nhận thư cùng với giấy báo tử của người con gái thân thương.
 
Hiện vật là lá thư của liệt sỹ Lê Thị Bá, thanh niên xung phong thuộc đơn vị 759. Khi chị đang viết lá thư gửi cho gia đình, thì bị máy bay Mỹ thả bom trúng, chị hy sinh đêm 30/9/1965. Đó là lá thư của chị Lê Thị Anh Đào, là thanh niên xung phong chiến đấu tại Quảng Bình gửi cho người yêu trước lúc chị hy sinh ngày 31/12/1967.
 
Những hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh về tội ác của kẻ thù xâm lược đã phần nào khắc họa chân thật bức tranh cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Mỗi hiện vật, hình ảnh là mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện đầy tính nhân văn, đầy thương đau toát lên khát khao hòa bình, khát khao độc lập, tự do. Giá trị của hòa bình được minh chứng từ nỗi đau của chiến tranh.
 
Những thông điệp từ hình ảnh, hiện vật giúp cho chúng ta thấu hiểu sự cống hiến hy sinh mất mát của cha ông để có được hòa bình hôm nay. Quảng Bình hôm nay đang đổi mới phát triển từng ngày, càng nhìn về quá khứ, chúng ta càng thấy quý thực tại để cố gắng cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.                                                                          
                                                                                   Mai Thế Trung
                                                                      (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh)

tin liên quan

Giữ phố qua ảnh: Bài 2: "Gạch nối" giữa quá khứ và hiện tại

(QBĐT) - Kho tàng ảnh tư liệu về Đồng Hới không chỉ bắt nguồn từ các gia đình truyền thống về nhiếp ảnh hay các nghệ sĩ nhiếp ảnh, mà có lẽ nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những "kỷ vật" về thành phố bên bờ Nhật Lệ.

Tập huấn chuyên đề "Văn học nghệ thuật đương đại" cho hội viên

(QBĐT) - Ngày 24/5, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình tổ chức tập huấn chuyên đề "Văn học-nghệ thuật đương đại" cho hội viên hoạt động trên các lĩnh vực của VHNT. 
 

Mùa ngoài

(QBĐT) - Mùa ngoài xuân hạ thu đông
Thử làm lữ khách lông nhông ruộng đời…