Giữ phố qua ảnh: Bài 2: "Gạch nối" giữa quá khứ và hiện tại

  • 07:33 | Thứ Tư, 24/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kho tàng ảnh tư liệu về Đồng Hới không chỉ bắt nguồn từ các gia đình truyền thống về nhiếp ảnh hay các nghệ sĩ nhiếp ảnh, mà có lẽ nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những “kỷ vật” về thành phố bên bờ Nhật Lệ. Để kho tàng đó không phôi pha theo năm tháng, phủ lớp bụi mờ của thời gian và những ký ức về Đồng Hới được lưu giữ vẹn nguyên, chắc hẳn rất cần những giải pháp dài hơi, bền vững.
 
 
Tác giả Ngọc Bội (SN 1952, xã Võ Ninh, Quảng Ninh) đã gắn bó với nhiếp ảnh từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Vốn là cộng tác viên với Báo Dân (tờ báo của tỉnh Bình Trị Thiên cũ) từ năm 1976. Với chiếc máy ảnh cũ của Liên Xô được một người bạn tặng, ông bắt đầu chập chững nối duyên với nghề nhiếp ảnh. Từ mày mò học hỏi kinh nghiệm và sau nhiều bài học quý giá, ông ngày càng gắn bó với chiếc máy ảnh để ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quê hương. Sự nghiệp nhiếp ảnh của ông dường như gắn liền với Đồng Hới, bởi tình yêu của ông dành cho mảnh đất và cũng vì nhiều sự kiện quan trọng của Quảng Bình lưu dấu ở thành phố này.
 
Ông vốn được mệnh danh là “nhà nhiếp ảnh sự kiện”, nên với chiếc máy ảnh trên tay, ông hầu như không bỏ qua một khoảnh khắc trọng đại nào của quê hương, từ các đại hội Đảng bộ tỉnh, khánh thành sân bay Đồng Hới, cầu Nhật Lệ 1… cho đến những dấu mốc quan trọng khác. Đặc biệt, quá trình xây dựng tượng đài Mẹ Suốt, một trong những công trình ghi dấu ấn bên sông Nhật Lệ cũng được ông khắc họa vẹn nguyên đầy cảm xúc và là một hành trình ông nhớ mãi không quên.
 
Ông chia sẻ, nhiều tấm ảnh quý được ông trao tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, còn hầu hết được ông lưu giữ như kho tài liệu riêng của bản thân. Tuy nhiên, trận “đại hồng thủy” năm 2020 đã lấy đi hầu như tất cả hình ảnh tư liệu mà ông chụp được trong suốt gần 50 năm qua và cả chiếc máy ảnh-người bạn đồng hành cùng ông qua bao năm tháng tác nghiệp.
 
Ông bùi ngùi tâm sự, ở khu vực xã Võ Ninh, do nước lũ lên nhanh, bất ngờ, ông và gia đình chỉ kịp thời di chuyển đến nơi an toàn, không còn thời gian để cất giữ các hình ảnh tư liệu. Giờ đây, ngoài những hình ảnh được lưu giữ ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, ông không còn giữ được các tư liệu quý trong quá trình hoạt động nhiếp ảnh của mình. Đây là điều rất nuối tiếc đối với ông.
<img alt="Triển lãm ảnh " Đồng="" hới="" xưa="" và="" nay="" "="" thu="" hút="" đông="" đảo="" người="" dân,="" du="" khách,="" nhất="" là="" các="" bạn="" trẻ.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/202305/original/images754431_z4365532265029_16711193e4ef87331b5b61849dd1a768__1_.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/202305/original/images754431_z4365532265029_16711193e4ef87331b5b61849dd1a768__1_.jpg" style="width: 800px; height: 480px;">
Triển lãm ảnh "Đồng Hới xưa và nay" thu hút đông đảo người dân, du khách, nhất là các bạn trẻ.
Còn đối với anh Phan Thanh Xuân (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới), người gần 30 năm sưu tầm các tư liệu về mảnh đất gió Lào cát trắng, ý tưởng về một thư viện số lưu giữ những hình ảnh sưu tầm về Quảng Bình nói chung và Đồng Hới nói riêng đã được nung nấu từ rất lâu, nhưng vốn dĩ thật khó để có thể trở thành hiện thực. Miệt mài sưu tầm về hình ảnh Quảng Bình trong suốt những năm qua, đối với anh Phan Thanh Xuân, đó không chỉ là niềm say mê thôi thúc, mà còn là trách nhiệm đối với quê hương.
 
Với kiến thức về công nghệ thông tin, anh có nhiều cơ hội tìm hiểu, khám phá các trang web nước ngoài và từ đó, nhờ nỗ lực của bản thân và bạn bè, nhiều hình ảnh về Quảng Bình, Đồng Hới trong quá khứ được anh lưu giữ, chia sẻ khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng về những hình ảnh của quê hương. Dù đang điều trị trọng bệnh ở Thủ đô Hà Nội, nhưng chỉ cần nhắc về kho tư liệu này, anh lại như được tiếp thêm sức mạnh với nhiệt huyết, đam mê. Anh kể, trong hơn 50.000 hình ảnh về Quảng Bình anh sưu tầm được, có rất nhiều hình ảnh về Đồng Hới những ngày xưa cũ, có bức ảnh để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm và phải rất khó khăn anh mới có thể sưu tầm về.
 
Hiện tại, anh Phan Thanh Xuân đã tặng một số hình ảnh tư liệu quý về Quảng Bình, Đồng Hới cho các cơ quan chức năng. Trong thâm tâm, anh rất mong muốn thành lập một thư viện ảnh số, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, thư viện ảnh số khó có thể nên hình hài. Vì vậy, anh có kế hoạch sẽ tiếp tục tặng hình ảnh, tư liệu cho cơ quan chức năng để công chúng có nhiều cơ hội thưởng lãm và chia sẻ hình ảnh về Quảng Bình, Đồng Hới.
 
Còn theo bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đơn vị rất hoan nghênh khi nhiều nhiếp ảnh gia, nhà sưu tầm đã lựa chọn Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để gửi gắm đứa con tinh thần của mình. Mỗi dịp có sự kiện lớn của tỉnh, đơn vị đều tổ chức các triển lãm ảnh, sử dụng nguồn tư liệu quý này để giới thiệu đến công chúng gần xa. Trong tương lai, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh mong muốn kết nối gần hơn với những người đam mê sưu tầm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, tác giả ảnh để có thể sưu tầm hiện vật quý và có cơ hội quảng bá đến công chúng. Theo kế hoạch số hóa của bảo tàng, thời gian tới, các bức ảnh tư liệu quý sẽ được số hóa để có thể bảo đảm lưu trữ tốt nhất những hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình nói chung, Đồng Hới nói riêng.
 
Thực tế cho thấy, những tư liệu về hình ảnh trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh và người dân còn rất nhiều. Việc tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm vốn quý này đóng vai trò quan trọng để mở rộng thêm những hiểu biết về mảnh đất, con người Quảng Bình. Bên cạnh đó, để không đánh mất cơ hội lưu giữ kho tư liệu hình ảnh, vẫn rất cần những giải pháp bền vững hơn trong việc sưu tầm, lưu giữ. Tận dụng thành tựu công nghệ thông tin, lưu giữ trong không gian số là một trong những giải pháp được xem là hiệu quả nhất hiện nay.
 
Chính vì vậy, ông Hoàng Thế Việt, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới chia sẻ, thời gian tới, thành phố sẽ có dự định triển khai sưu tầm, lưu giữ các hình ảnh, tư liệu về Đồng Hới theo kế hoạch để góp phần lan tỏa những hình ảnh về mảnh đất, con người thành phố đến với công chúng, nhất là người trẻ. Vừa qua, triển lãm ảnh “Đồng Hới, xưa và nay” trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới rất thu hút người xem, nhất là khách du lịch. Cần lắm nhiều sự kiện như thế này để làm “gạch nối” hiệu quả giữa quá khứ-hiện tại, thay vì chỉ tổ chức trong những dịp lễ hay sự kiện quan trọng.
 
Bên cạnh đó, vai trò của người trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của tư liệu về quê hương cần được quan tâm và mở rộng hơn nữa. Với sức nhiệt huyết tuổi trẻ và tri thức ứng dụng công nghệ mới cùng sự hỗ trợ tích cực hơn của cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể, chắc hẳn công tác này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho tư liệu cũ đến tay công chúng gần xa.
Mai Nhân

tin liên quan

Mùa ngoài

(QBĐT) - Mùa ngoài xuân hạ thu đông
Thử làm lữ khách lông nhông ruộng đời…

Đã nghe…

(QBĐT) - Đã nghe
dế gáy bờ rào

Giữ phố qua ảnh: Bài 1: Những người lưu hồn phố

(QBĐT) - Trước đổi thay của thời gian, con tạo xoay vần, ký ức về một Đồng Hới trong quá khứ dường như vẫn không hề phai nhạt. Điều đáng quý, vẫn còn đó những con người cần mẫn lưu giữ trong kho tàng riêng của mình từng bức hình tư liệu về Đồng Hới như nhắc nhớ về một thời gian khó.