Giữ phố qua ảnh: Bài 1: Những người lưu hồn phố

  • 07:24 | Thứ Ba, 23/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước đổi thay của thời gian, con tạo xoay vần, ký ức về một Đồng Hới trong quá khứ dường như vẫn không hề phai nhạt. Điều đáng quý, vẫn còn đó những con người cần mẫn lưu giữ trong kho tàng riêng của mình từng bức hình tư liệu về Đồng Hới như nhắc nhớ về một thời gian khó. Tuy nhiên, để các tư liệu quý giá đó không bị lãng quên, vẫn cần nhiều nỗ lực dài hơi, mang tính bền vững, thay vì chỉ là những cuộc triển lãm đơn lẻ nhân dịp các sự kiện, lễ, Tết.
 
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những con người yêu Đồng Hới đến thế bất cứ thời khắc nào trong cuộc sống hàng ngày. Dù là nhà nhiếp ảnh với máy ảnh trên tay lưu giữ từng ký ức đẹp về thị xã “Hoa hồng” hay là nhà sưu tầm, nghiên cứu hình ảnh tư liệu về Đồng Hới, tất cả họ đều toát lên một tình yêu đậm sâu, da diết với Đồng Hới xưa và nay, hướng tới nỗ lực để hình ảnh thành phố ở trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử cũng sẽ được lưu giữ dài lâu.
 
Hiệu ảnh Phi Văn Lưu trong ký ức của nhiều người dân Đồng Hới ắt hẳn sẽ chẳng phai mờ. Theo lời của ông Phi Văn Cường, con trai của cụ Phi Văn Lưu, là người con duy nhất của cụ tiếp tục theo đuổi nghề ảnh gia truyền, hiệu ảnh Phi Văn Lưu là một trong những hiệu ảnh đầu tiên và lớn bậc nhất của Đồng Hới giai đoạn trước năm 1945.
 
Cụ Phi Văn Lưu vốn là người làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP. Hà Nội)-là làng nghề nhiếp ảnh lâu đời, cái nôi của bộ môn nghệ thuật này. Gia đình cụ vốn khá giả, nhưng sau đó phải đối mặt với nhiều khó khăn thời cuộc, cụ trải qua nhiều nghề và đặc biệt được học nghề ảnh từ chính anh rể mình (là học trò của cụ Nguyễn Đình Khánh, người được làng Lai Xá suy tôn là ông tổ nghề nhiếp ảnh).
 
Sau đó, cụ Phi Văn Lưu vào Sài Gòn rồi ra Huế làm việc cho một tiệm ảnh. Sau nhiều lần cùng bạn bè ra Đồng Hới chơi, cụ nhận thấy mảnh đất này có thể phát triển nghề nhiếp ảnh. Cụ quyết định đến với Đồng Hới, mở hiệu ảnh và lập nghiệp tại mảnh đất xinh đẹp bên bờ Nhật Lệ này vào khoảng năm 1933-1936.
 
Cũng theo lời kể của ông Phi Văn Cường, không phải là người Đồng Hới, nhưng cụ rất yêu quý mảnh đất và con người nơi đây, thể hiện rõ qua từng bức ảnh cụ chụp dù đó là chân dung hay cảnh quan, góp phần lưu giữ lại cho hậu thế những hình ảnh về Đồng Hới thời kỳ gian lao đó. Ông Phi Văn Cường tiếp lời, cụ Phi Văn Lưu sớm giác ngộ cách mạng và tham gia nhiều hoạt động trước và sau năm 1945. Năm 1954, cụ đưa gia đình về lại Đồng Hới, vừa làm nghề chụp ảnh, vừa tham gia các hoạt động ở địa phương.
 
Đặc biệt, năm 1957, cụ chính là người chụp ảnh Bác Hồ về thăm Quảng Bình tại sân vận động Đồng Hới. Cụ là chủ nhiệm của Hợp tác xã nghề ảnh Hồng Việt, là Bí thư Đảng bộ khu phố Đồng Đình. Người thợ chụp ảnh năm nào vẫn luôn vẹn nguyên tình yêu với Đồng Hới cho đến khi qua đời vào năm 1975.
Công trình xây dựng của Đồng Hới thời kỳ trước qua góc máy của NSNA Võ Xuân Bé.
Công trình xây dựng của Đồng Hới thời kỳ trước qua góc máy của NSNA Võ Xuân Bé.
Nối nghiệp cha, ông Phi Văn Cường vẫn luôn nỗ lực theo nghề nhiếp ảnh và lưu giữ những hình ảnh về Đồng Hới trước bao biến cố thời cuộc. Ông chia sẻ, nghề nhiếp ảnh không đơn giản chỉ là kế sinh nhai, mà đó còn là cách ông tiếp nối tình yêu nghề, yêu quê hương, yêu Đồng Hới của người cha. Nay tuổi đã cao, ông mong muốn có nhiều cơ hội được sưu tầm những bức ảnh của cha ông đã chụp, nhất là các bức ảnh về Đồng Hới đề góp phần lưu giữ vẹn nguyên ký ức.
 
Với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Võ Xuân Bé (SN 1945), gần 50 năm gắn bó với nhiếp ảnh là cũng từng ấy thời gian ông chứng kiến, chiêm nghiệm biết bao đổi thay của quê hương và thị xã “Hoa hồng”. Vốn dĩ được học bài bản về văn hóa quần chúng tại Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa (nay là Trường đại học Văn hóa Hà Nội), năm 1970, ông nhập ngũ, chiến đấu qua nhiều chiến trường, bị thương và an dưỡng tại một bệnh xá.
 
Tại đây, cơ duyên đến với nghề nhiếp ảnh khi ông gặp một người bạn vốn làm nhiếp ảnh. Vậy là từ đó, ông bắt đầu theo nghiệp nhiếp ảnh và gắn bó suốt cả cuộc đời. Sau này khi về công tác tại Ty Văn hóa Quảng Bình rồi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông có điều kiện đi học chuyên sâu về nghề nhiếp ảnh và được sống, hòa mình trong không gian văn hóa nghệ thuật.
 
Đồng Hới trong NSNA Võ Xuân Bé không chỉ là mảnh đất ông yêu thương mà còn là “cái nôi” ông gửi gắm tình yêu với nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông còn nhớ mãi kỷ niệm khi mới vào nghề khi được chụp ảnh nhân sự kiện lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến thăm tuyến lửa Quảng Bình. Mặc dù lúc đó chỉ vừa mới vào nghề, mang vai trò học việc là chủ yếu, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông say mê tác nghiệp bất chấp hiểm nguy. Ông theo sát bước chân của lãnh tụ Cuba trên đất Đồng Hới với một số bức ảnh, tuy nhiên, do chiến tranh và điều kiện bảo quản, các bức ảnh đã không còn, điều này khiến ông luyến tiếc mãi.
 
Từ đó, ông gắn bó với Đồng Hới, cảm nhận và trăn trở sự đổi thay hàng ngày trên mảnh đất cửa biển này. Những bức ảnh của ông về Đồng Hới bình dị, sâu lắng như nhịp thở hàng ngày, là kết quả của sự quan sát, chiêm nghiệm về cuộc sống sâu sắc, từng trải của người NSNA. Nhờ những bức ảnh đó, người xem thấy được sự chuyển mình của thành phố trong “cơn lốc” của thời cuộc, nhưng vẫn giữ được nét duyên riêng có để ta thêm yêu thêm quý mảnh đất, con người nơi đây.
 
Ông chia sẻ những ký ức không quên về xóm chài ở chân cầu Dài thuở trước. Những bức ảnh khi con chữ về với trẻ em xóm chài chân thực, giàu tính nghệ thuật đã mang đến cho ông nhiều giải thưởng nhiếp ảnh cao quý. Vượt lên tất cả, qua tác phẩm, ông mong muốn sự đổi thay để những con người xóm chài có cuộc sống mới, ấm no hạnh phúc hơn, trẻ em được đến trường…
 
Nhiều bức ảnh của ông về các công trình xây dựng ở Đồng Hới hàng chục năm về trước giúp người xem hình dung về một sự đổi thay, “lột xác” của Đồng Hới để có được diện mạo như ngày hôm nay. Tất cả chính là kho tư liệu quý để lưu giữ về Đồng Hới cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Còn nhiều, rất nhiều nữa những người giữ hồn phố qua ảnh mà trong bài viết này không có cơ hội nhắc đến. Đó là các hiệu ảnh thời kỳ trước năm 1954; các nhiếp ảnh gia, NSNA giai đoạn chiến tranh, thời kỳ đổi mới và cả thế hệ các NSNA trưởng thành giai đoạn sau những năm 1990 với những tên tuổi nổi bật…
 
Chỉ biết rằng, họ-dù ở lứa tuổi nào, giai đoạn lịch sử nào-vẫn luôn vẹn nguyên một tình yêu dành cho Đồng Hới và giúp cho công chúng nhung nhớ về Đồng Hới của ngày xưa. Tuy nhiên, để những ký ức đó được vẹn nguyên, vẫn rất cần sự chung tay, vào cuộc của cơ quan chức năng và những ai thực sự quan tâm với mong muốn lưu giữ phố qua ảnh.
Mai Nhân
 
Bài 2: “Gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại

tin liên quan

Những khoảnh khắc giản dị của vị đại tướng dưới góc máy NSNA Trần Tuấn

Bộ 9 ảnh "Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân" đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 cho thấy sự gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự kính mến mà nhân dân dành cho ông.
 

"Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"

(QBĐT) - Đó là nội dung dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện.

Khai mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật Nhật Lệ năm 2023

(QBĐT) - Chiều 22/5, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Bắc Trung bộ, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức khai mạc trại sáng tác VHNT Nhật Lệ năm 2023.