Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn

  • 07:52 | Thứ Ba, 28/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, địa phương, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động trưng bày và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng khác cũng được đơn vị triển khai hiệu quả.
 
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh có thêm 4 di tích lịch sử được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, gồm: Cụm chứng tích chiến tranh xã Bắc Trạch (Bố Trạch), làng chiến đấu Lệ Sơn (xã Văn Hóa, Tuyên Hóa), khu ba miếu thôn Trường Dục (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh), trận địa pháo phân đội nữ dân quân xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa). Bảo tàng còn hoàn thiện hồ sơ di tích lịch sử mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm ở xã Lương Ninh (Quảng Ninh), hiện đang trình Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch xem xét xếp hạng di tích quốc gia.
 
Ngoài ra, đơn vị còn hoàn thiện lý lịch các di tích: Mộ Nguyễn Phạm Tuân (xã Quảng Tùng, Quảng Trạch), đình Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy), di tích chiến khu Rào Trù (xã Trường Xuân, Quảng Ninh), trận đánh lịch sử trên sông Gianh ngày 28/4/1965 tại xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn); đồng thời thẩm định giá trị dấu hiệu các di tích: Chùa Đặng Lộc (Cam Thủy, Lệ Thủy), mộ Nguyễn Đăng Tuân (Hồng Thủy, Lệ Thủy).
 
Bảo tàng còn phối hợp với phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý di tích và đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu giá trị di tích trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm 2022, đơn vị đã hướng dẫn, phục vụ hơn 25.000 lượt khách tham quan tại Quảng trường Hồ Chí Minh, hoàn thiện 65 bài thuyết minh các di tích trình Sở Văn hóa-Thể thao thẩm định và tiếp tục hoàn thiện những bài thuyết minh về các di tích đã được xếp hạng còn lại…
Với không gian đẹp, hiện vật tư liệu phong phú, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong, ngoài tỉnh.
Với không gian đẹp, hiện vật tư liệu phong phú, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong, ngoài tỉnh.
Công tác bảo quản, tu bổ di tích từng bước được chú trọng. Đơn vị đã triển khai tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp một số di tích; hoàn thành tu bổ công trình Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) cùng nhà lao Đồng Hới (phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) và hướng dẫn về chuyên môn cho các địa phương thực hiện tu bổ di tích với nguồn vốn xã hội hóa.
 
Trong công tác bảo tàng, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ bảo vật quốc gia bia “Tứ triều Nguyên lão” gửi Cục Di sản Văn hóa trình Hội đồng xét duyệt bảo vật quốc gia; sưu tầm, tiếp nhận và mua 119 hiện vật, 94 tư liệu, 100 file ảnh và ảnh. Cũng trong năm 2022, Bảo tàng đã tiếp nhận 25 sách tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật; tiếp nhận 40 sách tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung (Hà Nội); phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày triển lãm ảnh cổ động với chủ đề “Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác”.
 
Đơn vị còn trưng bày, triển lãm ảnh: “65 năm Quảng Bình làm theo lời Bác dạy” và phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận trưng bày, triển lãm văn hóa Chăm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh; tham gia triển lãm ảnh tại ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam-Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên năm 2022...
 
Ngay từ đầu năm 2023, bảo tàng đã đón rất nhiều đoàn khách, trong đó có các trường học trên địa bàn tỉnh đến tham quan hiện vật, tư liệu được trưng bày, triển lãm. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm thơ và diễn ca lịch sử (gồm 110 bài thơ và diễn ca) mang tên “Theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung (Hà Nội)-người có cơ duyên gặp gỡ, sáng tác, viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng trong suốt 20 năm qua. Cũng trong dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tác giả đã trao tặng các tác phẩm thơ, diễn ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
 
Theo bà Lê Thị Hoài Hương, đây là nguồn tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua các tác phẩm thể hiện sự tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng kính yêu đối với nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình nói riêng.
 
Việc tiếp cận các nguồn tư liệu này nhằm giúp cho người xem hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời cách mạng của Đại tướng nhằm ra sức học tập, rèn luyện, noi gương Đại tướng để cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm được diễn ra tại bảo tàng thu hút rất đông du khách và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia, điển hình như triển lãm sách, ảnh “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-Cuộc đời và sự nghiệp” với rất nhiều tư liệu sách, ảnh về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-vị tướng tài ba mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại…
 
Số lượng hiện vật, tư liệu phong phú được trưng bày, sắp xếp theo chủ đề, giai đoạn lịch sử giúp người xem dễ dàng tiếp cận các thông tin cần nghiên cứu, tìm hiểu nên bảo tàng thu hút rất đông đối tượng người xem là học sinh và những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, nơi đây còn là điểm “check-in” lý tưởng cho khách du lịch bởi không gian thoáng và đẹp.
 
Nhằm tiếp tục tạo nên những diện mạo mới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang tập trung nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số (khi được cấp kinh phí), trong đó, ưu tiên việc số hóa 3D các hiện vật tiêu biểu.
 
Phát hiện, điều tra, kiểm kê dấu hiệu di tích, thẩm định giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, sưu tầm, nghiên cứu tư liệu lập hồ sơ khoa học, trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích… là nhiệm vụ được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra hiện trạng, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm di tích; tổ chức khảo sát, rút gọn khu vực bảo vệ cho một số di tích thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình… và một số nhiệm vụ liên quan khác.
 
          Nh.V

tin liên quan

Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam-Khởi nguồn và động lực phát triển"

(QBĐT) - Sáng 27/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển".

[Infographics] Bối cảnh ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam

Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được công bố tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng cuối tháng 2/1943 là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
 

Bảo tàng "đặc biệt"

(QBĐT) - Cho đến hôm nay, người dân Hiền Ninh vẫn lưu giữ trọn vẹn những hiện vật "một thời khói lửa" theo cách riêng có của mình tại một bảo tàng "đặc biệt"-"Bảo tàng cách mạng trong lòng dân".