"Hãy để cho tác phẩm tự bầu ra tác giả"

  • 10:42 | Thứ Năm, 02/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù thời gian gắn với “nghiệp” văn chưa dài, nhưng bằng tài năng và niềm đam mê sáng tác, cây bút trẻ Trác Diễm, công tác tại Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh vinh dự trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân mới, nhà văn Trác Diễm chia sẻ niềm vui và những dự định của mình trên hành trình sáng tác văn học nghệ thuật.
 
- Với đầy ắp thông tin, tư liệu về văn hóa, lịch sử, quê hương, con người, tiềm năng du lịch Quảng Bình được thể hiện qua từng tác phẩm, phải chăng, nơi “chôn nhau cắt rốn” và quãng thời gian công tác trong ngành Du lịch đã cho Trác Diễm nhiều trải nghiệm quý báu để hình thành nên những trang viết?
 
- Đúng vậy, Trác Diễm được sinh ra, lớn lên ở quê hương Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Từ nhỏ, Diễm đã có niềm đam mê với sách, báo và mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà báo. Thế nhưng lớn lên, Trác Diễm lại muốn làm du lịch bởi sức hút từ những địa danh du lịch ngay trên chính quê hương mình. Và rồi, Diễm được trở thành một hướng dẫn viên du lịch sau những năm đèn sách.
 
Từ công việc thực tế hàng ngày, Trác Diễm nhen nhóm ý tưởng làm sách để lưu giữ những điều mình nói, mình biết vì nếu chỉ nói, khách nghe xong người nhớ, người quên, trong khi các tài liệu hiện có chỉ cung cấp thông tin cơ bản theo kiểu tờ gấp, sách mỏng. Trác Diễm nghĩ rằng chỉ có lưu lại thành sách mới có thể trở thành nguồn tư liệu cho những ai yêu mến và muốn khám phá sâu hơn về vùng đất này. Thế là Diễm “lao” vào viết.
 
Diễm luôn chuẩn bị sẵn giấy, bút để tranh thủ viết ngay trên những chuyến đò đưa khách đến các điểm tham quan. Sau giờ làm việc, Diễm tập trung vào việc viết, viết đến quên cả giờ ăn, ngủ… Khi đã viết xong trên 500 trang giấy, Diễm thuê người đánh máy nhưng người nhận tập bản thảo chê chữ quá xấu không đọc được (vì nhiều trang viết ngay trên thuyền) nên Diễm cẩn thận chép lại, tổng cộng 2 lần chép là trên 1.000 trang giấy. Và rồi, tác phẩm đầu tay “Hồn lau trắng" ra đời (2014).
 
Tên gọi của tác phẩm xuất phát từ việc hàng ngày đưa khách tham quan, Diễm bị cuốn hút bởi bạt ngàn bông lau trắng bên bờ sông Son. Theo kinh nghiệm dân gian của người xưa thì lau nở hoa là dấu hiệu dự báo mùa bão lũ đã hết. Cây lau còn gợi cho người ta liên tưởng đến sự dẻo dai, sức chịu đựng và khát vọng vươn lên. Sách được in thành 500 cuốn, độ dày 500 trang và rất nhanh chóng được người đọc đón nhận, yêu thích, nhất là các bạn sinh viên.
Nhà văn Trác Diễm.
Nhà văn Trác Diễm.
Năm 2015, Trác Diễm chuyển về công tác tại Hội VHNT tỉnh, nối nghiệp cha theo con đường sáng tác. Mang trong mình niềm tự hào về miền quê di sản, nên những tác phẩm sau này của Trác Diễm cũng xoay quanh đề tài du lịch, nổi bật là tác phẩm “Tiếng vọng Ma Coong” khai thác sâu về văn hóa, phong tục tập quán của một vùng đất; “Đất khát” nói về một vấn đề rất thời sự lúc bấy giờ là việc rà phá bom mìn sau do chiến tranh để xây dựng cuộc sống mới...
 
- Nói đến Trác Diễm, nhiều bạn đọc yêu văn chương nghĩ ngay đến những trang viết nồng nàn hơi thở cuộc sống, chứa đựng trong đó tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, con người… Và ở hoàn cảnh nào, nhân vật của Diễm cũng vươn lên trước nghịch cảnh, hướng đến một tương lai tươi sáng. Và đó cũng là khát vọng sống, khát vọng vươn lên của tác giả?
 
- Trên hành trình đi và viết, Trác Diễm luôn hướng đến những số phận khổ đau, bất hạnh. Bởi Diễm nhìn thấy họ có nghị lực sống, nghị lực vươn lên vô cùng mạnh mẽ và quan trọng nhất là tư cách của họ. Dù họ nghèo, khổ nhưng đa số những con người Diễm đã gặp, đã viết đều lương thiện, “thơm tho” và trong sáng. Họ biết tìm cách để vượt qua những mất mát bằng sự âm thầm lặng lẽ.
 
Nó giống như những lớp sóng ngầm. Trác Diễm luôn dành cho nhận vật của mình những khoảng lặng để họ nhìn nhận lại các vấn đề, để thấu được nỗi đau vạn vật như côn trùng lột xác, cây cối cũng phải trầy da, tróc vỏ mới lớn lên. Con người cũng thế, phải trải qua những va vấp, khổ ải để trưởng thành. Vì vậy, khi viết nên những tác phẩm ấy, Diễm không có ý định hướng hay thay đổi một ai mà là viết cho mình, cho cuộc đời này. Cứ để cho trái tim tự ngân lên giai điệu của riêng mình.
 
- Tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận hành trình lao động nghệ thuật miệt mài, bền bỉ của người nghệ sĩ. Trác Diễm có nghĩ rằng đây là bước ngoặt để người cầm bút khẳng định bản thân và tiếp tục tạo những “dấu ấn mới”?
 
- Với người cầm bút, khi xem công việc viết văn không phải “nghề” mà là “nghiệp” tức là đã hoàn toàn chấp nhận dấn thân vào con đường mình chọn. Đối với những người theo “nghiệp văn”, họ gặp không ít gian truân, thử thách nhưng hành trình ấy cũng chứa đầy cảm xúc thăng hoa cùng niềm hạnh phúc ngọt ngào.
 
Diễm coi đó là dưỡng chất để nuôi tâm hồn mình, làm rung động trái tim của mình để rồi mọi cảm xúc, ý nghĩ cứ lần lượt tuôn trào qua từng trang viết. Diễm lại thấy vui khi "những đứa con" tinh thần của mình ra đời dù số phận của "những đứa con" ấy được định đoạt ra sao là phụ thuộc vào sự đánh giá của độc giả, sự nhìn nhận của giới chuyên môn.
 
Diễm rất vui khi bản thân mình được công nhận, đó là thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc của những năm qua. Diễm tin rằng, khi được gia nhập ngôi nhà chung Hội Nhà văn Việt Nam, được sẻ chia những trải nghiệm, học tập kinh nghiệm từ người đi trước sẽ là động lực để Diễm cố gắng nhiều hơn trên con đường mình đi. Theo Diễm, tấm thẻ hội nhà văn không phải là tất cả, là cái mác để làm đẹp cho người cầm bút mà là sự ghi nhận một quá trình mệt mài sáng tác đầy đam mê. “Hãy cứ để cho tác phẩm tự bầu ra tác giả”.
 
- “Một chuyến hoa xuân”, truyện ngắn mới nhất của Trác Diễm với phần kết tràn ngập sắc xuân tạo cho người đọc niềm vui, sự hứng khởi, tràn đầy niềm tin về cuộc sống mới. Đó là thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới người đọc?
 
- Diễm viết truyện ngắn này trong bối cảnh quê hương, đặc biệt là du lịch Quảng Bình có những bước khởi sắc đáng mừng sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trác Diễm thấy rằng những vùng đất “khó”, những ngọn đồi hoang giờ đây đã được khác lên tấm áo mới bằng những homestay, những đồi hoa…, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, nhất là du khách trẻ và cả người nước ngoài.
 
Ngày nay, người ta không còn quan tâm nhiều đến việc “ăn Tết” mà là “chơi Tết”. Vì thế, những vùng đất hoang ngày nào đã được người trẻ khai thác để làm nên các tour du lịch mạo hiểm, leo núi, sinh thái... Chính làn gió mới từ du lịch đã thổi vào những vùng quê yên ả thanh bình một luồng sinh khí mới, mang lại niềm hạnh phúc, sự no ấm cho người dân quê. “Một chuyến hoa xuân” cũng là món quà nhỏ mà Trác Diễm gửi tới bạn đọc nhân dịp đón chào Xuân mới Quý Mão 2023.
 
Giữa nhịp sống tất bật, hối hả của những ngày cuối năm, Trác Diễm luôn dành cho mình những khoảng lặng để nhớ lại những gì đã qua và sắp xếp hành trình cho những ngày tới. Diễm sẽ tiếp tục đi và viết, vì đó là nhu cầu tự thân.
 
- Cảm ơn Trác Diễm và hy vọng năm 2023, bạn đọc yêu thích văn chương sẽ được đón đọc những tác phẩm mới của nhà văn.
 
Trác Diễm tên thật  là Trần Thị Trác Diễm, sinh 1988 ở xã Hưng Trạch (Bố Trạch) là 1 trong 44 gương mặt tiêu biểu được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Bắt đầu sáng tác từ năm 2014, đến nay, Trác Diễm đã có 7 đầu sách, gồm: “Hồn lau tắng” (tiểu thuyết), được nhận giải tác giả trẻ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; “Tiếng vọng Ma Coong” (tiểu thuyết), giải nhì giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư lần thứ V; “Đất khát” (tiểu thuyết), giải nhì giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư lần thứ VI; “Người đàn bà vẽ hoàng hôn” (tuyển tập truyện ngắn); “Cây đời (tuyển tập truyện ngắn); “Mưa chuyển mùa” (tiểu thuyết) và đang in tập “Giác hạc” cùng nhiều thơ, ký, truyện ngắn in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
 
Nhật Văn (thực hiện)

tin liên quan

Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 - hoạt động truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
 

Nét mới trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21

Sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung, Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại với nhiều sự kiện và nét mới vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, tức ngày 5/2/2023.

Bao nhiêu sắc biếc đong đầy cho nhau

(QBĐT) - Thời gian nghệ thuật thường không trùng với thời gian vật lý/tự nhiên. Thời gian vật lý/tự nhiên luôn đổi thay, vận động theo chiều quay của đồng hồ, theo thứ tự các mùa trong năm.